Với 371 vị (gần phân nửa danh sách), Mỹ là nước có nhiều tỉ phú nhất thế giới. Tài sản của các tỉ phú Mỹ cộng lại lên đến hơn 1 ngàn tỉ USD. Trong khi đó, dù thua Nhật Bản về số lượng (23 so với 27) nhưng tổng tài sản của các tỉ phú Ấn Độ lại nhiều hơn các "đồng nghiệp" xứ sở hoa anh đào đến 32 tỉ USD (99 tỉ so với 67 tỉ). Riêng Nga có đến 33 tỉ phú với tổng tài sản 172 tỉ USD chủ yếu nhờ nguồn thu từ dầu mỏ và giá dầu tăng nhanh. Trong khi đó, Ả Rập Xê Út, đất nước giàu dầu mỏ nhất thế giới, chỉ có 11 tỉ phú nhưng tài sản của họ cộng lại đã là 68 tỉ USD. 3 thành phố có nhiều tỉ phú nhất trên thế giới là New York (Mỹ) với 40 vị, Moscow (Nga) 25 và London (Anh) 23. Tỉ phú trẻ nhất thế giới năm 2005 là cô H.Hariri, 22 tuổi, người thừa hưởng tài sản 1,4 tỉ USD từ người cha là cố Thủ tướng Li-băng R.Hariri bị ám sát hồi tháng 2 năm ngoái. Không kể Gates, 4 tỉ phú còn lại trong top 5 là nhà đầu tư W.Buffett người Mỹ (42 tỉ USD), trùm ngành viễn thông C.Slim người Mexico (30 tỉ USD), I.Kamprad - người sáng lập tập đoàn kinh doanh đồ vật dụng gia đình Ikea - của Thụy Điển (28 tỉ USD) và ông vua thép người Ấn Độ L.Mittal (23,5 tỉ USD).
Hiện 49 nước trên thế giới có ít nhất 1 tỉ phú. Dẫu biết trở thành tỉ phú đô la vẫn là một giấc mơ của đa số mọi người nhưng với tốc độ phát triển vũ bão của nền kinh tế tại nhiều nơi, cơ hội đạt được giấc mơ này dường như trở nên dễ hơn. (BBC, CBS)
Uyên Phi
Bình luận (0)