Cuộc sống vắng bóng mẹ của cô học trò nghèo nhường lại quà Phó thủ tướng

13/09/2016 10:25 GMT+7

'Con chỉ biết mặt mẹ qua một tấm hình mẹ để lại. Ngày tốt nghiệp cấp 3, con mong muốn được gặp lại mẹ. Lúc đó con đã đủ lớn rồi...', Tuyền buồn thiu khi nói về mẹ.

Sau khi nhường lại chiếc xe đạp, món quà của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trao tặng, nữ sinh Long An, Trần Thị Thanh Tuyền (sinh năm 2001) được nhiều người nhắc đến.

Thanh Tuyền là con gái đầu trong gia đình có 2 chị em ở xã Phước Lại, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Khi Tuyền lên 6 tuổi, em gái 4 tuổi, cha mẹ ly hôn. Bao năm qua, em lớn lên nhờ đồng lương ít ỏi từ nghề phụ hồ của cha, tình yêu thương đong đầy của bà nội và tấm lòng hảo tâm của bà con hàng xóm.

Trong nhiều tâm tư của tuổi mới lớn, suy nghĩ về mẹ có lẽ là trăn trở lớn nhất trong lòng Tuyền lúc này. Đêm nằm cạnh bà và em gái, Tuyền thèm lắm chút hơi ấm vòng tay mẹ. Đó cũng chính là lúc cô bé tự hỏi: “Không biết giờ này mẹ đang ở đâu? Làm gì?”, rồi lòng lại em lại trĩu nặng với suy nghĩ: “Chắc mẹ đã quên mình rồi!”.

10 năm chưa một lần gặp mẹ

Gặp Thanh Tuyền tại trường THCS - THPT Nguyễn Thị Một (Long An) rồi cùng em về nhà sau giờ tan học, con đường quanh co dẫn vào thôn vắng chỉ có vài ngôi nhà được xây kiên cố, nằm giữa những thửa ruộng vừa gặt xong. Trước nhà Tuyền là một hào nước, đây là nơi bà Trần Thị Phong Lập (nội Tuyền, 77 tuổi) lội xuống cắt rau muống, rau đay đem ra chợ bán mỗi ngày.

Vừa đi học về, cô gái nhỏ đã lúi húi vào bếp nấu cơm. Gian bếp lụp xụp có phần bừa bộn vì thiếu vắng bàn tay săn sóc của người phụ nữ dễ khiến người ta cay mũi. Vừa vo gạo, Tuyền vừa khoe em biết nấu hầu hết các món ăn từ cá kho, trứng chiên, rau luộc... Tất cả “ngón nghề” ấy đều được bà nội “truyền” lại.

Sau giờ học, công việc gia đình một tay Tuyền quán xuyến Ảnh: Lê Ái

Trong những mẫu chuyện về cuộc sống thường ngày của Tuyền, hình bóng người mẹ ít xuất hiện, bởi suốt 10 năm nay em chưa một lần gặp mẹ. Mí mắt cô bé sụp xuống, giọng nói buồn thiu: “Con chỉ biết mặt mẹ qua một tấm hình mẹ để lại. Ngày tốt nghiệp cấp 3, con mong muốn được gặp lại mẹ. Lúc đó con đã đủ lớn rồi!”.

Lớn lên trong cảnh sống thiếu vắng tình thương, song Tuyền nói mình không giận mẹ, em tự nhủ: “Chắc mẹ có lý do nào đó”.

Ngày Thanh Tuyền đậu vào lớp 10, em được bà nội dẫn đi may 2 bộ áo dài. Mỗi tháng cô bé đều trích một khoản nhỏ từ số tiền 200.000 đồng được Ngân hàng Chính sách và xã hội tỉnh Long An hỗ trợ hộ nghèo, để trả góp tiền may áo mới. Số còn lại, em dành dụm mua dụng cụ học tập, sách vở hoặc đóng học phí khi cần.

Sống bằng tiền trợ cấp, ăn cơm của các nhà hảo tâm trao tặng, Tuyền sớm ý thức được giá trị của lòng tốt, và sự san sẻ giữa người với người trong cuộc sống. Bởi vậy, khi biết mình được nhận thêm chiếc xe đạp mới từ Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, cô gái sẵn sàng nhường lại món quà ấy cho bạn khác có hoàn cảnh khó khăn giống mình, nhưng vẫn chưa có xe.
[CLIP]  Thanh Tuyền chia sẻ lý do nhường xe đạp cho bạn - Thực hiện Lê Ái

Suốt nhiều năm liền, Thanh Tuyền đạt danh hiệu học sinh khá của trường THCS - THPT Nguyễn Thị Một (Long An). Cô bé tiết lộ, trong tất cả môn học mình thích nhất là môn Sử vì môn này mang đến cho em những câu chuyện hay, kiến thức bổ ích về đất nước và con người Việt Nam qua các triều đại.

Tuyền ngồi học bài bên hiên nhà. Môn học em yêu thích là Lịch Sử Ảnh: Lê Ái

Nói về tương lai, Tuyền hy vọng mình có thể được học lên cao hơn sau khi tốt nghiệp cấp 3, song điều đó còn phải phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế của gia đình lúc đó. Cô bé muốn tìm một ngành học ở quê để gần gũi gia đình và có thể chăm sóc bà, chăm sóc cha.

Nghẹn lòng khi nghĩ về con

Dù đang khó khăn trăm bề nhưng khi nghe tin gái nhường chiếc xe đạp lại cho bạn có hoàn cảnh khó khăn hơn, anh Trần Văn Phùng (45 tuổi) cảm thấy tự hào lắm.

Cha nữ sinh có tấm lòng nhân ái chia sẻ với Thanh Niên: “Từ nhỏ Tuyền đã bộc lộ tính thương người, biết san sẻ với những người đồng cảnh ngộ. Cá tính đó tự xuất phát từ bên trong con người nó! Tôi luôn tôn trọng quyết định của con và hướng nó sống theo cách mình thích”.


[CLIP] Ông Phùng chia sẻ về cuộc sống khó khăn và tấm lòng thương người của con gái - Thực hiện: Lê Ái

Người cha vừa bước qua tuổi 45 nhưng tóc đã sớm lấm tấm sợi bạc nghẹn ngào kể về hoàn cảnh gia đình: “Ngày trước còn khỏe, tôi đi làm thợ hồ ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn lo ăn uống cho các con, nay sức khỏe cũng yếu đi, tôi chuyển sang nghề phụ đám cưới, kinh tế gia đình đã khó khăn nay lại càng bấp bênh hơn. Năm 2013, nhờ UBND xã cấp vốn xây căn nhà tình thương, tôi, các cháu và người mẹ già mới có chỗ chui ra chui vô. Lúc trước ở căn nhà mục nát, mưa đến chỗ nào cũng dột, nhìn các con không có được giấc ngủ ngon, người làm cha như tôi xót xa vô cùng".

Anh tiếp lời: “Tôi là đàn ông, có cố đến mấy cũng chỉ lo cho con gái được phần nào thôi, mọi việc còn lại đều phải nhờ vào bà nội. Cám cảnh ‘gà trống nuôi con’ nhưng suốt bao năm qua tôi quyết không đi bước nữa vì sợ cảnh mẹ ghẻ - con chồng”.

Nơi ở mới trông kiên cố, sạch đẹp hơn túp lều xưa nhưng cái nghèo vẫn bám lấy gia đình anh. Trong gian nhà cấp 4, không có vật dụng gì quý giá ngoài hai chiếc xe đạp chị em Tuyền được Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tặng vào những năm học trước. Suốt nhiều năm nay, Tuyền bỏ bữa sáng. Em bị cận đến 5 độ vì đọc sách trong bóng tối để tiết kiệm điện. Hay chiếc gọng kính cận nay đã bong tróc lớp sơn phủ bên ngoài, Tuyền vẫn còn giữ lại để đeo vì chẳng còn tiền để thay mới...

Tuyền đã vui sướng đến không ngủ được nhiều đêm khi biết sắp được ở ngôi nhà mới, dù đó là nhà tình thương Ảnh Lê Ái

Bữa cơm của gia đình ở vùng quê cách Sài Gòn đô hội 20 cây số chỉ vỏn vẹn 2 tô canh bí nấu nước lã cùng chén tép rang đã vơi đi một nửa vì còn thừa lại từ bữa ăn trước, khiến ai nhìn thấy cũng xót lòng. Thế nhưng, Thanh Tuyền chưa một lần muốn rời xa nơi nghèo khó ấy. Với em, nhà nghèo cũng hổng sao, miễn có cha, có nội là được rồi.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.