Du học sinh thu nhập 3.000 đô la mỗi tuần nhờ bán hàng qua mạng

02/07/2016 12:44 GMT+7

Với hình thức mua những sản phẩm chăm sóc sức khỏe được ưa chuộng tại Úc và bán lại cho người tiêu dùng trong nước, nhiều du học sinh có thể kiếm lời từ 2.000 đến 3.000 đô la Úc (AUD) mỗi tuần.

Mua thực phẩm chức năng, vitamin, hàng tiêu dùng hay sữa bột trẻ em từ Úc rồi chuyển về nước bán lại kiếm lời, là hình thức kinh doanh không mới; tuy nhiên, đây vẫn là cách giúp nhiều du học sinh kiếm được khoản thu nhập khủng, để trang trải sinh hoạt phí khi sống và đóng tiền học ở nước ngoài.

Carol Lin (25 tuổi, người Trung Quốc), sinh viên của một trung tâm ngôn ngữ tại Sydney (bang New South Wales, Úc), là du học sinh kiếm được nhiều tiền từ cách thức kinh doanh trên. Ở những thời điểm đắt khách, Lin “bỏ túi” hơn 3.000 đô la Úc một tuần, theo Business Insider

tin liên quan

Đua nhau làm chủ shop online
Chỉ cần lập shop bán dăm ba mặt hàng trên mạng internet, học sinh, sinh viên, nhân viên văn phòng... đều có thể trở thành ông bà chủ.

Lin đến Sydney từ tháng 7.2015, với tư cách là một du học sinh, song cô đã sớm lên chiến lược kinh doanh để kiếm tiền trong thời gian sinh sống tại đây.

Sau thời gian nghiên cứu thị trường, Lin phát hiện mạng xã hội WeChat là nơi lý tưởng để cô lập những gian hàng trực tuyến. Khi khách hàng ở Trung Quốc có nhu cầu mua thực phẩm chức năng từ các nhãn hàng có uy tín của Úc, họ chỉ việc liên hệ với Lin và đặt hàng. Nhiệm vụ của Lin là tìm nguồn hàng cung cấp có giả sỉ rẻ và chuyển món đồ ấy về cho khách.

Lin còn phát triển mạng lưới cộng tác viên bán hàng cho mình tại thị trường Trung Quốc thông qua WeChat. Cô và các "cộng sự" của mình kiếm được thu nhập khá tốt vì hầu như họ không phải đóng bất kì khoản thuế nào cho hình thức buôn bán qua mạng như thế này.

Maggie Ma, sinh viên kiếm được nhiều tiền nhờ hình thức mua bán hàng Úc cho người tiêu dùng Trung Quốc Ảnh chụp màn hình Business Insider

Hình thức kinh doanh này ngày một phát triển sôi động bởi hai lý do. Thứ nhất, người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng sợ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng… từ các doanh nghiệp trong nước. Thứ hai, số lượng du học sinh Trung Quốc ở Úc đang ngày một tăng lên, họ là những đầu mối cung ứng và vận chuyển hàng hóa chất lượng cao từ Úc về nước.

Không chỉ có Lin, Maggie Ma, (26 tuổi, đến từ Trung Quốc) sinh viên vừa lấy bằng Thạc sĩ kế toán tại trường Đại học Sydney (Úc) cũng là người hoạt động tích cực trong mạng lưới du học sinh bán thực phẩm chức năng qua WeChat.

Thoạt đầu, Maggie Ma chỉ xem các sản phẩm chức năng tốt cho sức khỏe như một món quà cô dành tặng bố mẹ sau thời gian du học xa nhà; tuy nhiên, người thân nữ sinh càng dùng càng thấy thích và họ đặt hàng cô mang về nhiều hơn. Đó cũng là lúc Maggie Ma nhận thấy tiềm năng kinh doanh của công việc này.

Cả hai Lin và Ma đều nói rằng họ làm việc như một đại lý trực tuyến và đây là một công việc bán thời gian kiếm tiền rất lý tưởng trong giai đoạn nhu cầu sử dụng hàng hóa Úc tại Trung Quốc đang tăng cao.

Thông thường, Lin không đề giá trực tiếp lên sản phẩm, với cô “mỗi đối tượng khách hàng khác nhau sẽ có những mức giá khác nhau”. Thực phẩm chức năng, sữa bột trẻ em, vitamin tổng hợp, thuốc giải độc gan… là những sản phẩm được khách hàng hỏi mua rất nhiều. Số tiền lời Lin kiếm được từ các sản phẩm này khá hấp dẫn, ví như một hộp vitamin tổng hợp mua tại Úc với giá 17 đô la Úc, sang tay người dùng, Lin thu về 29 đô la Úc. Hay một loại kem đa năng được bán trong cửa hàng với giá chỉ 5 đô la Úc, sang tới Trung Quốc, nó đã dội lên số tiền là 10 đô la Úc.

Lin giải thích: “Nếu tôi mua một món hàng ở đây có giá 30 đô la Úc, tôi sẽ cộng thêm 7 đô la để chi trả cho chi phí vận chuyển, có nghĩa sản phẩm đã bị nâng lên mức 37 đô la. Nhưng trong làm ăn kinh doanh, tôi không thể bán ở giá này vì như vậy nghĩa là không có lời. Tôi sẽ lấy món hàng đó giá 47 đô la Úc khi chuyển về đến Trung Quốc, tôi kiếm được 10 đô la tiền lời”.

Nhưng không phải lúc nào Lin cũng lấy tiền lời trên mỗi sản phẩm là 10 đô la, nó có thể ít hơn, khoảng 5 hay 6 đô la tùy trường hợp.
Các đối thủ kinh doanh xuất hiện ngày một nhiều, đó là lý do Lin buộc phải hạ thấp tiền lời để thu hút khách hàng đặt mua sản phẩm thông qua dịch vụ của mình.
Các cô gái làm 'đại lý trực tuyến' vô cùng bận rộn Ảnh chụp màn hình Business Insider

Một vấn đề bất cập khác mà những “con buôn” nghiệp dư phải đối mặt đó chính là việc tìm nguồn hàng cung ứng sao cho thật phong phú, đáp ứng mọi nhu cầu của khách.

“Sau khi nhận được đơn hàng trên WeChat, tôi viết tất cả những món mình cần mua ra giấy và bắt đầu đi tìm chúng ở các cửa hàng, siêu thị. Song có trường hợp cả 5 món hàng mà tôi cần mua, mỗi món lại ở một nơi khác nhau. Việc này tốn rất nhiều thời gian và thật sự khá phiền hà”, Maggie Ma bộc bạch.

Trong khi đó, Lin cho biết cô phải thường xuyên kiểm tra điện thoại để không bỏ lỡ một đơn hàng nào. Đôi khi, điều này làm cô cảm thấy khó chịu, nhất là lúc đi ăn tối với gia đình hoặc bạn bè. Trong một ngày, nếu Lin không phải chạy khắp nơi để mua sản phẩm theo đơn đặt hàng của khách thì cô cũng sẽ dành nhiều thời gian để đóng gói và đi gửi hàng ở bưu điện. Cô bắt đầu làm việc từ 10 giờ sáng và kết thúc vào lúc 21 giờ mỗi ngày.

“Những người như tôi không có ngày nghỉ, không có cuối tuần”, Lin nói thêm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.