Thế giới họp bàn về an ninh lương thực

04/06/2008 00:44 GMT+7

Hội nghị thượng đỉnh về khủng hoảng lương thực đã khai mạc hôm qua tại Rome (Ý) với lời kêu gọi tăng sản lượng nhằm đáp ứng nhu cầu đang tăng.

Hơn 40 lãnh đạo quốc gia và hàng ngàn chuyên gia quốc tế có mặt tại hội nghị kéo dài 3 ngày do Tổ chức Lương - Nông LHQ (FAO) tổ chức nhằm tìm kiếm giải pháp hạ nhiệt cơn sốt giá lương thực, vốn đã gây ra nạn đói và tình trạng bất ổn ở nhiều nước trong thời gian vừa qua. Theo Hãng tin Reuters, FAO đã kêu gọi tổ chức hội nghị vào cuối năm ngoái với mục đích ban đầu là thảo luận những rủi ro đối với an ninh lương thực toàn cầu, nhưng trọng tâm chú ý đã thay đổi trong những tháng gần đây.

Hãng tin BBC cho biết, trong bài phát biểu tại hội nghị vào hôm qua, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã cảnh báo rằng sản lượng lương thực toàn cầu cần phải tăng 50% vào năm 2030 nhằm đáp ứng nhu cầu đang gia tăng. Ông cũng kêu gọi giảm đến mức tối thiểu việc hạn chế xuất khẩu và đánh thuế nhập khẩu như một phần các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng giá lương thực tăng tới mức kỷ lục trong 30 năm qua. Người đứng đầu LHQ nhấn mạnh: "Trong khi phải đối phó ngay lập tức với tình trạng giá lương thực tăng cao, điều quan trọng là chúng ta phải coi việc cải thiện an ninh lương thực như một trọng tâm lâu dài". Theo Hãng tin AP, ông Ban đã kêu gọi nhanh chóng kết thúc vòng đàm phán Doha nhằm loại bỏ những chính sách thương mại và chính sách thuế bóp méo thị trường.

Theo BBC, cuộc khủng hoảng lương thực gần đây đã đẩy 100 triệu người vào tình trạng đói kém. Các nước nghèo hơn đã phải đối mặt với tình trạng chi phí lương thực tăng 40% trong năm nay và các chuyên gia LHQ cho biết, chi phí này ở một số nước thậm chí đã tăng 100%. Cũng trong bài diễn văn hôm qua, ông Ban cho biết nhóm đặc nhiệm về khủng hoảng lương thực do ông đứng đầu đang đề nghị "các nước cải thiện khả năng tiếp cận lương thực của người dân dễ bị tác động và thực hiện các bước nhằm đảm bảo luôn có sẵn nguồn lương thực trong cộng đồng của họ", theo AP. Điều đó có nghĩa là tăng cường viện trợ lương thực, cung cấp cho nông dân sản xuất nhỏ hạt giống và thuốc trừ sâu kịp mùa gieo trồng năm nay và giảm thiểu những hạn chế thương mại để bảo đảm sự lưu thông tự do hàng nông sản.

Lĩnh vực được cho là có thể gây bất đồng tại hội nghị Rome chính là việc sản xuất nhiên liệu sinh học. Theo Reuters, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Ed Shafer cho rằng nhiên liệu sinh học chỉ chiếm 3% vào mức tăng giá lương thực, nhưng Tổ chức Oxfam lại đưa ra con số là 30%. Liên quan đến chính sách trợ cấp nông sản của các nước giàu, vốn ảnh hưởng nhiều đến khả năng cạnh tranh của nông dân ở các nước nghèo, ông Jim Butler, Phó tổng giám đốc FAO, cho biết dự thảo tuyên bố chung của hội nghị không đưa ra lời hứa cải tổ nào đối với chính sách nói trên.

FAO và Tổ chức Hợp tác kinh tế và phát triển (OECD) tuần qua đã khuyến cáo rằng giá lương thực sẽ tiếp tục ở mức cao trong thập kỷ tới. Theo TTXVN, giới phân tích cho rằng dù hội nghị có đạt được thỏa thuận hoặc giải pháp tích cực nào cho cuộc khủng hoảng thì FAO - tổ chức cứu trợ lương thực lớn nhất thế giới - vẫn đang đứng trước thách thức cải tổ. Một báo cáo do LHQ soạn thảo đã vạch rõ sự cồng kềnh về tổ chức và hoạt động thiếu hiệu quả của FAO, cũng như dấu hiệu tham nhũng trong một bộ phận lãnh đạo của tổ chức này.

Trùng Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.