Máy thu gom quần áo tự động
Sau một lần đi học về, trời mưa ướt hết áo quần, Chiến liền sáng chế ra máy tự thu gom đồ. Rồi tận dụng mảnh đất trống trong dãy trọ để trồng rau sạch nhưng không có thời gian chăm sóc, thế là Chiến lại nghĩ ngay đến hệ thống tưới nước tự động.
Máy thu gom quần áo tự động là sản phẩm mà Chiến đăng ký cho đồ án của sinh viên năm 2, và trở thành đồ án xuất sắc được giữ lại trường.
“Thực ra mình từng ấp ủ dự định này từ khi còn nhỏ. Lúc đó, thấy mẹ phơi lúa mà cứ lo sợ trời mưa, nên mình muốn chế ra sản phẩm có thể điều khiển được bạt phơi khi trời mưa. Nhưng đến khi bắt tay thực hiện, mình lại chuyển hướng sang dàn phơi quần áo, vì thấy sản phẩm này ứng dụng được ở cả thành phố lẫn vùng quê”, Chiến chia sẻ.
Với ý tưởng này, Chiến đã chế ra một dàn phơi đồ mà khi trời mưa sẽ tự động thu quần áo vào, khi hết mưa lại tự động phơi ra. Đặc biệt hơn, cậu còn tích hợp thêm tính năng sấy khô trong trường hợp áo quần khi thu vào còn ướt.
“Bộ phận cảm biến với 2 miếng kim loại. Khi nước mưa nhỏ vào 2 miếng kim loại thì ở giữa 2 miếng này sẽ có sự chuyển dịch electron qua IC 555. IC khuếch đại tín hiệu từ 2 miếng kim loại và xuất ra tín hiệu để điều khiển động cơ. Khi trời nắng lên làm khô 2 miếng kim loại sẽ không còn dẫn điện nữa và lúc này mình sử dụng thuật toán mặc định nên dàn phơi sẽ kéo đồ ra”, Chiến phân tích.
Còn với hệ thống tưới nước tự động, Chiến cùng nhóm bạn nghiên cứu và cuối cùng cũng sáng chế thành công. Hệ thống này bao gồm cảm biến độ ẩm và bộ xử lý Arduino. “Khi độ ẩm của đất thấp hơn mức cài đặt thì bộ cảm biến sẽ tự động phát ra tín hiệu, lúc này bộ xử lý sẽ tính toán và đưa ra số liệu để điều khiển động cơ máy bơm. Máy bơm sẽ bơm đến khi nhận được tín hiệu đã đủ nước từ bộ cảm biến thì sẽ tắt”, Chiến chia sẻ về nguyên lý hoạt động của máy.
Kính dẫn đường cho người mù
Và gần đây nhất là sản phẩm kính dẫn đường cho người mù mà Chiến đã mất gần một năm để nghiên cứu và chế tạo.
“Nhiều lần nhìn thấy những người khiếm thị bán vé số ngoài đường mà đi lại vô cùng vất vả nên mình quyết tâm làm một cái gì đó để giúp đỡ họ”, Chiến tâm sự.
Lúc đầu, anh chàng họ “đụng” này đã nghiên cứu và thử nghiệm sóng hồng ngoại để làm bộ cảm biến nhưng nhược điểm của loại sóng này là không nhận diện được các vật màu tối. Thế là Chiến chuyển sang thử nghiệm sóng radar nhưng sóng này nếu mang kính trên mặt sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Cuối cùng, Chiến chọn sóng siêu âm, sóng này có thể khắc phục tốt các nhược điểm của 2 loại sóng kia nhưng lại dễ bị nhiễu sóng. Quyết không bỏ cuộc, anh chàng nghiên cứu và tìm ra thuật toán để có thể khắc phục sự cố nhiễu sóng. Theo đó, chiếc kính gồm một bộ cảm biến sóng siêu âm, bộ vi xử lý và pin năng lượng mặt trời.
“Cảm biến siêu âm (giống như con dơi) khi di chuyển cảm biến sẽ liên tục phát ra sóng siêu âm nếu gặp vật cản sẽ phản hồi sóng về. Có 2 con sóng siêu âm, một con phát và nhận sóng ngang người (tức nhận diện vật cản trước mặt), một con chúi xuống nhằm nhận diện vật cản dưới chân. Bộ vi xử lý sẽ tính toán khoảng cách vật cản và thông báo qua loa. Khoảng cách càng gần thì tiếng kêu càng lớn”, Chiến phân tích.
Sản phẩm này sử dụng pin năng lượng mặt trời vừa tiện lợi vừa tiết kiệm, bên cạnh đó cũng có chế độ pin dự phòng để dùng khi trời mưa. Tất cả các bộ chuyển đổi năng lượng mặt trời thành năng lượng điện đều do Chiến tự mày mò chế tạo.
Không những thế, mắt kính còn được tích hợp tính năng gọi điện thoại và định vị GPS. “Trong trường hợp người khiếm thị đi ngoài đường mà gặp phải sự cố hay bị lạc đường và muốn liên hệ với người thân thì chỉ cần nhấn nút là mắt kính tự động thiết lập cuộc gọi. Bên cạnh đó, người thân không còn phải lo lắng vì chỉ cần bật chế độ định vị là sẽ biết được người dùng đang ở địa điểm nào”, Chiến vui mừng chia sẻ thành công của sản phẩm.
Sản phẩm mắt kính này cũng đã xuất sắc được lọt vào vòng chung kết của cuộc thi khởi nghiệp Startup Wheel 2016 do Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp và Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM tổ chức.
Sản phẩm mang tính ứng dụng cao
Thạc sĩ Võ Phi Sơn, giảng viên Khoa Điện tử viễn thông (thuộc Học viện Hàng không VN), nhận xét: “Chiến là một trong những sinh viên có nhiều thành tích về sáng tạo với những sản phẩm mang tính ứng dụng cao. Mặc dù sử dụng những công nghệ đơn giản nhưng mang lại hiệu quả cao và không phải ai cũng có thể sáng tạo được. Hơn nữa, Chiến luôn trăn trở sáng tạo những phương pháp tốt nhất để tạo ra một sản phẩm có nhiều tính năng nhưng giá thành lại rẻ nhất có thể”.
|
Bình luận (0)