Theo Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), tính chung 8 tháng đầu năm 2022, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 11 tỉ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 7,8 tỉ USD, giảm 3% so với cùng kỳ năm 2021. Riêng mặt hàng viên nén và dăm gỗ chớp được thời cơ khi EU, Nhật Bản và một số nước châu Á tìm kiếm nguồn nguyên liệu thay thế cho khí đốt. Giá viên nén, dăm gỗ đã tăng 150 - 200%, bù đắp cho sự sụt giảm của xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Viên nén gỗ có tiềm năng lọt vào nhóm các mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD |
T.L |
Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, năm 2021 lượng viên nén xuất khẩu từ Việt Nam đạt 3,5 triệu tấn với kim ngạch hơn 413 triệu USD. Trong 6 tháng đầu 2022 lượng xuất khẩu đạt gần 2,4 triệu tấn với kim ngạch 354 triệu USD. Nếu tốc độ tăng trưởng được duy trì như thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu trong cả năm 2022 có thể đạt trên 700 triệu USD. Trong tương lai, viên nén gỗ có tiềm năng sẽ lọt vào nhóm các mặt hàng nông lâm sản xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỉ USD.
Nhu cầu sử dụng viên nén trên thị trường thế giới đang tăng mạnh, do cuộc xung đột Nga - Ukraine làm giảm nguồn cung khí đốt từ Nga cho các quốc gia khu vực EU, nhiều người dân EU chuyển sang sử dụng viên nén đốt lò sưởi trong mùa đông sắp tới. Việt Nam là nước xuất khẩu viên nén gỗ lớn thứ hai thế giới, sau Mỹ. Mặc dù không phải là quốc gia cung cấp viên nén lớn cho các nước EU, nhưng nhu cầu và giá viên nén tại thị trường quốc tế tăng cao tạo cơ hội cho sản phẩm này của Việt Nam mở rộng sản xuất và xuất khẩu.
Tại châu Á, Hàn Quốc, Nhật Bản là hai nước nhập khẩu chính sản phẩm viên nén gỗ của Việt Nam đang tiếp tục thực hiện chuyển đổi từ nguồn điện than sang điện sạch, bao gồm cả điện sinh khối. Do vậy, nhu cầu sử dụng viên nén tại các quốc gia này sẽ tiếp tục tăng trong tương lai. Bên cạnh đó, thị trường Trung Quốc cũng đang chuyển đổi theo hướng tương tự và có nhu cầu cao đối với mặt hàng này.
Bình luận (0)