Những con đường, cây cầu thanh niên góp sức dựng xây đang kết nối các thôn, bản vùng sâu vùng xa, giúp đồng bào dân tộc thiểu số đi lại, giao thương dễ dàng và mở ra cơ hội vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.
Thanh niên tình nguyện làm đường ở xóm Vay, H.Kim Bôi, Hòa Bình - Ảnh: Phan Hậu |
Phá thế bao vây, cô lập
Mơ ước có cây cầu kết nối giao thông ở xã vùng cao Tân Mỹ (H.Lạc Sơn, Hòa Bình) đã trở thành hiện thực khi cầu Khao được T.Ư Đoàn, Tỉnh đoàn Hòa Bình khánh thành đưa vào sử dụng ngày 11.3 vừa qua.
Cười rạng rỡ nhìn dòng người, xe qua suối Khao trên cây cầu mới, bà Quách Thị Hằng, ở xóm Gò Lăng, kể rằng trước đây khi mới có cầu tạm, gần như năm nào cũng xảy ra tai nạn. Xe máy, xe đạp chạy qua, mặt cầu lát bằng tre nứa bất ngờ sập gãy, cả người và xe rơi xuống suối không còn là chuyện lạ. Mùa mưa, nhiều phen người dân phải huy động anh em, họ hàng ra mò tìm, vớt lại tài sản. Khổ về đường đi lại, người dân đành chịu thiệt thòi. “Nuôi lợn đến khi bán, ở các thôn trung tâm xã giá bán 47.000 đồng/kg nhưng vùng bị suối Khao cô lập, thương lái vào chỉ trả giá từ 44.000 - 45.000 đồng/kg, mỗi con lợn người nuôi chịu thiệt cả trăm nghìn. Khi xây dựng gian nhà, vật liệu mua về từ bao xi măng đến viên gạch cũng bị “đội” giá cao hơn thị trường do đường vận chuyển khó khăn”, bà Hằng nói.
Ông Bùi Văn Kịm, Phó chủ tịch UBND xã Tân Mỹ, cũng thừa nhận: “Dân bị ép giá đủ đường vì hàng hóa phải vận chuyển đi đường vòng xa thêm gần 10 km mới có cầu qua suối”. Cũng theo ông Kịm, có cầu Khao phá thế cô lập từ bao đời nay, người dân không lo bị ghìm giá, ép giá nữa.
Còn anh Quách Thế Ngọc, Bí thư Tỉnh đoàn Hòa Bình, cho biết: “Ở công trình này, hàng trăm thanh niên tình nguyện đóng góp ngày công san ủi mặt bằng, đào đắp các đường dẫn, hỗ trợ thi công ta luy, trồng cây bảo vệ công trình giúp tiết kiệm và làm lợi cho ngân sách hàng trăm triệu đồng”.
Không còn lo đường trơn trượt, xói lở
Còn ở xã Thượng Tiến (H.Kim Bôi), xóm Vay có 50 nóc nhà người Mường nằm chót vót trên núi cao. Bao năm khổ sở đi lại trên con đường lổn nhổn ổ trâu, ổ gà, ngay trong tuần thứ hai của Tháng thanh niên, địa phương phát lệnh cho thanh niên làm đường bê tông. Trực tiếp có mặt ở công trường, Chủ tịch UBND xã Thượng Tiến Đinh Trọng Sinh kể đường lên xóm Vay có từ đầu năm 1960 nhưng chỉ là lối mòn cho người đi bộ và gia súc. Đến năm 2008, xóm Vay nằm trong dự án giảm nghèo, con đường này được mở rộng để ô tô có thể lên thôn. “Nói vậy là theo lý thuyết thôi vì ô tô có lên đây cũng khó khi dốc đứng, mặt đường gồ ghề đá hộc. Trời mưa, đường trơn tuồn tuột, lái xe không dám xuống dốc. Còn xe máy muốn lên thôn phải dùng xích cuốn, bọc lốp xe tăng độ bám, bánh xe mới nhích lên được”, ông Sinh kể.
Ông Đinh Trọng Sinh ghi nhận thanh niên là lực lượng lao động nòng cốt trong các công trình công ích xã hội ở địa phương. 3/5 tuyến đường bê tông ở thôn, xóm có thanh niên tình nguyện góp sức thi công, vốn ngân sách chỉ hỗ trợ mua xi măng, cát sỏi và thuê máy móc san ủi mặt bằng. Ngoài ra, 2/5 thôn, xóm có công trình điện thắp sáng làng quê, do thanh niên lắp đặt dây điện, bóng đèn từ nguồn vận động xã hội hóa. Những công trình, phần việc thanh niên đã giúp xã vùng cao Thượng Tiến có diện mạo khang trang, văn minh hơn.
Mỗi công trình tiết kiệm hàng trăm triệu đồng
Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cho biết điểm khác biệt giữa dự án xây cầu của T.Ư Đoàn triển khai theo đề án Thủ tướng phê duyệt so với các công trình bên ngoài, là vốn ngân sách chỉ đầu tư vào hạng mục chính. Đoàn thanh niên ở địa bàn có dự án triển khai sẽ tổ chức các đội thanh niên tình nguyện đóng góp ngày công, đảm nhận thi công hai bên đường dẫn lên cầu và các hạng mục phụ khác. Qua tính toán ở các dự án triển khai theo phương thức mới này, mỗi công trình có thể tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng nên cùng một gói ngân sách được cấp nhưng T.Ư Đoàn sẽ tổ chức xây dựng được nhiều công trình hơn cho bà con nhân dân ở địa bàn nông thôn, miền núi.
|
Bình luận (0)