Chiến sự ngày 210: '6.000 quân Nga tử trận' ở Ukraine, ông Putin có động thái mới

Văn Khoa
Văn Khoa
22/09/2022 06:20 GMT+7

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có phản ứng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 21.9 phát lệnh động viên quân sự một phần và đề cập khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân.

Trong bài phát biểu toàn quốc ngày 21.9, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố động viên quân sự một phần, trong lúc lực lượng Nga đối mặt cuộc xung đột kéo dài ở vùng Donbass thuộc miền đông Ukraine. Ông Putin nhấn mạnh động viên quân sự một phần là cần thiết và ông đã ký một sắc lệnh cho việc huy động này ngay trong ngày, theo Đài RT.

Quân nhân Ukraine ngày 20.9 kiểm tra xe bọc thép chở quân của lực lượng Nga bị phá hủy ở thị trấn Izium trong tỉnh Kharkiv thuộc miền đông Ukraine

Reuters

Ông Putin cũng tuyên bố Nga sẽ sử dụng "sức mạnh của toàn bộ kho vũ khí" nếu phải đối mặt với mối đe dọa hạt nhân từ phương Tây, đánh dấu mức độ nghiêm trọng mới trong các tuyên bố của nhà lãnh đạo từ khi chiến sự bùng nổ hồi cuối tháng 2.

Sau phát biểu của Tổng thống Putin, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tiết lộ trong lần động viên này, Nga sẽ huy động 300.000 người từ lực lượng dự bị.

Xem nhanh: Chiến dịch ở Ukraine ngày 210, Tổng thống Putin huy động 300.000 lính dự bị, hối thúc giao thêm vũ khí

Xem thêm: Tổng thống Putin vừa phát lệnh động viên một phần, huy động lực lượng dự bị

Phản ứng của Tổng thống Biden, Trung Quốc

Phát biểu tại kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào sáng 21.9 (tối cùng ngày theo giờ Việt Nam), Tổng thống Mỹ Joe Biden cáo buộc Nga vi phạm các nguyên tắc cốt lõi của Hiến chương Liên Hiệp Quốc bằng cách tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, theo Reuters. Ông Biden khẳng định không ai đe dọa Nga, mặc dù Moscow đưa ra tuyên bố ngược lại, và chỉ có Nga tìm kiếm xung đột. Ông cam kết Mỹ sẽ đoàn kết với Ukraine.

Tổng thống Biden cũng đề cập lệnh động viên quân sự một phần của Tổng thống Putin và việc nhà lãnh đạo Nga nêu khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Ông Biden nói rằng Tổng thống Putin "vừa công khai đưa ra lời đe dọa hạt nhân chống lại châu Âu”. “Nga bây giờ đang kêu gọi thêm binh sĩ tham gia cuộc chiến, và Điện Kremlin sắp tổ chức cuộc trưng cầu dân ý để cố sáp nhập những phần của Ukraine, một sự vi phạm cực kỳ nghiêm trọng về Hiến chương Liên Hiệp Quốc”, CNN dẫn lời Tổng thống Biden phát biểu.

Cũng trong bài phát biểu trên, Tổng thống Biden nhấn mạnh Mỹ sẽ không tìm kiếm “xung đột” với Trung Quốc hay một cuộc Chiến tranh lạnh mới. Ông còn nói rằng Washington sẽ không kêu gọi các nước “chọn” giữa Mỹ và các đối tác khác. Ông cho hay Washington quyết tâm thúc đẩy phiên bản của Mỹ về một "thế giới phồn thịnh, cởi mở và tự do".

Các nước phản ứng ra sao sau khi Tổng thống Nga Putin phát lệnh "động viên một phần"?

Trong khi đó, Bắc Kinh đã phản ứng về việc Tổng thống Putin phát lệnh động viên quân sự bằng cách kêu gọi giải quyết hòa bình cuộc xung đột vũ trang ở Ukraine, theo Đài RT.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nhấn mạnh lập trường của Trung Quốc rằng các bên liên quan trong cuộc khủng hoảng an ninh ở Ukraine nên kiềm chế và tìm kiếm giải pháp có thể chấp nhận được với nhau là luôn nhất quán và rõ ràng.

Về phía Ukraine, trong cuộc trả lời phỏng vấn với Đài BILD TV vào ngày 21.9, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho rằng việc Tổng thống Putin ra lệnh động viên quân sự là do nhuệ khí trong các lực lượng Nga đã giảm, theo AFP. Tổng thống Zelensky cho hay ông không tin rằng Nga sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột với Ukraine.

Tổng thống Zelensky còn nói rằng khả năng tổ chức cuộc đối thoại với Tổng thống Putin nhằm kết thúc chiến sự đang giảm và nhấn mạnh việc đó chỉ có thể xảy ra nếu nhà lãnh đạo Nga rút lực lượng khỏi lãnh thổ Ukraine, theo Reuters.

Xem thêm: Các nước phản ứng sau lệnh động viên của Nga

Nga xác nhận gần 6.000 binh sĩ tử trận tại Ukraine

Theo hãng tin RIA, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu ngày 21.9 cũng đã có bài phát biểu cập nhật tình hình chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow tại Ukraine. Ông Shoigu cho biết quân đội Nga đã mất gần 6.000 binh sĩ trong các cuộc giao tranh.

“Tổn thất của chúng tôi cho đến nay là 5.937 người thiệt mạng", ông Shoigu tiết lộ.

Đây là lần đầu tiên Nga công bố thiệt hại trong chiến dịch quân sự kể từ cuối tháng 3. Khi đó, con số quân nhân thiệt mạng được Bộ Quốc phòng Nga đưa ra là 1.351 người.

Bộ trưởng quốc phòng Shoigu nói gần 6.000 binh sĩ Nga tử trận, phía Ukraine thiệt hại gấp 10

Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng cho biết con số tử vong ở phía Ukraine cao gấp 10 lần. “Ban đầu, lực lượng vũ trang Ukraine có 201.000-202.000 người. Họ đã chịu tổn thất khoảng 100.000 người, với 61.207 người thiệt mạng và 49.368 người khác bị thương", ông Shoigu nói.

Xem thêm: Nga xác nhận gần 6.000 binh sĩ tử trận tại Ukraine, sẽ huy động 300.000 quân dự bị

Chứng khoán Nga giảm mạnh sau khi Tổng thống Putin phát lệnh động viên quân sự

Thị trường chứng khoán Nga hôm nay 21.9 giảm mạnh sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát lệnh động viên một phần, trong lúc Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Chỉ số MOEX Nga đã giảm tới 10% trong ngày 21.9, theo tạp chí Newsweek dẫn số liệu từ chuyên trang Trading Economics. Sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Nga là hệ quả trực tiếp từ việc Tổng thống Putin phát lệnh động viên một phần, đánh dấu đợt động viên đầu tiên của Nga kể từ Thế chiến II, theo Trading Economics.

Trong bài phát biểu toàn quốc ngày 21.9, Tổng thống Putin nhấn mạnh việc động viên một phần là cần thiết và ông đã ký một sắc lệnh cho việc huy động này ngay trong ngày hôm nay, theo Đài RT.

Ông Putin nói rằng các lực lượng vũ trang Nga chỉ huy động lực lượng dự bị và sẽ cung cấp huấn luyện thêm cho lực lượng này cùng với tất cả lợi ích cho những người phục vụ trong quân đội.

Xem thêm: Chứng khoán Nga giảm mạnh sau khi Tổng thống Putin phát lệnh động viên quân sự

Lãnh đạo ở châu Âu liên tục phát biểu nóng về xung đột

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic mới đây cảnh báo rằng thế giới đang tiến gần một cuộc xung đột lớn chưa từng thấy kể từ năm 1945, trong khi Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói rằng Nga đang chống lại toàn EU.

“Các bạn thấy cuộc khủng hoảng ở mỗi khu vực của thế giới”, Tổng thống Vucic nói với Đài RTS của Serbia hôm 20.9, sau ngày đầu tiên của kỳ họp Đại hội đồng LHQ, theo Đài RT.

“Tôi nghĩ những dự đoán thực tế ảm đạm hơn”, Tổng thống Vucic nhấn mạnh.

Serbia lâu nay đối mặt sức ép từ Liên minh châu Âu (EU) và NATO áp đặt lệnh cấm vận lên Nga và đứng về phía phương Tây, nhưng Tổng thống Vucic vẫn giữ lập trường trung lập trong lúc vẫn muốn Serbia gia nhập EU, theo Đài RT.

Ukraine trưng bày các hệ thống tên lửa tại triển lãm quân sự ở Ba Lan

Trong khi đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn với tạp chí Politico ngày 20.9. Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez nói rằng Nga đang chống lại không chỉ Ukraine mà cả toàn EU. Ông Sanchez còn nói rằng chiến dịch quân sự của Nga ở châu Âu đang thất bại và chỉ làm cho EU trở nên mạnh hơn.

Xem thêm: Lãnh đạo ở châu Âu liên tục phát biểu nóng về xung đột

Đức quốc hữu hóa nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất nước để đối phó khủng hoảng

AFP đưa tin chính phủ Đức ngày 21.9 đã đạt được thỏa thuận quốc hữu hóa tập đoàn khí đốt khổng lồ Uniper trong bối cảnh ngành năng lượng đang lao đao.

Tuyên bố của Bộ Kinh tế Đức cho biết thỏa thuận này sẽ giúp Berlin sở hữu 99% cổ phần trong Uniper, công ty nhập khẩu khí đốt khổng lồ đang nợ nần chồng chất. “Uniper là trụ cột trung tâm trong việc cung cấp năng lượng cho Đức”, Bộ Kinh tế Đức cho biết ngày 21.9.

Theo thỏa thuận, Đức sẽ bơm 8 tỉ euro tiền mặt vào Uniper và mua 500 triệu euro cổ phiếu từ công ty năng lượng quốc doanh Phần Lan Fortum.

Fortum cũng sẽ được hoàn trả 8 tỉ euro mà công ty này đã cho Uniper vay.

Xem thêm: Đức quốc hữu hóa nhà nhập khẩu khí đốt lớn nhất nước để đối phó khủng hoảng

Xem thêm diễn biến chiến sự Nga - Ukraine:

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.