Từ nước Mỹ chia rẽ
Những ngày đầu năm 2021, kết quả bầu cử tổng thống Mỹ hồi cuối năm 2020 vẫn tồn tại nhiều bất đồng gay gắt. Đỉnh điểm là vụ bạo loạn vào ngày 6.1 tại Điện Capitol (tòa nhà quốc hội Mỹ) do lực lượng ủng hộ tổng thống đương nhiệm lúc bấy giờ Donald Trump gây ra, khi quốc hội kiểm phiếu Đại cử tri Đoàn. Sau vụ bạo loạn, nhà chức trách đã tiến hành bắt giữ một số người và các biện pháp pháp lý xung quanh liên quan vụ việc vẫn đang tiếp diễn.
Nhận xét khi trả lời Thanh Niên, cựu đại tá hải quân Mỹ Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương hải quân Mỹ, đang giảng dạy ở Đại học Hawaii) xem đó là “vết nhơ của nền dân chủ Mỹ”.
Quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc và Nga liên tục căng thẳng trong năm qua |
CNN |
Sự chia rẽ phần nào còn tiếp diễn liên quan tranh cãi vụ cuối tháng 8, Mỹ đã triệt thoái toàn bộ lực lượng khỏi Afghanistan sau khi Taliban lại chiếm quyền kiểm soát ở Afghanistan. Việc rút quân diễn ra chỉ hơn 10 ngày trước thời điểm đánh dấu 20 năm vụ Mỹ bị tấn công khủng bố vào ngày 11.9.2001. Trong khi nhiều ý kiến cho rằng việc rút quân giúp Mỹ không tiếp tục sa lầy, tiêu hao tiền của ở Afghanistan, thì nhiều ý kiến ngược lại đã chỉ trích cuộc rút quân có thể dẫn đến việc Washington khó kiểm soát nỗi các làn sóng khủng bố. “Cuộc di tản khỏi Afghanistan có thể tiềm ẩn nguy cơ những kẻ khủng bố trà trộn để vào Mỹ và châu Âu”, ông Schuster đánh giá.
Đến cạnh tranh ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Tuy nhiên, việc rút quân khỏi Afghanistan cũng được cho là cơ hội để Mỹ tập trung nguồn lực cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo - Pacific) để đối phó sự trỗi dậy của Trung Quốc. Thực tế, từ tháng 3, song hành cùng hàng loạt động thái tăng cường ngoại giao với khu vực, tân chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của “bộ tứ an ninh” (gồm Mỹ - Nhật Bản - Úc - Ấn Độ) dưới hình thức trực tuyến. Hội nghị đã hoàn thiện chiến lược đối phó Trung Quốc bằng nhiều biện pháp an ninh lẫn kinh tế.
Đến ngày 25.9.2021, “bộ tứ” lại có hội nghị thượng đỉnh diễn ra dưới hình thức hội đàm trực tiếp tại thủ đô Washington (Mỹ). Hội nghị đã thông qua giải pháp toàn diện hơn nhằm ứng phó với Bắc Kinh, bao hàm nhiều biện pháp kinh tế như thiết lập sự hợp tác về các công nghệ quan trọng và mới nổi; lập bản đồ chuỗi cung ứng các công nghệ và vật liệu quan trọng, bao gồm cả chất bán dẫn; đồng thời khẳng định cam kết đối với các chuỗi cung ứng công nghệ quan trọng…
Không chỉ đẩy mạnh hợp tác của “bộ tứ”, Mỹ còn mở rộng liên kết đối phó với Trung Quốc. Cụ thể, trước thềm hội nghị thượng đỉnh trực tiếp của “bộ tứ”, Washington ngày 16.9 công bố thỏa thuận hợp tác 3 bên gồm Mỹ - Anh - Úc (AUKUS) nhằm giải quyết “các thách thức ở Thái Bình Dương”.
Song hành cùng những diễn biến trên là quan hệ Mỹ - Trung ngày càng căng thẳng. Nhằm giải quyết bất đồng, vào tháng 3, hai nước có cuộc đàm phán cấp cao tại Alaska (Mỹ) nhưng không đạt được kết quả khi hai bên chỉ trích nhau quyết liệt, thậm chí có dấu hiệu phá vỡ một số nguyên tắc ngoại giao. Đến cuối tháng 11.2021, ông Biden đã có cuộc hội đàm trực tuyến với ông Tập Cận Bình, Chủ tịch nước Trung Quốc. Một lần nữa, kết quả hội đàm khá mờ nhạt và hai bên đều vạch ra các “lằn ranh đỏ” cho nhau. Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh đã liên tục gây áp lực quân sự lên eo biển Đài Loan, khiến Washington tiến hành nhiều động thái tăng cường thể hiện sự hậu thuẫn đối với Đài Bắc.
Theo giới quan sát, căng thẳng Washington - Bắc Kinh khó có thể được giải quyết bất đồng trong năm 2022. Bởi vào năm sau, Mỹ sẽ có cuộc bầu cử giữa kỳ khiến cho chính quyền đương nhiệm cần thể hiện sự cương quyết trước Bắc Kinh, trong khi đó đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ tổ chức đại hội toàn quốc nên cần tranh thủ sự ủng hộ của dư luận trong nước.
Và căng thẳng giữa Nga với phương Tây
Một tâm điểm đáng chú ý khác trong năm qua chính là căng thẳng giữa Nga với phương Tây xoay quanh xung đột quân sự ở miền đông Ukraine và bất ổn ở biên giới Ba Lan với Belarus.
Trong đó, lực lượng quân sự đòi ly khai ở vùng Donbass (thuộc miền đông Ukraine) được cho là do Nga hậu thuẫn, trong khi chính quyền Ukraine nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Mỹ, NATO và EU. Có thời điểm, Nga bị cáo buộc tập trung hơn 90.000 quân ở biên giới với Ukraine, gây lo ngại về nguy cơ Moscow tấn công Ukraine.
Bên cạnh đó, căng thẳng cũng nhiều lần dâng cao ở biên giới Belarus - Ba Lan khi hàng ngàn người tị nạn từ Trung Đông đến khu vực này nhằm tìm đường vào các nước EU. Ba Lan cho rằng phía Belarus, với sự hậu thuẫn của Nga, đã cố ý “mở đường” cho người tị nạn vào Ba Lan, dẫn đến nhiều rủi ro về an ninh. Căng thẳng có lúc đã khiến giới quan sát lo ngại bùng phát thành đụng độ. EU cùng với Mỹ đã lên tiếng ủng hộ Ba Lan, đồng thời chỉ trích mạnh mẽ Belarus lẫn Nga.
Trong bối cảnh như vậy, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có đến 2 cuộc hội nghị thượng đỉnh, gồm 1 cuộc diễn ra dưới hình thức trực tuyến và 1 cuộc trực tiếp, nhưng kết quả không khả quan. Chỉ đến những ngày cuối năm, căng thẳng giữa Nga và phương Tây đã phần nào lắng xuống sau khi Washington và Moscow ấn định thời gian tiến hành đối thoại an ninh.
Chính biến ở Myanmar
Cuộc chính biến tại Myanmar xảy ra vào ngày 1.2, ngay trước khi các nghị sĩ tuyên thệ nhậm chức sau cuộc bầu cử vào cuối năm 2020. Quyền Tổng thống Myint Swe ban bố tình trạng khẩn cấp và chuyển giao quyền lực cho Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Min Aung Hlaing. Quân đội Myanmar tuyên bố kết quả cuộc bầu cử năm 2020 là không có hiệu lực vì có gian lận. Tổng thống Win Myint và Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi bị bắt giữ cùng nhiều quan chức, nghị sĩ và sau đó bị cáo buộc nhiều tội danh.
Cuộc chính biến gây ra làn sóng biểu tình lớn tại Myanmar. Theo một số tổ chức quan sát, những cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh và người biểu tình khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng và hàng ngàn người bị bắt. Tuy nhiên, quân đội Myanmar tuyên bố con số trên thực tế thấp hơn nhiều. Phương Tây sau đó tung các lệnh cấm vận đối với giới lãnh đạo quân sự Myanmar. Đến tháng 4, Myanmar và các thành viên ASEAN đạt đồng thuận 5 điểm nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng. Trong đó, quan điểm chủ đạo là yêu cầu chấm dứt bạo lực, tiến hành đối thoại nhưng đến nay được cho là vẫn chưa đạt những tiến bộ rõ rệt.
Vi Trân
Bình luận (0)