Mỗi người đều có những bí mật trong thế giới riêng. Thế giới đó cần được tôn trọng.
Nhưng có những người cho rằng mình có quyền xâm phạm thế giới riêng của người nhỏ hơn, từ đó xảy ra không ít hụt hẫng đáng tiếc.
Vì tò mò và thích chỉ trích
Chị Ngọc Hân, 55 tuổi (ngụ Q.5, TP.HCM) kể: “Hồi nhỏ bạn học của tôi chuyển trường, chúng tôi liên lạc nhau qua thư. Tôi không bao giờ quên hình ảnh chị hai tỉnh bơ xé thư tôi ra đọc để coi “nó viết cái gì”. Tôi phản đối thì nhận được những cái tát của mẹ, của chị. Thư không có gì, chỉ những chuyện kể trong lớp. Thế mà mẹ tôi mắng “bày đặt thư từ”. Tôi đành cắt liên lạc với bạn bè. Nghĩ đến chuyện đó, tôi rất buồn”.
Đó là thế hệ 4X, 5X của thế kỷ trước. Ngày nay các bạn trẻ khó lòng chấp nhận thế giới riêng tư của mình bị xâm phạm. N.M.T., 17 tuổi, học sinh Trường THPT Marie Curie (Q.3, TP.HCM), bức xúc: “Em không thể chấp nhận mẹ lục nhật ký em ra đọc, mở tập vở em để tìm thư tình. Nhưng thư tình bây giờ “xưa rồi Diễm”. Cần thì lên mạng xã hội Facebook hoặc chat qua mạng Internet, tội gì phải viết thư cho mỏi tay. Khi đọc nhật ký của em, mẹ biết em nghĩ gì về bạn bè, học hành... và cả gia đình. Thế là mẹ làm ầm lên. Em thấy mình bị xúc phạm quá nhiều”. Kết quả là M.T. lầm lì, không nói chuyện với mẹ. Khi chị H., mẹ T., hỏi chuyện thì em chỉ ậm ừ. Cứ chiến tranh lạnh như thế, chị H. không chịu nổi. Chưa kể, quyển nhật ký được M.T. đặt ngay trong phòng khách với hàng chữ “I hate you” (con ghét mẹ) ngay trang cuối chị H. đã xem.
M.T. vẫn giữ thái độ “bất bạo động”. T. trút bỏ mọi tâm sự trên thế giới mạng Internet - thế giới mà mẹ em... mù tịt. Cuối cùng, chị H. đến một văn phòng tư vấn tâm lý tại Q.3. Nơi đây chị được góp ý về cách hành xử của bậc cha mẹ. Giới trẻ hiện nay khác hẳn với thời của chị H., đừng mang quyền làm cha mẹ áp đảo con.
Sau khi được tham vấn, chị H. về nói chuyện với con. Thật khó khăn để nhận khuyết điểm nhưng chị đã cố gắng. Chị chia sẻ: “Tôi nói với con là mình không cố ý đọc nhật ký của con mà chỉ vì muốn hiểu con. Tôi muốn biết con nghĩ gì, quan hệ với ai và đề nghị con hãy tin ở tôi, có thể hỏi tôi bất cứ chuyện gì. Dù sao tôi vẫn có kinh nghiệm, nhất là tôi sẽ biết lắng nghe con. Không ngờ sau đó con tôi vui vẻ trở lại và không giấu mẹ điều gì”. Có lẽ T. đã thấy ở mẹ mình không chỉ là hình ảnh một người mẹ, mà còn là một người bạn.
Cũng với tâm trạng từng bị lục lọi thế giới riêng, T.M.T.r., 16 tuổi, học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh, Q.1, cho biết: “Ba mẹ cứ đứng sau lưng xem em làm gì với máy tính. Chưa hết, ba mẹ tra gạn em mật khẩu để vào email, yahoo messenger, blog... để xem em viết gì”. Sau khi đưa ba mẹ mật mã, Tr. không sử dụng máy ở nhà mà nhịn ăn quà để vào các dịch vụ với địa chỉ email và mật khẩu khác. Ba mẹ có gửi thư vào địa chỉ email cũng chẳng thấy hồi âm, “nhà” trong Facebook, My Space của M.Tr. “nhện giăng” đầy...
Để hiểu con
Chị Tuyết Nhung, 47 tuổi (P.Đa Kao, Q.1, TP.HCM), chia sẻ: “Tôi rất tôn trọng các con nên tôn trọng luôn những gì riêng tư của chúng. Thế nhưng một sáng chủ nhật, con gái lớn của tôi học lớp 12 đi chơi với bạn, quên khóa hộc bàn. Tôi vào phòng dọn dẹp và thấy quyển nhật ký của con. Tò mò tôi đọc và biết những trăn trở của con với kỳ vọng của ba mẹ, sự quyết đoán đến xa cách của ba mẹ... Tôi hiểu con hơn. Sau ngày đó, tôi ra tối hậu thư chỉ cần con đỗ tốt nghiệp và học bất cứ nghề nào con thích, không cần theo trường đại học ba mẹ định sẵn. Mỗi tối, tôi và ba nó thay nhau lên phòng hai con nói chuyện, hỏi han. Tự dưng gia đình vui hẳn”.
Anh Lê Minh Quang, 42 tuổi (P.11, Q.3) cũng bộc bạch: “Con tôi học lớp 10. Tôi muốn con vào đại học kinh tế để phát triển cơ ngơi gia đình nên có khi gây áp lực cho con. Nó trở nên lầm lì... Một hôm con bị sốt, tôi vào phòng con và thấy những tản văn, những bài thơ con làm đăng báo tường của trường, một số bài được đăng trên báo... Cháu thường mơ trở thành giáo viên văn. Mỗi lần nghe vậy tôi luôn mắng con là con trai mà cứ mơ mộng, văn chương. Nhưng sau khi đọc được các sáng tác của con, tôi hiểu và biết là cần động viên con làm những gì con thích”...
Có cần xen vào thế giới riêng tư của con để hiểu con hơn? Theo TS Lê Vinh Quốc - nguyên hiệu phó Trường đại học Sư phạm TP.HCM, thì “không cần thiết xâm phạm thế giới riêng tư của con để hiểu con. Làm cha mẹ có nhiều cách để hiểu con: bằng trực giác của đấng sinh thành, bằng sự chia sẻ chuyện trò, bằng quan sát những thay đổi bên ngoài cũng như cảm xúc của con. Nếu xâm phạm mà có cái kết tích cực thì không đáng nói. Ngược lại sẽ khiến con hụt hẫng, để lại trong lòng con sự tổn thương khó hàn gắn, nhất là mất đi sự tôn trọng của con”.
Tôn trọng con Có lẽ nhiều người lớn trong chúng ta từng là một đứa trẻ phụ thuộc nên có khuynh hướng muốn sở hữu những đứa con phụ thuộc tương tự như họ đã từng? Ngoài ra, với quan điểm "Trứng làm sao khôn hơn vịt", các bậc phụ huynh này dễ cho mình quyền kiểm soát con cái và không thừa nhận sự trưởng thành của con. Không ít bạn trẻ có khuynh hướng phản ứng mạnh mẽ theo chiều hướng tiêu cực khi phát hiện cha mẹ đọc lén nhật ký của mình. Vì vậy phụ huynh cần thận trọng và lường trước phản ứng của con khi quyết định hành vi này. Tập cho con thói quen chia sẻ và tập cho mình biết lắng nghe là giải pháp lâu dài để tránh xung đột giữa cha mẹ và con cái. Bởi thật ra, cha mẹ hoàn toàn thả lỏng con cũng không tốt, nhưng không có nghĩa phải can thiệp thô bạo vào sự riêng tư của con. Cần đặt mình vào vị trí của con trẻ để cảm nhận xem con đã bị tổn thương như thế nào. Nhiều phụ huynh luôn nói muốn làm bạn với con, nhưng quên rằng một trong những "điều luật bạn bè" là biết giữ bí mật. Có nhiều cách để khai thác thông tin của con: thường xuyên trò chuyện với con, cùng viết nhật ký với con từ bé, trao đổi nhật ký của nhau để đọc hoặc trao đổi vài bí mật của nhau, có thể cho con cùng đọc những email vui và nhất là dạy con biết tôn trọng sự riêng tư của người khác từ lúc con còn nhỏ (để khi lớn lên làm cha mẹ, con cái chúng ta sẽ không xung đột với con cái của chúng!). Ứng xử như thế nào trong chuyện này là tùy quan điểm của cha mẹ và tính cách cá biệt của con, tuy nhiên trên hết vẫn là nguyên tắc luôn cần phải được tuân thủ: sự tôn trọng - cho dù đó là con mình. |
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)