Bác sĩ trẻ 8X với bàn tay ‘ảo thuật’ giúp người muốn chết sống vui

Bị tạt axit oan nghiệt, từng mảng thịt trên cơ thể chảy xệ, đau đớn vì các vết thương, chị Loan từng bi quan đến mức muốn từ bỏ cuộc đời. Thế nhưng, người bác sĩ trẻ đã vực dậy niềm tin trong chị bởi đôi bàn tay ảo diệu.

Đó là bác sĩ (BS) Phan Minh Hoàng (35 tuổi), trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện quận 2. BS Hoàng là người đã thực hiện ca phẫu thuật tạo hình cho chị Loan trong suốt 14 giờ liền sau khi các vết thương do axit cứ liên tục giày vò cơ thể người phụ nữ trụ cột của gia đình.
Đôi bàn tay ‘ảo thuật’
Một buổi trưa Sài Gòn nắng đổ lửa, chị Loan được chồng chở từ quận Tân Bình tới Bệnh viện quận 2 để tái khám. Vợ chồng chị từng là nhân vật trong loạt bài viết Người vợ vá xe bị tạt axit ở Sài Gòn trên Thanh Niên tháng 9.2016.
Theo đó, tháng 9.2013, đang lúi húi vá xe cho khách trên vỉa hè đường Trường Chinh (quận Tân Bình), bỗng dưng chị Loan bị một người lạ mặt tạt axit vào người rồi bỏ chạy. Lúc đó, từng miếng thịt trên cơ thể chảy xệ, đau đớn quằn quại, chị được chồng đưa vào bệnh viện gần đó để sơ cứu. Sau đó vết thương quá nặng nên chị được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy.
BS Hoàng chích thuốc trị sẹo lồi sau phẫu thuật cho chị Loan
Sau nhiều tháng điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, chị trở về nhà rồi sống trong tận cùng của nỗi đau thể xác và tinh thần. Các vết sẹo do axit kéo tụt miệng nên chị nói không rõ, tay cũng chẳng thể giơ lên được do bị cháy vào tận xương. Nhiều lần chị định tự tử để khỏi phải nhìn thấy mình trong gương nhưng vì thương chồng con nên lại không đành.
Các vết thương do axit lâu lâu lại đau nhức giày vò cơ thể chị Loan
Năm 2016, được sự ủng hộ của các mạnh thường quân và BS Phan Minh Hoàng, chị Loan tiếp tục thực hiện ca phẫu thuật tại Bệnh viện quận 2 để tạo hình lại các vết sẹo. Sau ca phẫu thuật kéo dài 14 tiếng do BS Hoàng đứng mổ chính, đến khi tháo băng, chị Loan đã có thể đi nói chuyện bình thường và giơ được cánh tay lên cao.
Sau khi lấy phần thịt đùi đắp lên cổ, chị Loan mới có thể trò chuyện bình thường
Một trường hợp khác được bàn tay “ảo thuật” của BS Hoàng phẫu thuật tạo hình là anh Phùng Thanh Liêm (ngụ tỉnh Đắk Nông) bị bỏng xăng co rút tứ chi.
BS Hoàng kể, trong một lần BS đi khám bệnh từ thiện tại tỉnh Đắk Nông, vợ của anh Liêm chạy xe máy đến nhờ BS đến nhà khám cho chồng vì anh không đi được. Đến nơi, BS Hoàng thấy anh Liêm chỉ nằm một chỗ, tay chân đều co rút và không thể di chuyển hay làm gì được.
Anh Liêm trước khi thực hiện phẫu thuật Ảnh: BVCC
Sau đó, anh Liêm được chuyển lên Bệnh viện quận 2 để điều trị. Với sự hỗ trợ của một số bác sĩ chuyên khoa bỏng Bệnh viện Chợ Rẫy, anh Liêm đã được phẫu thuật kéo giãn cơ, dây thần kinh. “Quá trình điều trị đau đớn, có lần anh Liêm nhất quyết đòi về nhà vì không chịu nổi nữa nhưng sau đó lại chấp hành đúng y lời dặn của bác sĩ, có lẽ vậy mà anh phục hồi nhanh và đạt kết quả bất ngờ”, BS Hoàng nhớ lại.
BS Hoàng kể thêm, trong quá trình điều trị, anh Liêm từng tâm sự có nhiều lần nhìn mình như là gánh nặng của vợ nên muốn chết, nhưng tay chân thế này, không đứng được, không cầm nắm gì được nên cũng không thể chết được.
Sau ca phẫu thuật và đợt điều trị, anh Liêm đã có thể đi lại bình thường Ảnh: BVCC
“Sau hơn 1 năm điều trị, giờ đây anh Liêm đã có thể đi xe máy, lên xuống cầu thang, thậm chí leo hái tiêu nữa. Nhìn những hình ảnh này mà tôi cũng rưng rưng, sự thành công của ca phẫu thuật chỉ khoảng 50%, phần còn lại phụ thuộc vào nghị lực của người bệnh nữa”, BS Hoàng tâm sự.
Người bác sĩ đam mê thiện nguyện
BS Hoàng trưởng thành từ công tác Đoàn của trường Đại học Y dược TP.HCM cùng những chuyến đi khám bệnh từ thiện. Cả quãng thời gian đi du học, mỗi lần về thăm nhà tại Việt Nam là BS Hoàng lại canh đúng đợt đoàn trường tổ chức khám bệnh từ thiện để tham gia. “Có mấy lần đáp máy bay là chạy vèo về nhà quăng va-li rồi lấy balo đi liền, ở nhà ai cũng hiểu nên luôn ủng hộ”, BS Hoàng chia sẻ.

Với tôi tất cả ca phẫu thuật đều là ca khó, mình phải xác định là khó thì mới làm toàn tâm, toàn vẹn được. Hiện nay, trên thị trường đang có một số vấn đề như bảo hành trọn đời sau phẫu thuật, đối với tôi chỉ có hư mới bảo hành chứ thành công thì làm sao có bảo hành?

Bác sĩ Phan Minh Hoàng

Từ những chuyến đi này, có những câu chuyện khiến BS Hoàng luôn trăn trở và cũng là động lực để anh đi nhiều hơn nữa để có thể khám bệnh cho nhiều người. Có lần, tại một huyện nghèo của tỉnh Bến Tre, hai cụ ông trạc tuổi nhau đến khám, một cụ bị khớp và cao huyết áp còn một cụ bình thường, do đó BS Hoàng đưa cho hai cụ ông hai bịch thuốc khác nhau.
“Ra đến cổng, cả hai cụ ông quay lại, phàn nàn: Sao tụi tui bằng tuổi nhau mà thuốc người bịch to, người bịch nhỏ. Nghe vậy tôi vừa thấy thương vừa thấy buồn vì một cụ bình thường BS chỉ đưa thuốc bổ, còn cụ đau khớp, cao huyết áp sẽ có thêm thuốc điều trị. Vậy mới thấy còn nhiều vùng người dân khó khăn lắm, không có điều kiện để trị bệnh, và cũng không biết rằng khi nào cần uống thuốc”, BS Hoàng trăn trở.
Một lần khác, trong chuyến khám bệnh từ thiện tại Vĩnh Long, BS Hoàng thấy một cô bị gãy chân nhưng tự nẹp chứ nhất quyết không đi viện, BS Hoàng và mọi người tới nói thế nào cô cũng không chịu đi mà bảo rằng ở nhà để…coi nhà. Thấy vậy, BS Hoàng kêu xe cấp cứu xuống tận nhà rồi nhờ các điều dưỡng “bắt” cô lên xe để chở về phẫu thuật và bó bột.
Lúc này, cô mới nói là cô không có tiền để mổ, người nhà cũng không có tiền để ở lại chăm hay đóng viện phí. BS Hoàng liền gọi cho một BS khác nhờ hỗ trợ mổ miễn phí, đồng thời xin thêm ở căng tin 2 suất cơm mỗi bữa để cô và người nhà có thể yên tâm điều trị.
"Với tôi tất cả ca phẫu thuật đều là ca khó"
Hiện BS Hoàng đang là Bí thư Đoàn Bệnh viện quận 2, do đó BS Hoàng cũng thường xuyên tổ chức các chuyến khám chữa bệnh miễn phí, trong đó có mổ hàm ếch, sứt môi cho trẻ em tại địa phương và những nơi khác. Kế hoạch BS Hoàng đang tâm đắc và dự định triển khai là kêu gọi cán bộ, bác sĩ của bệnh viện không gọi những người đến khám chữa bệnh là “bệnh nhân”, thay vào đó là “cô, dì, chú, bác, anh, chị” để tạo sự thoải mái cho người bệnh.
BS Hoàng tâm sự, điều may mắn nhất với mình để có thể hoàn thành tốt công việc đó là một hậu phương vững chắc. “Có những lần tôi đứng mổ suốt nhiều giờ liền, về đến nhà nhìn thấy vợ hiền, con thơ là thấy mọi thứ lại bình yên. Không chỉ làm bác sĩ, mà làm nghề gì cũng cần có một hậu phương vững chắc”.
Kết thúc cuộc trò chuyện, chúng tôi hỏi BS Hoàng: “Với bác sĩ, ca phẫu thuật nào là khó nhất?”, BS Hoàng không suy nghĩ mà trả lời ngay: “Với tôi tất cả ca phẫu thuật đều là ca khó, mình phải xác định là khó thì mới làm toàn tâm, toàn vẹn được. Hiện nay, trên thị trường đang có một số vấn đề như bảo hành trọn đời sau phẫu thuật, đối với tôi chỉ có hư mới bảo hành chứ thành công thì làm sao có bảo hành?”

tin liên quan

'Tủ sữa mẹ miễn phí' người người ủng hộ, bác sĩ có đồng tình?
Với mong ước chia sẻ nguồn sữa mẹ ngọt ngào tới những em bé thiếu sữa, chị Lê Huyền Trang đã mở tủ sữa mẹ miễn phí tại cửa hàng mình. Ý tưởng của chị nhanh chóng nhận được sự ủng hộ từ những người mẹ. Thế nhưng, các bác sĩ thì có nghĩ vậy không?
Mới đây, BS Phan Minh Hoàng được trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tuyên dương là thầy thuốc trẻ Việt Nam tiêu biểu toàn quốc, đồng thời được Thành đoàn TP.HCM trao tặng giải thưởng Phạm Ngọc Thạch năm 2017.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.