Trở về sau chuyến đi Hạ Môn (Trung Quốc) tham dự lễ hội trầm hương, anh Lê Ngọc Đức, một người say mê trầm hương như điếu đổ và cũng là dân sưu tầm trầm hương mới nổi, gọi tôi bay ra Quảng Nam để cùng đi mua trầm. Anh Đức thì thích gọi săn trầm hơn mua trầm. Lái chiếc ô tô hạng sang, chàng trai người Quảng Nam này rước tôi đi về vùng trầm hương bên kia đèo Hải Vân.
TỪ THÀNH PHỐ HUẾ ĐẾN BIÊN GIỚI VIỆT - LÀO
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là làng trầm hương ở cố đô Huế, cách trung tâm thành phố này chừng 7 km. Anh Đức cho hay, Huế là nơi sản sinh ra loại trầm bông xì nổi tiếng. Hôm nay, chủ trầm hương cung cấp các mặt hàng quen thuộc tại Huế là một người tên Sơn. Tại đây, đập vào mắt tôi là một căn phòng nhỏ bày la liệt các loại trầm hương. Ngoài sân, những người thợ đang tỉ mẩn xoi dó lấy trầm.
Ông Sơn đưa ra giới thiệu "hàng độc". Đó là một khúc trầm hương tự nhiên khá chất lượng, nhưng ra giá hơi cao nên sau khi anh Đức săm soi, ngửi mùi, đốt để kiểm tra hàng, mà không chốt được giá phù hợp nên quyết định không mua. "Hàng này kết dầu khá đẹp và mùi cũng "ngon" nhưng khó làm được việc. Được việc ở đây là có thể tiện được những hạt để làm vòng đeo", anh Đức nói.
Tôi và anh Đức lại lên đường dạo các cơ sở bán trầm hương ở Huế. Mãi tới chiều, chúng tôi đến một cơ sở có trầm loại kiến rừng Việt. Chỉ vào những miếng trầm, anh Đức cho biết, loại này dùng để xông đốt hoặc ngâm rượu rất giá trị. "Đặc trưng của dòng trầm Việt là mùi thơm chín, ngọt, hậu vị êm và sâu", anh Đức chia sẻ. Sau khi thương lượng, anh chốt mua lô hàng.
Rời Huế, chúng tôi tiến về H.Hương Khê, Hà Tĩnh. "Đây là nơi người ta trồng dó bầu như trồng keo", tay kinh doanh trầm này cho biết. Lần nào đến đây anh Đức cũng ghé nhà một phụ nữ mà anh quen gọi là cô Ba. Bà kinh doanh hàng trầm xông đốt, xuất khẩu sang Dubai (Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất - UAE), mỗi năm thu về hàng tỉ đồng.
Chia tay cô Ba, anh Đức chở tôi đi đến vườn dó có tuổi đời 40 năm, giáp biên giới Lào. Trầm hương được khai thác từ dó bầu tại vườn này chất thành đống như… củi khô. Cầm một mẫu trầm hương mà tay mơ như tôi cũng có thể coi là khúc củi, anh Đức nói: "Đây là hàng tốc kiến. Nhìn rứa chứ hơn 20 củ (tức 20 triệu đồng - PV) đó". Lựa trong đống trầm, anh Đức chọn mua 10 ký. Chủ ra giá lô trầm 100 triệu đồng, tay kinh doanh trầm Quảng Nam trả 60 triệu đồng. Chủ trầm ngần ngừ một hồi rồi "chua" một câu: "Giá ni là bán hữu nghị đó. Bữa ni còn bữa khác nữa".
MANG CẢ MÁY ĐẾM TIỀN ĐI MUA TRẦM
Trở về lại Quảng Nam, hai ngày sau tôi theo chân anh Lê Ngọc Đức lên các huyện miền núi ở tỉnh này săn trầm. Lên xe, tôi rất ngạc nhiên khi ngoài túi đựng một cọc tiền lớn, anh Đức còn mang theo cả máy đếm tiền. Anh Đức giải thích, hôm nay lên H.Nam Giang (Quảng Nam) mua luôn lô trầm mà hôm trước anh đã test hàng rồi. Sẵn tiền mặt nên anh mang máy đếm tiền đi đếm cho nhanh, vì số tiền lên đến 1,2 tỉ đồng cho hơn 15 ký trầm loại banh đỏ.
"Em thích nước dầu và mùi thơm của loại trầm này nên xuống tiền ngay", anh Đức chia sẻ. Lên đến nơi, cả chủ và khách đều là chỗ làm ăn uy tín nên giao dịch mua bán diễn ra nhanh gọn. Có lẽ có mối làm ăn tốt nên trước khi về, anh Đức còn dặn ông chủ tên Quốc: "Sau này có hàng ngon, anh cứ a lô cho em".
Rời H.Nam Giang, anh Đức lái xe hơn 3 tiếng qua những cung đường đồi núi quanh co để về H.Tiên Phước, đây được coi là "thủ phủ" trầm hương của Quảng Nam. Đến "xứ tiên sa", anh ghé viếng thăm và thắp nhang cụ Huỳnh Thúc Kháng tại khu lưu niệm ông ở xã Tiên Cảnh. "Em thắp nhang để tưởng nhớ và cầu nguyện cho chuyến đi thuận lợi", anh Đức bày tỏ.
Sau đó, chúng tôi tìm đến một đầu nậu trầm hương có biệt danh là Bali (41 tuổi) ở thôn 2, xã Tiên An. Bali đem hàng hiếm của mình ra giới thiệu. Đó là một cây trầm tốc bông cao hơn 1,3 m. Đặc trưng của dòng tốc bông là xịt nước lên sẽ tỏa mùi thơm. "Loại này đã "thơm sống" rồi. Xịt nước lên càng cảm nhận rõ mùi thơm", chủ trầm nói. Tôi hỏi cây này bán tầm bao nhiêu, Bali cho hay, tùy cân nặng, chiều cao, hình dạng và dầu nữa. "Cây ni sưu tầm 3 năm rồi. Mình làm ra bán giá xưởng thì giá mềm. Anh em khác bán cây ni tầm bốn đến năm trăm triệu đồng. Tôi bán giá xưởng chỉ 250 triệu đồng".
Bali còn tiết lộ trong xưởng còn có cây bông xì nữa. "Trúng trầm đã khó, trúng cây bông xì khó nữa, phải mấy năm mới có cây này. Nhất kỳ nhì bông mà", chủ trầm quảng bá. Anh Đức chỉ vào cây trầm bông xì cho tôi biết thêm đặc trưng của loại này ăn mụt rất nhỏ. Khi đem cây dó về phải xoi rất cẩn thận để có cây bông xì thành phẩm. "Làm không cẩn thận là gãy mấy mụt nhỏ có trầm. Thợ phải tay nghề trên chục năm mới dám giao xoi bông xì", anh Đức nói.
Thấy dáng, thế của cây trầm bông xì này khá lạ, tôi hỏi thêm Bali có phải giá cây bông xì này còn định giá bởi giá trị phong thủy. Như "rà trúng đài", Bali thao thao nói: "Đúng rồi. Dân gian gọi gỗ trầm hương là gỗ thần. Sở hữu cây bông như ri cực kỳ khó. Anh mệnh gì chơi trầm cũng tốt cả. Ban đầu thấy nó hỗ trợ năng lượng tích cực, còn may mắn mình chưa biết".
Tại H.Tiên Phước, anh Đức và tôi còn tìm gặp một người bán trầm tên N. Người này đem một lô trầm hương ra cho chúng tôi xem và khẳng định đó là trầm hương khai thác từ dó trồng, đúng xuất xứ Tiên Cảnh. Tuy nhiên, khi xem lô hàng thì anh Đức không mua và cho tôi biết lý do rằng "hàng này còn tươi quá, mua về hao hụt lỗ chết"...
(còn tiếp)
Sang nước ngoài săn trầm hương
"Săn" trầm hương là công việc và cũng là thú vui của nhiều người kinh doanh hoặc dân chơi trầm hương. Không chỉ đi "săn" trầm hương trong nước mà có nhiều người còn sang Lào, Campuchia, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc để tìm mua những sản phẩm phục vụ kinh doanh hoặc sưu tập để thỏa mãn thú chơi của mình. Theo giới am hiểu trầm hương, mỗi nước có những sản phẩm trầm hương cho vân dầu, hương thơm có sức quyến rũ riêng.
Bình luận (0)