Khởi nghiệp bằng ứng dụng đi chung xe để hạn chế kẹt đường

30/04/2016 09:00 GMT+7

Lê Mai Tùng và các cộng sự đã tạo ra một dịch vụ mới mẻ vừa giúp giảm lượng xe máy lưu thông trên đường, giảm ùn tắc giao thông \, vừa giúp người dùng có thêm bạn bè mới.

Cảm hứng sáng tạo từ... nạn kẹt xe
10 năm trước, bắt nguồn từ nạn kẹt xe thường xuyên xảy ra tại các thành phố lớn, Lê Mai Tùng (sinh năm 1983) đã ấp ủ ý tưởng về việc tạo ra một mạng lưới để giúp mọi người có cùng lộ trình, cùng thời gian di chuyển có thể đi chung xe. Điều này giúp giảm chi phí xăng xe, giảm lượng xe lưu thông trên đường, giảm kẹt xe lại giúp mọi người có thêm bạn bè.
Tùng đã lập một trang web để hiện thực ý tưởng của mình. Nhưng tại thời điểm đó, nền tảng internet ở Việt Nam chưa thực sự phát triển, các thiết bị di động cầm tay như smartphone lại càng không phổ biến, nên ý tưởng của Tùng gần như rơi vào bế tắc.
Pinbike được đánh giá là một giải pháp hiệu quả để giảm thiểu lượng xe máy lưu thông trên đường - Ảnh: NVCC
Thất bại khiến Tùng nhận ra rằng mình cần phải ra nước ngoài học hỏi thêm kiến thức và kinh nghiệm. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học New South Wales (bang New South Wales, Úc), Tùng ở lại Úc làm việc thêm 3 năm và luôn nung nấu ý định trở về Việt Nam khởi nghiệp.
Năm 2011, Tùng có cơ hội làm việc cùng một nhóm sinh viên ở TP.HCM trong quá trình nghiên cứu ứng dụng Trip Hero - cảnh báo các sự việc cản trở việc giao thông chẳng hạn như kẹt xe, tai nạn, công trình hay ngập lụt. Tiếp nối thành công của Trip Hero, Tùng và các đồng sự quyết định sẽ hiện thực hóa ý tưởng đi chung xe của anh cách đây 10 năm. Và hơn thế nữa, sẽ dùng ý tưởng này để khởi nghiệp.
Tháng 11.2015, ứng dụng đi chung đường Pinbike của Tùng và cộng sự chính thức được đưa lên các kho ứng dụng Google Plays, App Store và đi vào hoạt động. "Pinbike phải giải quyết được hai vấn đề hóc búa là làm sau để tính toán những tuyến đường của người dùng để ghép chung một cách hiệu quả. Đồng thời, làm sao để người dùng tin tưởng ứng dụng cũng như tin tưởng người bạn đồng hành của mình. Thuật toán xử lý cho ra kết quả chính xác trong thời gian siêu ngắn dưới 1 giây là điều khó nhất mà Pinbike đã làm được", Lê Mai Tùng kể.
Giả thiết về một tương lai mọi người cùng đi chung xe, đường sẽ vắng hơn, khói bụi ít hơn - Ảnh: NVCC
Với ứng dụng Pinbike, hai người đi chung có thể thỏa thuận được giá cước cho từng km. "Chúng tôi không mặc định giá cước trước mà để cho người chở thể chọn mức giá từ 0-2.000 đồng/km. Có điều thú vị là đa số những chuyến đi chung đều để giá là 0 đồng. Tức là người chở muốn tìm bạn cùng đi cho vui chứ không vì lợi nhuận", Lê Mai Tùng nói.
Sau một thời gian hoạt động, ê-kíp của Tùng nhận thấy rằng Pinbike đi chung phù hợp hơn cho những người muốn di chuyển quãng đường xa bởi thời gian đặt xe khá lâu. Có những ngày Pinbike nhận hơn 200 yêu cầu đi chung xe nhưng chỉ có khoảng 10 lượt ghép đôi thành công. Đa phần đó là những chuyến đi xa, đòi hỏi thời gian khởi hành phải phù hợp với cả hai người cùng đi. Tháng 3.2016, Pinbike đưa thêm vào tính năng đi ngay. Mọi người di chuyển quãng đường ngắn, muốn đi ngay thì có thể đặt xe với giá cước là 3.900 đồng/km".
Một trong những "triết lý" hoạt động của Pinbike là giúp cuộc sống của những người trẻ trở nên thú vị hơn: mỗi ngày sẽ gặp gỡ những con người mới và biết đâu lại thành những mối quan hệ lâu dài - Ảnh: NVCC
Khác với các dịch vụ đặt xe như Grab, Uber,... Pinbike gần như không sử dụng những tài xế chuyên nghiệp ngồi chờ có khách đi. "Hiện Pinbike có hơn 200 tài xế đang hoạt động và hơn 130 tài xế đang nộp hồ sơ chờ xét duyệt. Họ đa phần là sinh viên, những người trẻ chưa tìm được công việc ổn định tranh thủ đi làm để kiếm thêm thu nhập", Mai Tùng cho biết.
Đánh giá về cơ hội của Pinbike trong thị trường Việt Nam, Mai Tùng cho biết: "Người ta không bao giờ ngừng đi lại, dân càng ngày càng đông, đường càng ngày càng kẹt. Dù với tính năng đi ngay hay đi chung thì Pinbike vẫn hướng tới việc giải quyết nạn ùn tắc giao thông ở các đô thị lớn thông qua việc giảm thiểu lượng xe máy lưu thông trên đường". Hiện tại, Lê Mai Tùng và cộng sự đang tiếp tục nghiên cứu những dự án liên quan đến giao thông.
3 điều quan trọng nhất trong khởi nghiệp
Theo Lê Mai Tùng, điều khó nhất trong khởi nghiệp là phải tìm được người cùng chung chí hướng. "Trong bất động sản, 3 điều quan trọng nhất là local, local và local (địa thế). Còn trong khởi nghiệp, 3 điều quan trọng nhất là team, team và team (đồng đội). Nếu như đồng đội cùng chí hướng với mình, biết rằng công ty sẽ đi tới đâu, sẽ làm những gì thì mọi khó khăn sẽ giải quyết được hết", Mai Tùng chia sẻ.
Đam mê những dự án liên quan đến giải quyết các vấn nạn giao thông, Mai Lê Tùng đã quyết định khởi nghiệp trong lĩnh vực này - Ảnh: NVCC
Ngoài ra, nếu như chưa có 2-3 năm đi làm để tích lũy kiến thức, kinh nghiệm thì những người trẻ chớ nên khởi nghiệp, "sẽ rất là chua, giống như bài học của chính mình", Mai Tùng hài hước chia sẻ.
Trả lời câu hỏi có sợ bị sao chép ý tưởng không, Lê Mai Tùng cho biết: "Một dự án khởi nghiệp trị giá 20 triệu USD thì ý tưởng chỉ giá 20 USD thôi, còn giải pháp thực thi có giá 1 triệu USD. Giá trị của dự án khởi nhiệp được tính theo 20x1 triệu. Điều này cho thấy ý tưởng không đóng vai trò quyết định trong khởi nghiệp, quan trọng là bạn làm sao để hiện thực ý tưởng đó. Tất nhiên bạn cũng không thể bắt đầu khởi nghiệp bằng một ý tưởng tồi".
Một lời khuyên của Lê Mai Tùng cho các bạn trẻ muốn dấn thân trong vào khởi nghiệp là đừng bao giờ quan tâm đến "chi phí cơ hội": làm có được gì hay không, nếu thất bại thì sẽ mất những gì.
"Điều vô duyên nhất trong những lần khởi nghiệp trước của mình là sợ thời gian trôi qua mà mình không làm được gì thì sao. Rồi nhìn thấy bạn bè mình đi làm cho những tập đoàn, ngân hàng lớn thì đã rất khá rồi... Đó là những suy nghĩ ấu trĩ của tuổi trẻ. Hãy cứ làm bằng nhiệt huyết, đam mê và tài năng thì bạn sẽ thành công", Lê Mai Tùng bày tỏ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.