Thế giới cần 24 tỉ đôi giày mỗi năm nhưng vì sao nhà sản xuất bị ép giá?

Chí Nhân
Chí Nhân
09/07/2024 14:58 GMT+7

Châu Á là nguồn cung giày chủ yếu cho thị trường thế giới, nhưng vẫn đang bị các nhà nhập khẩu ép giá. Đó là nghịch lý đặt ra tại Hội nghị quốc tế ngành da giày sáng nay, 9/7 tại TP.HCM

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da Giày Túi xách Việt Nam nói: Nếu tính riêng về sản lượng giầy, mỗi năm thế giới vẫn cần tới 24 tỉ đôi. Tuy nhiên, tình hình kinh tế khó khăn, căng thẳng chính trị, các vẫn đề về bảo vệ môi trường đặt ra rất nhiều thách thức cho ngành da giầy thế giới nói chung. Bối cảnh này đòi hỏi ngành da giày phải cùng nhau liên kết lại để rút ngắn chuỗi cung ứng, nhằm hạ giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh.

Thế giới cần 24 tỉ đôi giày mỗi năm nhưng vì sao nhà sản xuất bị ép giá?- Ảnh 1.

Đồng tình với quan điểm trên, đại diện Hiệp hội Giày dép Hồng Kông (Trung Quốc) nói: Người mua ngày càng tham lam. Ngày nào họ cũng đến xem hàng và bảo muốn mua nhưng lúc nào cũng yêu cầu giá phải rẻ hơn. Nếu chúng ta tồn tại riêng lẻ như hiện nay thì rất dễ bị ép giá. Các nhà sản xuất cần liên kết lại trong một ngôi nhà chung châu Á.

Trong khi đó, đại diện ngành hàng da giày của Ấn Độ, cho biết: Hiện tại sản lượng cung ứng của Ấn Độ chỉ mới có 2,5 tỉ đôi giày mỗi năm trong khi nhu cầu của riêng Ấn Độ có thể lên tới 6 tỉ đôi giày. Chính vì vậy, chính phủ Ấn Độ cũng có nhiều chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư. "Châu Á chính là tương lai của thị trường da giày thế giới khi chiếm tới trên 60% nguồn cung và sản lượng tiêu thụ lên tới 50%. Chính vì vậy, các nhà sản xuất ở châu Á cần liên kết hợp tác lại cùng nhau để tạo thành sức mạnh chung", vị này nói.

Liên quan đến các vấn đề sản xuất xanh và phát thải thấp cũng như đầu tư mở rộng dây chuyền sản xuất, đại diện đến từ những nước phát triển như Hàn Quốc, Đài Loan cho biết chủ yếu đầu tư ra bên ngoài lãnh thổ. Trước đây, các nhà đầu tư tập trung vào các thị trường có chi phí lao động thấp nhưng hiện nay "mệnh lệnh đầu tư" thuộc về khách hàng. Các khách hàng hiện nay ngoài chất lượng, mẫu mã, giá cả thì còn xem xét tới các yếu tố chính trị, bảo vệ môi trường, năng lượng sạch…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.