Tạo mọi điều kiện cho các nhà khoa học trẻ

12/09/2015 05:32 GMT+7

Gần 70 nhà khoa học trẻ trên khắp cả nước đã có buổi trao đổi, trò chuyện đầy tâm huyết và trách nhiệm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại trụ sở Bộ Khoa học - Công nghệ vào sáng 11.9.

Gần 70 nhà khoa học trẻ trên khắp cả nước đã có buổi trao đổi, trò chuyện đầy tâm huyết và trách nhiệm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại trụ sở Bộ Khoa học - Công nghệ vào sáng 11.9.

Gần 70 nhà khoa học trẻ trên khắp cả nước đã có buổi trao đổi, trò chuyện đầy tâm huyết và trách nhiệm với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại trụ sở Bộ Khoa học - Công nghệ vào sáng 11.9.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao lưu với các nhà khoa học trẻ
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao lưu với các nhà khoa học trẻ - Ảnh: Anh Vũ
Các nhà khoa học trẻ tham dự hội nghị đều có tuổi đời không quá 35, có thành tích nổi trội như đoạt các giải thưởng về khoa học - công nghệ (KH-CN), có sáng chế, giải pháp hữu ích.
Hỗ trợ toàn bộ kinh phí đề án “mắt thần”
Trong buổi giao lưu, phần trò chuyện của tiến sĩ Nguyễn Bá Hải (Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) kéo dài đến gần 30 phút bởi nhiều lần Thủ tướng đặt câu hỏi tìm hiểu về các sáng chế, dự án cộng đồng mà tiến sĩ Hải đang thực hiện. Đáng chú ý là dự án sản xuất “mắt thần” phi lợi nhuận dành cho người mù. Sau 4 năm nghiên cứu với 9 lần cải tiến các phiên bản, đến nay tiến sĩ Hải đã sản xuất thành công “mắt thần” thế hệ 2. Báo cáo Thủ tướng, tiến sĩ Nguyễn Bá Hải cho biết: “Sản phẩm đầu tiên nặng gần 2 kg, chi phí sản xuất khoảng 20 triệu đồng. Đến nay chỉ còn 200 gr và tốn khoảng 2 triệu đồng để sản xuất”.

Dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng nhà nước vẫn luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư và nâng cao tiềm lực cho KH-CN. Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà khoa học trẻ phát triển tài năng, sáng tạo đóng góp cho đất nước

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Lắng nghe câu chuyện này, Thủ tướng đã liên tục đặt câu hỏi tìm hiểu về thiết bị “mắt thần”, về khó khăn khi thành lập doanh nghiệp với mục tiêu phi lợi nhuận phục vụ người khiếm thị. Thủ tướng hỏi: “Cần bao nhiêu tiền để sản xuất thiết bị này tặng cho những người khiếm thị tại VN?”.
Tiến sĩ Hải cho biết, ở VN hiện có khoảng 1,2 triệu người khiếm thị, trong đó có 300.000 người mù. Mục tiêu của chương trình là tặng kính cho người mù. Giá thành sản xuất còn phụ thuộc vào quy mô sản xuất, vì vậy cần tính toán cụ thể.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ trưởng Bộ KH-CN, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn chủ trì phối hợp với tiến sĩ Nguyễn Bá Hải để lập đề án cụ thể cung cấp thiết bị hỗ trợ người mù do chính người VN sản xuất. Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ hỗ trợ toàn bộ kinh phí cho đề án.
Trước đó, PGS-TSKH Phạm Hoàng Hiệp, Viện Toán học thuộc Viện Hàn lâm KH-CN, chia sẻ nhiều kinh nghiệm trong nghiên cứu khoa học. Anh là người nhận số phiếu tuyệt đối khi xét Giải thưởng Tạ Quang Bửu cho hạng mục nhà khoa học trẻ. Anh cũng là phó giáo sư trẻ nhất VN năm 2011 (được phong hàm khi mới 29 tuổi). Tính đến nay, anh đã có 30 bài báo trong danh mục ISI. Phạm Hoàng Hiệp chia sẻ, đối với những người trẻ tuổi để đạt được thành công trong lĩnh vực nào đó cần phải có niềm đam mê, nhiệt huyết. Phải luôn đặt câu hỏi vì sao và cố gắng tìm câu trả lời bằng mọi cách. Đặc biệt, đối với lĩnh vực khó như khoa học càng cần phải tập trung tư duy, sự kiên trì và tính nhẫn nại.
Ưu tiên đầu tư nhưng không dàn đều
Chia sẻ với các nhà khoa học trẻ, Thủ tướng bày tỏ sự cảm động và đánh giá cao tâm huyết, trách nhiệm, thiết thực của các nhà khoa học trẻ đối với đất nước. Thủ tướng khẳng định dân tộc VN luôn luôn coi trọng “hiền tài như nguyên khí quốc gia”, luôn quan tâm và trọng dụng, tôn vinh đội ngũ trí thức. “Dù điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, nhưng nhà nước vẫn luôn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư và nâng cao tiềm lực cho KH-CN. Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các nhà khoa học trẻ phát triển tài năng, sáng tạo đóng góp cho đất nước”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho rằng lịch sử nước nhà đã ghi nhận nhiều nhà khoa học xuất sắc ngoài tuổi 30 như Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Lương Định Của... hăng hái, nhiệt tình đi theo lời kêu gọi của Bác Hồ, của Đảng. Sau giải phóng, đội ngũ các nhà khoa học trẻ cũng bản lĩnh, trí tuệ, không ngừng tìm tòi sáng tạo. Nhiều sáng kiến được ứng dụng trong cuộc sống. Đặc biệt, GS Ngô Bảo Châu, GS Đàm Thanh Sơn đã chinh phục đỉnh cao, ghi danh VN vào bản đồ khoa học thế giới.
Thủ tướng cũng biểu dương các nhà khoa học trẻ, bằng sáng kiến của mình đã tiết kiệm được cho nhà nước, cho doanh nghiệp nhiều tỉ đồng. Đơn cử, trường hợp của kỹ sư Phạm Gia Vinh thiết kế máy bay không người lái, kỹ sư Nguyễn Văn Huyên đưa ra 11 giải pháp tiết kiệm cho MobiFone 25 tỉ đồng, hay kỹ sư Lưu Mạnh Hà sáng kiến tiết kiệm cho Viettel hơn 100 tỉ đồng.
Thủ tướng tái khẳng định, Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà khoa học trẻ phát triển. Trước mắt, tiếp tục rà soát, hoàn thiện triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách để thu hút, trọng dụng nhân tài. Gắn liền chính sách đào tạo các nhà khoa học đầu ngành từ các nhà khoa học trẻ. Đồng thời, khuyến khích đầu tư, tài chính, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, chính sách khuyến khích phát triển KH-CN. Thủ tướng cũng yêu cầu phải tìm giải pháp để đưa các quỹ hỗ trợ nghiên cứu, phát triển KH-CN đến với các nhà khoa học trẻ. Nhưng phải đảm bảo dồn sức làm cho được những sáng kiến, ý tưởng tốt không dàn đều.
“Tương lai của KH-CN nước nhà thuộc về các nhà khoa học trẻ hôm nay. Đảng, Nhà nước luôn luôn đặt lòng tin vào các bạn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển, bảo vệ Tổ quốc”, Thủ tướng khẳng định.
Ký đơn thôi việc cho một tiến sĩ mà thấy quá tiếc nuối!
Là một người làm công việc ở trường đại học đã lâu (37 năm), tôi có những suy nghĩ về việc về - ở, ra đi - ở lại của những nhà khoa học, giảng viên trẻ ở các khối ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ.
Tháng 1.2007, tôi gặp gỡ những người đang theo học tại Mỹ của Quỹ giáo dục VN - Mỹ của Chính phủ Mỹ (VEF). Tại cuộc gặp, nhiều lưu học sinh nói họ không muốn về nước vì 2 lý do: Môi trường làm việc ở VN không cho họ thấy được khả năng thăng tiến nghề nghiệp và chế độ đãi ngộ thấp, không tương xứng với đóng góp của họ.
Một điều mà các ĐH của ta không thể thu hút nhân tài là do hệ thống phòng thí nghiệm quá lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu của giảng viên và sinh viên. Một tiến sĩ làm việc ở Trường ĐH Sư phạm TP.HCM sang Trường ĐH Quốc tế (thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) vì phòng thí nghiệm bên ấy có đủ điều kiện để tiến hành nghiên cứu. Ngoài ra, môi trường làm việc “chú chú, anh anh” cùng hàng loạt những quy định “sống lâu lên lão làng”, thâm niên đã làm nhiều người quản lý không dám bổ nhiệm những người có năng lực nhưng trẻ vào các chức vụ lãnh đạo...
Tôi vừa ký giấy chấp nhận thôi việc cho một tiến sĩ ngành toán mà thấy quá tiếc nuối. Sau một thời gian học ở nước ngoài, người này đã tìm được việc làm tại một ĐH ở Úc. Trong vòng 10 năm qua, đã có 7 tiến sĩ của trường học xong rồi không về nước!
Nguyễn Kim Hồng (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.