Tạp chí National Geographic khẳng định 7 tỉ cư dân địa cầu nếu đứng vai kề vai thì có thể xếp gọn trong chu vi thành phố Los Angeles, Mỹ. Tuy nhiên, nhân loại lại cần không gian rộng lớn hơn gấp nhiều lần để đảm bảo sự tồn tại. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, trên lý thuyết, con người cũng sẽ sản xuất đủ lương thực cho 9 tỉ người vào năm 2050.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay lại rất đáng lo ngại khi Tổ chức Lương nông LHQ liên tục báo động về giá lương thực thế giới đang tăng chóng mặt do ảnh hưởng của thiên tai, hạn hán và nạn đầu cơ. Ngoài ra, không một loại máy móc tối tân nào có thể “sản xuất hàng loạt” các loại năng lượng không tái sinh hay những khoáng chất quý hiếm. Để 7 tỉ, rồi 9 tỉ người có thể tồn tại và phát triển bền vững, các nhà khoa học, chính trị gia đang đau đầu trong việc hoạch định chiến lược cho tương lai.
Giảm dân số
Tờ Le Parisien dẫn lời Giám đốc nghiên cứu Viện Nhân khẩu học quốc gia Pháp (INED) Gilles Pison cho biết cứ mỗi giây, trên thế giới có 4 em bé được sinh ra và 2 người qua đời và dân số toàn cầu tăng lên 200.000 người mỗi ngày. Nếu giữ tỷ lệ tăng trưởng dân số 1,2% hiện tại, Trái đất sẽ có 100 tỉ người năm 2200 và 1.000 tỉ người năm 2450. May mắn là trên thực tế, điều này không thể diễn ra vì tỷ lệ tăng dân số có khuynh hướng giảm dần từ nhiều năm. Năm 1960, tỷ lệ này là 2%, đến nay đã giảm gần một nửa. LHQ dự đoán khi lên đến 9 tỉ người vào năm 2050, dân số thế giới sẽ đạt mức ổn định.
Trái đất có thể nuôi 30 tỉ người nếu tất cả đều sống như người Bangladesh hiện nay nhưng chỉ “chịu đựng” được 700 triệu người nếu họ tiêu xài như người phương Tây | ||
Nhà sinh thái học Michel Tarrier |
||
Trong khi đó, tỷ lệ sinh lại giảm mạnh ở nhiều nước, do chính sách hoặc những thay đổi về văn hóa, xã hội. Điều này giúp ngăn chặn những tác hại về bùng nổ dân số nhưng lại khiến các quốc gia này đối mặt với tình trạng dân số già đi nhanh chóng. Tờ Le Monde dẫn lời các nhà nhân khẩu học cho rằng Trung Quốc đang tiến đến xã hội “4-2-1”. Thế hệ con một cùng lúc sẽ phụng dưỡng cha mẹ và ông bà nội ngoại. Còn các nước châu u có tỷ lệ sinh quá thấp phải dựa vào dân nhập cư để đảm bảo tình trạng cân bằng. Như vậy, giữa các quốc gia phải có sự phối hợp chặt chẽ trong các chính sách khống chế tỷ lệ gia tăng dân số một cách đồng đều để nhân loại “dừng bước” kịp thời ở cột mốc 9 tỉ người vào năm 2050 mà vẫn có thể phát triển bền vững.
“Sống xanh” để tồn tại
Nếu vào tháng 9.2011, Trái đất đón chào công dân thứ 7 tỉ như dự đoán của LHQ thì chỉ trong vòng 2 thế kỷ qua, dân số thế giới đã tăng lên 5 tỉ người. Sự bùng nổ nhanh chóng của nhân loại đang thật sự là một mối đe dọa cho môi trường thiên nhiên. Mỗi ngày, hoạt động của con người tạo ra 2.700 tỉ lít nước thải và khiến 960.000 ha rừng “tan thành khói bụi”, theo tờ Le Parisien. Cùng lúc đó, cứ 20 phút lại có một loài động vật hoặc thực vật bị tuyệt chủng.
Chính các nước công nghiệp phát triển là thủ phạm hàng đầu trong việc hủy hoại môi trường. Các nước nghèo thì đang đối mặt với tình trạng “muốn không sống xanh cũng không được” vì không có điều kiện và vẫn có thể theo chân các nước công nghiệp tàn phá môi trường một khi đã phát triển hơn. Trang tin Notre-planete.info dẫn lời nhà sinh thái học hàng đầu Michel Tarrier ước đoán: “Trái đất có thể nuôi 30 tỉ người nếu tất cả đều sống như người Bangladesh hiện nay nhưng chỉ “chịu đựng” được 700 triệu người nếu họ tiêu xài như người phương Tây”. Cũng theo ông Tarrier, một em bé sinh ra tại Bắc Mỹ hay châu u khi trưởng thành có khả năng gây ô nhiễm gấp 15-20 lần so với em bé Nigeria hay Iran.
Theo Quỹ Dân số LHQ, sự gia tăng dân số trên thế giới gây nên 40-60% lượng khí thải nhà kính ngay từ đầu thế kỷ 19. Khi ấy, cư dân địa cầu chỉ mới khoảng 1 tỉ người. Nếu không kiểm soát sự bùng nổ dân số, biến đổi khí hậu và tình trạng thiên nhiên bị tàn phá sẽ làm con người khốn đốn với nguy cơ mực nước biển dâng lên, thiên tai hoành hành và ảnh hưởng an ninh lương thực. Để Trái đất có thể “chịu” được 7 tỉ người, ngoài việc giảm dân số, con người cần phải tập “sống xanh” và thân thiện với môi trường hơn.
Nguyễn Ngọc Lan Chi
Bình luận (0)