Thế giới có bao nhiêu vũ khí hạt nhân trong tư thế sẵn sàng?

Thế giới có bao nhiêu vũ khí hạt nhân trong tư thế sẵn sàng?

18/06/2024 07:11 GMT+7

Các nhà nghiên cứu cảnh báo vai trò của vũ khí nguyên tử hiện đang trở nên đáng lo ngại hơn và các quốc gia hạt nhân đang hiện đại hóa kho vũ khí của họ trong bối cảnh quan hệ địa chính trị xấu đi trên toàn cầu.

Trong báo cáo thường niên được công bố ngày 17.6, Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) cũng cảnh báo đang có những bước lùi nghiêm trọng trong nỗ lực ngoại giao nhằm kiểm soát vũ khí hạt nhân, trong lúc quan hệ thế giới căng thẳng hơn vì các cuộc xung đột ở Ukraine và Gaza.

AFP dẫn lời ông Wilfred Wan, Giám đốc Chương trình Vũ khí hủy diệt hàng loạt của SIPRI, nói: "Chúng tôi chưa từng chứng kiến vũ khí hạt nhân đóng vai trò nổi bật đến thế trong quan hệ thế giới kể từ thời Chiến tranh Lạnh".

Thế giới có bao nhiêu vũ khí hạt nhân trong tư thế sẵn sàng?- Ảnh 1.

Nga tổ chức diễn tập vũ khí hạt nhân chiến lược gần biên giới Ukraine hồi tháng 5

BỘ QUỐC PHÒNG NGA

Viện nghiên cứu lưu ý vào tháng 2.2023, Nga tuyên bố ngừng tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) được ký năm 2010. Đây là thỏa thuận duy nhất còn lại có thể giới hạn lực lượng hạt nhân chiến lược của Mỹ-Nga.

SIPRI cũng nhắc lại việc Nga diễn tập vũ khí hạt nhân chiến lược gần biên giới Ukraine vào tháng 5.

Bên cạnh đó, thỏa thuận phi chính thức giữa Mỹ và Iran ký kết tháng 6.2023 liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran đã bị đảo ngược sau khi cuộc xung đột giữa lực lượng Hamas và Israel bùng phát ở Gaza vào tháng 10 năm ngoái.

Theo SIPRI, nhóm 9 quốc gia có vũ khí hạt nhân của thế giới đang tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí, trong đó một số nước trong năm 2023 đã triển khai những tổ hợp vũ khí mới mang đầu đạn hạt nhân hay có thể trang bị đầu đạn hạt nhân.

Nhóm 9 nước này bao gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, CHDCND Triều Tiên và Israel.

Tháng 1 năm nay, trong số ước tính 12.121 đầu đạn hạt nhân có mặt trên khắp thế giới, khoảng 9.585 đầu đạn được cất giữ bảo quản, còn khoảng 2.100 đầu đạn đang trong trạng thái "sẵn sàng hoạt động cao" cho các tên lửa đạn đạo, theo SIPRI.

Gần như toàn bộ số đầu đạn trong trạng thái sẵn sàng tác chiến cao thuộc về Nga và Mỹ, hai nước sở hữu gần 90% số vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Trung Quốc lần đầu tiên được cho đang duy trì một vài đầu đạn ở trạng thái này.

Giám đốc SIPRI Dan Smith cho biết số lượng đầu đạn hạt nhân trong trạng thái sẵn sàng đang gia tăng theo từng năm, và xu hướng trên có lẽ sẽ tiếp tục tăng tốc trong những năm tới. Ông gọi đây là diễn biến "vô cùng đáng quan ngại".

Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh "tình trạng xấu đi đang diễn ra đối với an ninh toàn cầu trong năm qua", khi tác động từ các cuộc xung đột ở Ukraine và Gaza có thể được nhận thấy trong "hầu như mọi khía cạnh" liên quan đến vũ trang và an ninh quốc tế.

Ông Smith nói nhân loại "đang ở vào một trong những giai đoạn nguy hiểm nhất trong lịch sử" và thúc giục các siêu cường thế giới "lùi lại và suy ngẫm - tốt nhất là cùng nhau làm vậy".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.