Độc đáo 'xé' giấy làm nữ trang

06/10/2016 14:41 GMT+7

Mê cái đẹp và bị 'nghiện' phụ kiện thời trang, cô gái nhỏ nhắn Thái Trang gần đây theo đuổi nghệ thuật làm phụ kiện từ những tờ tạp chí. Khi cầm trên tay chiếc vòng quyến rũ, ít người biết đây là sản phẩm tái chế.

Loại hình nghệ thuật mà Thái Trang theo đuổi là paper beads có lịch sử khá lâu đời, bắt nguồn ở nước Anh trước thời của nữ hoàng Victoria và thực sự trở thành phụ kiện cho phụ nữ vào những năm 20 - 30 của thế kỷ trước. Những hạt giấy có thể xâu thành chuỗi đeo trên cổ, trên tay, có người dùng làm mành sáo để trang trí nhà…
Cô gái mê ngọc trai nổi tiếng Sài Gòn
Chị tự nhận mình chỉ mới bước chân vào thế giới ngọc trai 3 năm nay nhưng có lẽ hiếm cô gái nào ở Sài Gòn mê ngọc trai mà không biết đến chị. Đó là chị Tâm Mavroudis.
Paper beads trước đây chỉ là thú vui lúc rảnh rỗi của phụ nữ và rồi mang tính thương mại năm 2005 khi một tổ chức phi lợi nhuận mang nghệ thuật này đến Uganda, chia sẻ cách làm phụ kiện và giúp phụ nữ ở các trại tị nạn kiếm tiền. Một công việc nhẹ nhàng. Sản phẩm nhanh chóng trở thành “cần câu” cơm của nhiều phụ nữ nghèo để có tiền mua bánh mì, nhu yếu phẩm và cho con đi học thay đổi cuộc sống.
Nàng Tấm giấy
Dù không phải là người đi tiên phong nhưng Thái Trang tạo ra sản phẩm theo phong cách rất riêng, cô thổi vào từng món phụ kiện cá tính của mình - kiểu quyến rũ rực rỡ có chút hoang dại của những cô gái Bohemian. Thái Trang chia sẻ: “Những chiếc vòng tay, dây chuyền, hoa tai, lắc chân… theo phong cách Bohemian được mình làm từ những tờ tạp chí. Màu sắc của từng món phụ kiện tùy thuộc vào màu của của tờ báo được xé, rồi cuộn mà thành. Thiên hướng của phụ nữ là nữ tính, nên mình muốn thông qua các món phụ kiện tôn vinh nữ tính”.
'Xé' giấy làm nữ trang 1
Quy trình nghe qua thấy khá đơn giản - cứ cắt giấy, cuộn, dán keo, phủ bóng, phơi khô rồi kết hạt là thành nhưng phải mất một tháng Thái Trang mới làm xong một “mẻ” phụ kiện. Công việc không nặng nhọc nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ của người làm. Từng mẩu giấy phải được cắt đều nhau theo tỷ lệ có sẵn, làm hạt dài thì cắt giấy dài, hạt bẹt tròn ngắn thì cắt mẫu to, rồi cuộn lại thật chắc chắn sau đó cố định bằng keo.
“Việc làm thành từng hạt chỉ là khâu nhỏ, rồi phải đem đi xử lý chống ẩm mốc, chống nước… phủ sơn bóng để tránh dính nước mưa, đem phơi, rồi sơn rồi phơi… chờ đợi mỗi ngày làm từng ít từng ít. Khi hạt làm xong còn phải ngồi lựa, phân loại các loại hạt có màu khác nhau để riêng cho dễ phối. Nhiều lúc có cảm tưởng như mình giống cô Tấm bị “bắt” ngồi lựa đậu vậy”, Trang cho biết.
Làm một tháng mới xong một mẻ rồi cứ lai rai kết hạt, chụp hình, giới thiệu cách phối với quần áo sao thật ấn tượng… Chỉ cần một ngày theo dõi quá trình làm việc của Trang, người ta có cảm giác, cô là người “quá” giàu có, vì có nhiều thời gian để làm một việc chậm rãi từ ngày này qua ngày khác theo ý thích.
'Xé' giấy làm nữ trang 2
Chút “hoang dã” của giấy
Nhiều sắc độ nhưng không lòe loẹt, trái lại những vòng cổ, hoa tai do Thái Trang tạo nên có đời sống riêng, dành cho những ai yêu tự do, tự tin thể hiện chính mình. Nữ trang giấy của Thái Trang đặc biệt thích hợp với những cô nàng yêu phong cách sexy, diện những bộ váy áo phóng khoáng để khoe hết vẻ đẹp của những món phụ kiện khi kết hợp.
'Xé' giấy làm nữ trang 3
Ở một cửa hàng nhỏ trong hẻm nhỏ trên đường Hoàng Hoa Thám (Q.Bình Thạnh, TP.HCM), mỗi ngày ngoài làm các hạt giấy, cô gái ấy còn thiết kế trang phục để kết hợp đồng điệu với phụ kiện của mình. Đa số trang phục sử dụng chất liệu linen, vải lanh mộc mạc để tôn thêm chút hoang dã của phụ kiện giấy.
Cô gái khuấy động tranh Đông Hồ
'Lần đầu đến Bắc Ninh, tôi bị mảnh đất và con người nơi đây chinh phục. Từ đó tôi nung nấu phát triển bộ công cụ in tranh nhằm giúp trẻ nhỏ có thể tự trải nghiệm vẻ đẹp của nghệ thuật in tranh Đông Hồ tại nhà'
Thái Trang nói thêm: “Dù biết sản phẩm mình làm ra sẽ kén người dùng lắm, nhưng ở đời nếu biết mình muốn gì, yêu công việc mình làm thì dù khó khăn vất vả đến đâu cũng sẽ vượt qua được. Và dù chỉ là món phụ kiện bình thường nhưng với mình đó là nghệ thuật, mình được “chơi” với giấy, được tự do chọn phối các sắc màu, cấp độ để tạo ra từng sản phẩm độc đáo, duy nhất. Nhớ có lần coi phim thấy người ta bảo thế giới này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi. Mình cũng nghĩ cứ sáng tạo đi, cứ làm việc hết mình, rồi sẽ tạo được con đường sống riêng cho tác phẩm của mình”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.