Tìm đủ lý do để không đi bệnh viện
Chuyện quan tâm chăm sóc sức khỏe bản thân luôn là ưu tiên hàng đầu của mọi lứa tuổi. Song một bộ phận giới trẻ lại không quá để tâm đến vấn đề này. Nhiều người trẻ cho biết họ không đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe định kỳ vì nhiều lý do.
Phạm Thị Kim Yến (29 tuổi), sống tại đường Nguyễn Đình Khơi, Q.Tân Bình (TP.HCM), cho biết: "Mình không lựa chọn đi bệnh viện khám sức khỏe định kỳ vì khi đến đó rất có thể bị vẽ ra thêm nhiều dịch vụ tốn nhiều tiền, cộng thêm các thủ tục rườm rà; phải đợi lâu, mất thời gian. Với lại mình cũng còn trẻ nên nghĩ sẽ khó mắc bệnh nan y hơn. Khi nào cảm thấy không khỏe thì mình mua thuốc tại tiệm thuốc để uống. Chỉ khi nào bệnh kéo dài thì mình mới đến bệnh viện khám thôi", Yến nói.
Trần Quang Vinh, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết bản thân có biết đến việc khám sức khỏe định kỳ nhưng chưa bao giờ đi khám. "Mình nghe nói đi khám sức khỏe định kỳ là tốt nhưng cũng rất tốn tiền. Mình chỉ mới là sinh viên nên tài chính không dư dả. Mình sợ đi khám tốn tiền, và sợ khám ra bệnh lại tốn thêm tiền chạy chữa", Vinh chia sẻ.
Đại đa số sinh viên đều được phổ biến về lợi ích của việc khám sức khỏe định kỳ, nhưng số nhiều đưa ra lựa chọn tương tự như Vinh. Tất cả đều có chung nỗi lo về tài chính, cho rằng khám bệnh định kỳ tốn nhiều tiền và thường không có khoản để dành phục vụ cho vấn đề đó.
"Mình tự biết sức khỏe của bản thân không quá tốt, thường xuyên bị bệnh vặt như cảm cúm theo mùa hay nhức đầu. Nhiều người cũng khuyên mình đi khám tổng quát một lần nhưng mình không dám đi vì sợ khi khám xong thì có thể biết bản thân mắc nhiều bệnh nặng, bệnh không thể cứu chữa", Lý Dương Ngọc Khanh (21 tuổi), ngụ đường Võ Văn Tần, P.2, TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng), chia sẻ về những nỗi sợ khi đi khám bệnh.
Ngoài ra, Khanh còn cho biết thêm hầu hết các triệu chứng mà bản thân mắc phải đều rất phổ biến như: ho, đau đầu, đau bụng, sổ mũi... nên càng cảm thấy không nhất thiết phải chi một khoản tiền lớn để đến bệnh viện kiểm tra sức khỏe định kỳ.
Cái giá của sự chủ quan
PGS-TS-BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dưỡng - Tiết chế Bệnh viện ĐH Y Dược TP.HCM, cho biết: "Một số căn bệnh nan y, bệnh nặng sẽ có các triệu chứng đặc trưng nên người bệnh dễ nhận biết. Tuy nhiên, hầu hết các căn bệnh đều bắt đầu từ những biểu hiện đơn giản như sụt cân, đau nhức cơ thể... sẽ khiến người bệnh mang tâm lý chủ quan hoặc có thể gây nhầm lẫn trong chẩn đoán".
Nguyễn Đan Nhị (19 tuổi), ngụ P.Tăng Nhơn Phú A (TP.Thủ Đức, TP.HCM), cho biết bản thân đã phải gánh chịu hậu quả sau hơn một năm chủ quan với triệu chứng đau bụng. Trước đó, Đan Nhị chưa từng đi khám sức khỏe tổng quát. "Cách đây 4 năm, mình thường xuyên bị đau bụng dai dẳng, nhiều lúc ăn vào là nôn ra ngay. Ban đầu, mình cho rằng đó là rối loạn tiêu hóa nên có mua thuốc tiêu hóa để uống và cứ chịu đựng hơn một năm. Đến khi đau quá, mình mới đến bệnh viện thì lúc đó phát hiện bị nhiễm khuẩn HP với hàm lượng cao", Đan Nhị tâm sự và nói thêm: "Khi mới biết kết quả khám bệnh, cả gia đình mình đều bàng hoàng vì không nghĩ một người còn trẻ như mình mà đã mắc phải căn bệnh nặng đến thế". Sau khi biết về tình trạng sức khỏe của bản thân, Đan Nhị cố gắng sinh hoạt lành mạnh và đi khám định kỳ vì lo sẽ mắc phải ung thư dạ dày.
Giống như Đan Nhị, Nguyễn Thanh Nam (24 tuổi), làm công việc tự do, cũng từng chủ quan với những cơn đau chân thường xuyên xuất hiện. Nam cho biết: "Ban đầu mình cho rằng do đi lại nhiều nên mới đau chân, khi thì lại nghĩ do căng cơ nên đau. Cho đến 2 năm trước, khi mình đau đến mức không thể đứng dậy được thì mới đến bệnh viện kiểm tra. Lúc đó mình mới biết bị gout và đã đến giai đoạn 2. Ở tuổi của mình có khá ít người mắc bệnh gout và cũng hiếm ai bệnh nặng giống như mình".
Do không được phát hiện và điều trị sớm nên giờ đây, dù Nam đã cố gắng kiểm soát chế độ ăn uống nghiêm ngặt, nhưng mỗi tháng vẫn phải trải qua 2 - 3 cơn đau do gout. Mỗi lần như thế, Nam thường không thể di chuyển trong vài ngày, gây ảnh hưởng rất nhiều đến công việc và các mối quan hệ trong cuộc sống.
Việc các bạn trẻ chủ quan về tình trạng sức khỏe của bản thân nên không tham gia khám sức khỏe định kỳ là một trong những nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều người mắc các căn bệnh "người già" (cao huyết áp, suy tim, đột quỵ...) khi còn rất trẻ. Nói về tình trạng này, PGS-TS-BS Lâm Vĩnh Niên nhận định: "Có nhiều yếu tố thúc đẩy việc người trẻ mắc nhiều căn bệnh của người cao tuổi. Về mặt dinh dưỡng, người trẻ có xu hướng lựa chọn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhanh, thức ăn chứa nhiều chất béo, tinh bột mà không có chế độ ăn uống rõ ràng. Cộng thêm lối sống hiện đại khiến cho một bộ phận giới trẻ có xu hướng ít vận động hơn, từ đó tạo "cơ hội" để phát triển nhiều căn bệnh mãn tính".
Bác sĩ Niên cũng đưa ra lời khuyên: "Các bạn trẻ có thể lựa chọn chế độ dinh dưỡng phù hợp, kết hợp với tăng cường hoạt động thể dục, thể thao để làm giảm nguy cơ bệnh tật. Đồng thời, người trẻ cũng cần xây dựng thói quen thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ, khám chữa bệnh ngay khi cảm thấy không khỏe, tuyệt đối không chủ quan khi bản thân xuất hiện các triệu chứng bệnh kéo dài không dứt".
Bình luận (0)