Lập giải thưởng cho học trò từ tiền túi

19/01/2017 09:10 GMT+7

Sống và công tác ở đảo Hòn Chuối (thuộc TT.Sông Đốc, H.Trần Văn Thời, Cà Mau), thượng úy Trần Bình Phục (quê ở TP.Cà Mau) đã dạy dỗ, giúp hơn 10 em từ đảo vào lại đất liền để học lên cao hơn.

Lớp học ở Hòn Chuối đã có từ trước năm 2009, nhưng vì một số nguyên nhân nên bị ngắt quãng nhiều lần. Khi anh Trần Bình Phục tiếp quản, chỉ có 4 - 5 em ở đảo chịu học, lớp học là căn nhà tạm bợ nằm trước trạm ra đa trên đảo.
Ban đầu, việc vận động gia đình đồng ý cho các em đi học vô cùng khó khăn vì dân cư ở đây 3 đời đều đi biển, không quan tâm tới chữ nghĩa, học hành. Nhiều khi vận động không thành, anh Phục muốn buông xuôi, nhưng thương các em, anh tiếp tục cố gắng…
“Tôi dạy chữ không chỉ xóa mù chữ mà mong muốn các em sau này sẽ được vào đất liền học tập, rồi quay lại đảo giúp đỡ cư dân ở đây phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chỉ có học mới thay đổi cuộc đời các em”, anh Phục tâm sự.
Sau gần 8 năm bền bỉ dạy học, đến nay lớp học của thầy Phục có 22 học trò, trong đó lớp 5 và 8 đều có 1 em, lớp 3 có 7 em, lớp 2 có 6 em, số còn lại là lớp 1. Buổi sáng, thầy Phục tranh thủ đi sớm, lần mò từng bậc thang xuống nơi ở của cư dân dưới bãi biển cách đồn hơn 1 km để đón các em lên học. Em nào nhỏ hay bệnh sẽ được thầy Phục ưu tiên dắt tay hoặc cõng tới lớp.
Dạy học trò nhân cách, lễ nghĩa
Tôi dạy chữ không chỉ xóa mù chữ mà mong muốn các em sau này sẽ được vào đất liền học tập, rồi quay lại đảo giúp đỡ cư dân ở đây phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chỉ có học mới thay đổi cuộc đời các em
Thầy Trần Bình Phục
Khi lớp được hình thành, thầy Phục chưa vội dạy chữ mà dành một năm đầu dạy các em về nhân cách, lễ nghĩa, những điều đơn giản như gặp người lớn phải biết khoanh tay chào, biết tránh chuyện xấu, học theo chuyện tốt…
Trong lớp của thầy Phục có em Đ.Y.Nh (11 tuổi) nhiễm chất độc da cam. Ngày đầu thầy đến vận động Nh. đi học, mẹ em không tin con mình sẽ đọc được chữ, vì Nh. còn không tự lo được cho mình thì nói gì đến chuyện học hành. Với học trò đặc biệt này, hằng ngày thầy Phục cần mẫn, tỉ mỉ dạy riêng cho Nh. Ngày Nh. đánh vần rõ ràng từng chữ, mẹ em đứng ngoài cửa sổ ôm mặt khóc vì thầy Phục đã làm nên điều kỳ diệu.
Thành quả của thầy Phục được đền đáp. Đến nay đảo có hơn 10 học trò vào đất liền học lên cao. Điển hình như em Nguyễn Duy Tuấn được thầy Phục kèm từ năm lớp 8, hiện đang học năm 3 Trường ĐH Bình Dương.
Để khuyến khích học trò, thầy Phục bỏ tiền túi lập quỹ giải thưởng. Em nào ở đất liền học giỏi, được giấy khen sẽ được thầy thưởng vài chục tập vở, bút viết cho năm học mới. Thầy Phục dành phần lớn thời gian những dịp nghỉ phép về thăm nhà để lang thang trong nhà sách, thư viện, tới các trường học xin giáo trình, sách vở, quần áo cho tụi nhỏ ở đảo.
“Tôi đi xin tùm lum nơi. Nhiều khi đi xin cũng bị người ta la rầy nhưng tôi không ngại vì mình xin cho tụi nhỏ chứ có xin cho mình đâu”, thầy Phục cười. May mắn đã mỉm cười với thầy trò khi Hội LHTN VN kết hợp Quỹ Thiện tâm tài trợ một lớp học mới khang trang trị giá 500 triệu đồng được khánh thành vào tháng 8.2016.
“4 tháng xây lớp học là thời gian cực khổ của thầy lẫn trò. Hằng ngày, tôi tranh thủ khuân vật liệu, cát, xi măng, đá… từ dưới bãi lên đỉnh núi cách xa hàng cây số. Tôi bị bệnh, có những ngày làm quá sức nên cả tuần đi tiểu ra máu. Có lúc khó khăn quá khiến tôi muốn bỏ cuộc, bỏ lớp học giữa chừng. Nhưng nhìn những đứa trẻ với khuôn mặt đen sì, ánh mắt tròn đen, long lanh khiến tôi suy nghĩ lại. Chính các em đã kéo tôi ở lại”, thầy Phục tâm sự.
Tặng thầy chai sữa tắm trắng !
Sau bao nhiêu cố gắng, thầy Phục đã thực hiện hai trong ba tâm nguyện: dạy chữ cho các em, dựng được một lớp học khang trang để thầy trò trú nắng mưa. Hiện anh đang vận động xin máy phát điện để phát sáng lớp học, xây thêm nhà vệ sinh, xin thêm sách, truyện để bổ sung cho thư viện nhỏ. Anh bảo học trò đứa nào cũng nghèo nhưng rất mê đọc sách. Thầy phát cuốn nào là tranh nhau đọc ngấu nghiến hết cuốn đó.
Tâm nguyện thứ ba của thầy Phục là tìm cho lớp học một giáo viên được đào tạo bài bản, có trình độ sư phạm để tính chuyện đường dài cho các em.
Thầy Phục kể cách đây vài năm có đoàn khách ra thăm đảo đúng vào ngày Nhà giáo VN (20.11). Khi tới thăm lớp, một nhà báo hỏi các em biết ngày 20.11 là ngày gì không. Không em nào trả lời được. Lúc đó mọi người mới giảng giải 20.11 là ngày ghi nhớ công ơn dạy dỗ của các thầy cô giáo. Sáng hôm sau, học trò đi sớm mang theo chai nước ngọt, bịch kẹo, bịch cà phê, chai dầu gội nhỏ… đến tặng thầy.
“Hôm đó, tôi thấy một cậu học trò đứng tần ngần ở cửa, tay giấu vật gì đó sau lưng. Tôi cười hỏi em có gì tặng thầy? Cậu bé đáp thấy thầy da đen nên nhờ mẹ mua tặng thầy một chai sữa tắm trắng. Tôi nhìn học trò cười vang rồi nói da thầy đen nhưng không cần sữa tắm trắng đâu. Coi như thầy đã nhận món quà nhưng tặng lại con đưa về cho mẹ dùng nhé. Đó là những món quà vô giá mà tôi không bao giờ quên được”, thầy Phục kể về học trò với ánh mắt hân hoan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.