Tại K’Ogelo, ngôi làng nhỏ bé với hơn 1.000 dân của Kenya, mọi người đổ ra đường reo hò nhảy múa sau khi những tin tức đầu tiên về chiến thắng của Obama được công bố vào lúc khoảng 7 giờ sáng nay theo giờ địa phương. K’Ogelo được mệnh danh là “tâm chấn của cơn nghiện Obama”, bởi đó chính là quê nội của Obama, nơi mà bà, em cùng cha khác mẹ và những người thân khác của Obama theo dõi sát sao kết quả bầu cử tổng thống ở đất nước Mỹ xa xôi.
Không chỉ có gia đình Obama mới tự hào. Chính Tổng thống Kenya, ông Mwai Kibaki đã gọi cuộc bầu cử ở Mỹ là “một ngày quan trọng không chỉ cho lịch sử nước Mỹ mà còn cho cả chúng ta ở Kenya. Chiến thắng của thượng nghị sĩ Obama là chiến thắng của chúng ta bởi vì nguồn cội của ông ấy là tại đây, ở đất nước Kenya này. Đất nước chúng ta đầy tự hào vì sự thành công của ông ấy”.
Không chỉ có tự hào, ông Kibaki còn tuyên bố ngày thứ năm, tức một ngày sau bầu cử, là ngày nghỉ để ăn mừng chiến thắng của Obama.
Tại Indonesia, nơi Obama đã sống với mẹ và cha dượng hồi cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, hàng trăm học sinh tại ngôi trường tiểu học Obama từng học đã đổ ra sân chơi mà nhảy múa dù trời đang mưa. AP đưa tin nhiều học sinh vừa nhảy múa vừa hô lớn “Obama! Obama!”.
Còn ở một thị trấn của nước Nhật chia sẻ cùng cái tên Obama với người chiến thắng ở Mỹ, một đám đông cũng hô to cái tên Obama, Obama.
Chiến thắng của Obama cũng đã thổi một luồng sinh khí mới vào thị trường chứng khoán thế giới, giúp cho thị trường đi lên với hy vọng rằng vị tổng thống trẻ tuổi với quyết tâm thay đổi sẽ đưa con tàu tài chính thế giới khỏi giai đoạn sóng gió hiện nay.
Còn về phía các lãnh đạo quốc gia, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã nhanh chóng chúc mừng Obama bằng “những lời chúc nồng ấm nhất”, cho rằng việc Obama đắc cử mang lại “niềm hy vọng lớn lao” ở Pháp, ở châu u và trên cả thế giới.
Thủ tướng Anh Gordon Brown thì ca ngợi Obama đã có “một chiến dịch tranh cử truyền cảm” và tuyên bố “mong chờ được làm việc thật chặt chẽ với ông ấy trong những năm tháng tới”.
Ở hai quốc gia mà Mỹ đã phát động chiến tranh là Iraq và Afghanistan, các lãnh đạo cũng ca ngợi chiến thắng của Obama. Tổng thống Afghanistan, ông Hamid Karzai tuyên bố người Mỹ đã “đưa chính họ cũng như phần còn lại của thế giới này vào một kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên mà chủng tộc, màu da và sắc tộc sẽ biến mất, không còn là một yếu tố trên chính trường thế giới”.
Ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari thì tuyên bố ông xem chiến thắng của Obama là một cơ hội để thành lập mối quan hệ đối tác thành công trong tương lai giữa hai nước.
Đoan Nhật
Bình luận (0)