Cẩn trọng với món 'snack khói' mới rộ ở Sài Gòn

12/05/2016 08:19 GMT+7

Gần đây, trên nhiều diễn đàn, fanpage Facebook chuyên về ẩm thực lan truyền thông tin về món ăn vặt 'snack khói' mới lạ, thu hút sự chú ý của giới trẻ Sài Gòn nhưng ít ai quan tâm đến phản ứng phụ của nó.

Theo chia sẻ của một chủ tiệm bán snack khói trên đường Cách Mạng Tháng 8 (quận 10, TP.HCM), món ăn vặt này tuy mới với giới trẻ Việt Nam nhưng đã xuất hiện rất lâu ở Thái Lan, Hàn Quốc, Indonesia... Rất nhiều clip chia sẻ về snack khói ở các quốc gia châu Á này đăng tải trên internet nên nhiều chủ tiệm ở Việt Nam học hỏi và làm theo.

Tôi khuyên các bạn đừng ăn những món đó vì bên nước ngoài họ cũng khuyến cáo không nên ăn những món từ nitơ lỏng.

Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Thành Quân

Để tạo ra snack khói, người ta có thể dùng bánh quy xốp, snack thông thường trộn cùng với những hương liệu nhiều màu, nhiều vị như việt quất, sôcôla, dâu tây... Và nguyên liệu đặc biệt không thể thiếu được để tạo những luồng khói mờ mịt và làm cho miếng snack trở nên lạnh tê đầu lưỡi là nitơ lỏng.
Snack khói thường được bán với giá từ 20.000 - 30.000 đồng/hộp nhỏ. Với tiết trời Sài Gòn nắng nóng thì cắn một miếng snack mát lạnh, khói tỏa nghi ngút qua miệng và đường mũi khiến nhiều bạn trẻ cảm thấy thú vị.
Tại chung cư Ấn Quang (quận 10, TP.HCM) có một quán cóc bán snack khói rất đắt hàng. Chủ quán cho biết, phải tầm 6 giờ chiều mới bắt đầu bán snack khói và khoảng 8 giờ 30 phút tối là đã "cháy hàng".
Uyên Minh (nhà ở quận 5, TP.HCM) chia sẻ: "Em biết tới snack khói là từ nhìn ảnh của bạn chụp trên Facebook. Thấy nó ăn món gì mà kỳ, vừa nhai khói vừa bốc ra phà phà nhìn rất phê. Em thấy món ăn cũng ngon lạ nhưng phải ăn nhanh không sẽ hết khói và hết lạnh".
Nitơ lỏng làm miếng snack nhanh chóng đông cứng - Ảnh: Linh San
Khi được hỏi có lo ngại nguy cơ từ nitơ lỏng tạo ra khói và lạnh cho món snack này, Uyên Minh tỏ ra rất tin tưởng người bán hàng: "Em cũng vài lần vào đọc trên fanpage của quán này thấy chủ quán giải thích là snack khói là món được giới trẻ Hàn Quốc rất ưa chuộng chứ không phải do người Việt sáng tạo ra. Ở bên đó người ta cũng dùng nitơ lỏng để tạo khói. Nitơ lỏng có thể ăn được chứ không gây độc hại gì nên em cũng không để ý lắm. Mà thực ra mình thỉnh thoảng mới ăn chứ không có ăn thường xuyên nên không cần lo chi nhiều".
Không chỉ Uyên Minh mà nhiều thực khách trẻ khi thưởng thức snack khói cũng không mấy quan tâm đến nitơ lỏng. Điều khiến họ bị "hớp hồn" nhất vẫn là làn khói mờ ảo và miếng snack lạnh tê tê đầu lưỡi.
Hai cậu bạn Nhật Lâm và Trung Kiên (sinh viên trường Đại học Công nghệ TP.HCM) nói: "Nếu bây giờ mà lo thì chắc chẳng ăn được món gì. Không chỉ đồ ăn ngoài tiệm bẩn mà ngay thực phẩm nấu trong gia đình mình có đảm bảo an toàn được đâu. Còn mấy món ăn vặt thì mình biết nó chẳng sạch sẽ gì, nhưng nó trong giới hạn không ngộ độc chết người, và mình không ăn thường xuyên thì cũng không đáng lo...".
"Đừng vì thấy đẹp mà ăn cho vui".
Trao đổi với chúng tôi, Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Thành Quân (khoa Kỹ thuật hóa học, Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM) cho biết về bản chất thì nitơ lỏng không gây tác hại đến sức khỏe con người. Tuy nhiên, phải chú ý đến loại nitơ lỏng mà các tiệm mua từ nguồn gốc nào. Ở Việt Nam thường nhập nitơ lỏng từ nước ngoài để phục vụ sản xuất công nghiệp và nghiên cứu khoa học.

Khi được hỏi nguyên liệu gì khiến snack bốc khói lạnh, chủ một tiệm bán snack khói ở chung cư Khánh Hội (quận 4) chỉ giải thích đơn giản: "Là do khói đó" - Ảnh: Linh San
"Tôi nghĩ rằng bán quán ăn mà bỏ nitơ lỏng thì chắc nitơ lỏng công nghiệp. Bởi nitơ lỏng chất lượng cao dùng để phân tích, lưu trữ mẫu trong hoạt động khoa học thì cực kỳ đắt tiền...", tiến sĩ Phạm Thành Quân nói.
Cũng theo ông Quân, mặc dù chưa có quy định cấm dùng nitơ lỏng trong chế biến thực phẩm nhưng các bạn trẻ cũng đừng vì thấy đẹp mà ăn cho vui: "Tôi khuyên các bạn đừng ăn những món đó vì bên nước ngoài họ cũng khuyến cáo không nên ăn những món từ nitơ lỏng. Bạn có thể thấy trang trí sân khấu, để tạo sương khói, người ta dùng nitơ lỏng, khí CO2 lỏng đó. Chứ ăn uống thì ăn sao được. Thấy đẹp mà ăn vào mắc bệnh thì có phải tiền mất tật mang không".
Tờ Telegraph dẫn lời Giáo sư Peter Barham, khoa Vật lý Trường đại học Bristol (Anh), nhiệt độ của nitơ lỏng là khoảng -196oC và nếu sử dụng không đúng nó có thể gây ra bỏng lạnh.
Nitơ lỏng có thể được sử dụng trong việc chế biến thực phẩm. Tuy nhiên, vì chất này không an toàn khi ăn nên phải hết sức cẩn thận để đảm bảo là nitơ lỏng đã bay hơi hết trước khi phục vụ bất kỳ món ăn hoặc đồ uống nào được chế biến với chất này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.