Người trẻ độc thân thu nhập hơn chục triệu/tháng vẫn than 'không đủ sống'

03/01/2017 09:05 GMT+7

Nhiều người trẻ chưa có kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, nhận lương tháng nào “xào” tháng đó, thậm chí rơi vào tình cảnh thiếu thốn triền miên.

Làm việc tại một ngân hàng trên đường Đồng Khởi, TP.Biên Hòa, Đồng Nai, với mức lương hơn 11 triệu đồng/tháng, lại còn sống độc thân, thế nhưng Trung Kiên (26 tuổi) vẫn luôn than “không đủ sống”.

tin liên quan

Người trẻ ra trường lương 2000 USD hoặc 1,8 triệu đồng: Nước mắt cũng lưng tròng!
Em phải học tập và làm việc như thế nào để các nhà tuyển dụng ở đây nhận em vào làm với mức lương khởi điểm 2.000 USD/ tháng?” Nữ sinh Phạm Thị Thanh hỏi.  Thanh Niên đã gặp những người có mức lương vừa ra trường từ 2000 USD trở lên và cả 1,8 triệu đồng để tìm lời giải: lương cao - thấp thì vui hay buồn?
Kiên cho biết có những tháng phải mượn thêm tiền của bạn bè, đồng nghiệp để xài. “Tiền ăn là 3 triệu đồng/tháng, tiền nhà trọ 1 triệu đồng/tháng, chi phí đi lại khoảng 500.000 đồng/tháng, có khi đi đám cưới tiệc tùng khoảng 1 - 2 triệu đồng...”, Kiên nhẩm tính. Sau đó, Kiên trố mắt ngạc nhiên: “Vậy là vẫn còn dư, thế mà chẳng hiểu vì sao luôn thâm hụt”.
Chẳng phải riêng phái nam mới rơi vào cảnh lao đao vì chuyện tiền bạc, không ít bạn nữ làm văn phòng cũng luôn trong tình trạng căng thẳng vì vòng xoáy “cơm, áo, gạo, tiền”.
Nguyễn Thùy Linh (25 tuổi), nhân viên sự kiện cho một công ty giải trí ở Q.1 (TP.HCM), cho biết thời sinh viên ba mẹ chu cấp 4 triệu đồng/tháng nên thiếu thốn là chuyện bình thường, vậy mà giờ đây với mức lương 13 triệu đồng/tháng, chưa kể khoản thu nhập thêm vài triệu đồng nhờ nhận viết bài quảng cáo, mà vẫn cứ... đói thường xuyên.
Thực tế, chuyện của Linh hay Kiên không là chuyện của riêng ai, nhất là đối với dân công sở. Có những người nhận lương xong chưa kịp xài đồng nào đã phải lo trả những khoản nợ vay mượn để chi tiêu trong tháng trước. “Có những tháng vừa nhận cả chục triệu đồng, nhưng sau hai ngày phải... đi mượn tiền để trang trải tiền thuê trọ, tiền ăn”, Thành Sang, nhân viên thiết kế nội thất ở Q.3 (TP.HCM), tâm sự.
Thạc sĩ Cao Thị Thùy Liên, Giám đốc phát triển sản phẩm dịch vụ và đào tạo (Công ty BeRich, TP.HCM), chuyên gia đào tạo những khóa kỹ năng quản lý tài chính cá nhân, kể rằng trong quá trình đi dạy, tư vấn ở các công ty, thường xuyên nghe dân công sở than vãn về tình trạng hụt tiền và căn bệnh “mất kiểm soát chi tiêu”.
Theo bà Liên, quản lý tài chính là kỹ năng cần thiết cho mọi người vì dù muốn dù không, tiền bạc gắn liền với cuộc sống. Tuy nhiên, một bộ phận người trẻ hiện nay vướng phải những sai lầm trong việc tiêu tiền, dẫn đến việc hao hụt thường xuyên. Không ít người lãnh lương là đem chi tiêu dần nếu còn dư mới tiết kiệm, nên thường là không dành dụm lại được gì. Hay phần lớn chi tiêu không cần thiết... Ngoài ra, nhiều người trẻ chưa quan tâm đến lập kế hoạch tài chính dài hạn, nên có thể sẽ gặp tình trạng “thặng dư cục bộ” dư dả trong ngắn hạn nhưng về dài hạn lại thâm hụt.
Hoàng Tuyển, nhân viên văn phòng tại tòa nhà Kumho (Q.1, TP.HCM), nói: “Tháng nào cũng phải mượn tiền xài nên chán ngán vô cùng”. Cũng vì vậy mà dù đã 29 tuổi, Tuyển không dám nghĩ đến việc lập gia đình, bởi “cưới về lấy tiền đâu mà sống. Giờ sống một mình mà còn lo chưa xong, huống gì cưới vợ về phải lo toan đủ điều”. Vì vậy, Tuyển mong muốn biết được những bước cơ bản trong việc lập ra một kế hoạch tài chính hoàn hảo, cũng như cách tiêu tiền hợp lý, quản lý tài chính thông minh... nhằm có thể không rơi vào tình trạng "đói triền miên".
Bà Liên khuyên cần liệt kê những khoản nào, số tiền dự kiến bao nhiêu. Trong tháng khi phát sinh chi tiêu thì chúng ta ghi nhận lại và đối chiếu so với kế hoạch, nếu gần vượt mức dự kiến đặt ra ban đầu thì lưu ý không để lố. Sau khi lãnh lương thì cất riêng ra một khoản dành dụm lại trước, chỉ chi tiêu trong số còn lại. Cần tham khảo tỷ lệ 50-30-20 để phân chia các khoản chi tiêu và dành dụm, từ đó điều chỉnh theo hoàn cảnh và giai đoạn của mỗi người. Trong đó, 50% chi tiêu cho các khoản bắt buộc về nhu cầu cơ bản ăn mặc ở, tiền nhà điện nước..., còn 30% cho các chi tiêu không bắt buộc và 20% dành dụm lại.
Theo bà Liên, người trẻ cần có 2 kế hoạch tài chính. Đó là kế hoạch ngắn hạn (dự định chi tiêu hằng tháng, hằng năm) và kế hoạch dài hạn cho những mục tiêu dài hạn (như mua nhà, quỹ tiền học cho con cái, hưu trí…). Chưa kể cần phải tham khảo và tận dụng các công cụ hiện đại như các ứng dụng theo dõi chi tiêu, dịch vụ tiết kiệm trực tuyến hay tiết kiệm định kỳ để giúp việc quản lý dễ dàng và kỷ luật hơn.
Ý kiến:
“Phải lên kế hoạch chi tiêu hằng tháng, và cũng cần tìm những dịch vụ giá rẻ hơn. Có như vậy mới đủ sống, dành dụm được tiền”. (Kim Cương, nhân viên tại thegioididong.com ở Tiền Giang)
“Đừng để những thói quen cá nhân như tiêu xài phung phí, quá nhiệt tình trong việc chiêu đãi bạn bè, mua sắm bất hợp lý... làm cạn túi tiền của mình. Phải biết chi tiêu thông minh”. (Quốc Bảo, nhân viên IT)
“Đừng mua sắm để tiêu khiển, đua đòi theo những mẫu mã quần áo, điện thoại mới... thì chắc tiết kiệm được một khoản kha khá”. (Hồng Thanh, làm việc tại một khách sạn)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.