Nhiều sinh viên (SV) cho biết họ vẫn còn mơ hồ về khái niệm khởi nghiệp, và dù muốn làm giàu nhưng không biết tìm ý tưởng từ đâu.
Tiến sĩ Trần Việt Hùng, người từng có thời gian làm việc trong môi trường khởi nghiệp chuyên nghiệp tại Silicon Valley (Mỹ), chia sẻ: “Để tìm ra ý tưởng khởi nghiệp không khó, bởi thế giới này không hoàn hảo, lúc nào cũng có vấn đề để giải quyết. Hãy xem những người xung quanh đang kêu ca về những điều gì. Tìm sản phẩm nhằm giải quyết vấn đề ấy, tạo ra sản phẩm mà người khác cần thì đấy chính là khởi nghiệp”.
Tiến sĩ Trần Việt Hùng là người sáng lập GotIt!, ứng dụng giáo dục nhận được hơn 9 triệu USD (khoảng 200 tỉ đồng) từ các quỹ đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư nổi tiếng.
Còn PGS-TS Hà Thanh Việt, nguyên Trưởng khoa Tài chính Trường ĐH Quy Nhơn, chia sẻ: "SV nên tư duy những ý tưởng thật độc đáo, chưa ai nghĩ đến. Tuy nhiên, tất cả phải xuất phát từ nội tâm. Cần đặt ra câu hỏi liệu sản phẩm này có phục vụ lợi ích cộng đồng hay không, vì khởi nghiệp phục vụ cộng đồng chính là con đường thành công bền vững".
Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc điều hành của Adayroi.com (website thương mại điện tử thuộc Tập đoàn Vingroup), cho rằng khởi nghiệp ở lĩnh vực công nghệ là tốt nhất. Vì ở lĩnh vực này không cần phải đầu tư quá nhiều tài sản, mà chỉ cần có sự đầu tư về ý tưởng và con người. Ngoài ra, lĩnh vực công nghệ sinh lời rất tốt.
|
Thực tế có không ít người trẻ mặc định chỉ có thể khởi nghiệp, kinh doanh trong những lĩnh vực như: ăn uống, thời trang, công nghệ thông tin… Chính suy nghĩ này khiến nhiều người đã và đang theo học những ngành như: giáo dục thể chất, sư phạm mầm non, luật… cảm thấy thất vọng vì không thể khởi nghiệp theo đúng chuyên ngành.
Tuy nhiên, theo tiến sĩ Nguyễn Văn Tân, Trưởng khoa Quản trị kinh tế quốc tế Trường ĐH Lạc Hồng (Đồng Nai), bất kể ngành nghề nào cũng có thể khởi nghiệp được, miễn sao phải có ý tưởng mới lạ, khả thi.
Bà Đỗ Thị Hoa, Giám đốc điều hành Yppuna, người khởi nghiệp với sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cho phụ nữ có tên Hộp khí hậu, vào top 40 trong cuộc thi khởi nghiệp K-Startup Grand Challenge 2016 (Hàn Quốc), cho rằng học ngành gì cũng đều khởi nghiệp được, cũng như có thể khởi nghiệp theo đúng chuyên ngành được đào tạo. “Để khởi nghiệp kinh doanh trong chặng đường dài, cần phải học hỏi hằng ngày, đọc sách để bổ sung nhiều kỹ năng khác. Bởi khởi nghiệp không dễ dàng nên càng phải chú ý nhiều vấn đề để không bị thất bại”, bà Hoa nói.
Còn ông Tạ Minh Tuấn, Chủ tịch YUP Education, chia sẻ thêm: “Nếu học ngành giáo dục thể chất, muốn khởi nghiệp đúng chuyên ngành, thì có thể xây dựng trung tâm tập gym, tuyển thêm những cộng sự để cùng làm, có thể kiếm được nhiều tiền hơn”.
Ông Tuấn cũng lưu ý muốn khởi nghiệp theo ngành học chưa chắc đem lại thành công. Vì có chuyên môn tốt chưa chắc là người chủ giỏi. “Chuyên môn chỉ là một phần, quan trọng là mô hình kinh doanh và xây dựng một hệ thống làm việc cho mình. Bên cạnh chuyên môn cần bổ sung năng lực quản trị và điều hành để có hệ thống tốt, cũng như kỹ năng kinh doanh để thu hút khách hàng”, ông Tuấn phân tích.
Bình luận (0)