Nữ 9X xinh đẹp bị ung thư máu: Mơ 1 ngày làm cô giáo xoa đầu trẻ

20/12/2016 10:02 GMT+7

Em đạt danh hiệu học sinh khá giỏi suốt 12 năm liền và được thầy cô tin tưởng giao cho vị trí lớp trưởng. Dù bệnh tật nhưng nữ sinh 9X luôn dặn lòng: 'Phải cố gắng, không được bỏ cuộc, dù cho còn một ngày cũng phải cố gắng. Cuộc sống còn nhiều điều tươi đẹp mà mình chưa được biết lắm!'

Phạm Thị Huỳnh Nga (sinh năm 1997) là con gái đầu trong gia đình có 2 chị em gái ở xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. So với bạn bè đồng trang lứa, cuộc sống của Nga khó khăn và nhiều thiệt thòi.

Sau khi ba mẹ ly hôn, Nga và em gái sống nhờ nhà bà ngoại. Em lớn lên bằng những bữa cơm đạm bạc từ đồng lương công nhân may ít ỏi của mẹ. Nhưng đó chưa phải tận cùng của khó khăn.

Năm 2014, sau nhiều lần Nga bị sốt cao và đau chân dữ dội, bác sĩ bệnh viện Mỹ Tho chẩn đoán Nga mắc bệnh ung thư máu. Em được chuyển lên bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) để tiếp tục điều trị.

VIDEO: Giấc mơ làm cô giáo của Nga vẫn luôn cháy bỏng

Mẹ Nga, chị Lê Thị Ngọc (38 tuổi) suy sụp khi biết bệnh tình của con. Chị bỏ hết công việc ở xưởng may, tức tốc đón xe lên TP.HCM với con. Nhắc về những ký ức buồn, người mẹ lam lũ trào nước mắt vì thương con, thương thân.

Mơ mặc áo dài, làm cô giáo mầm non

Chúng tôi gặp Nga khi em và mẹ vừa vượt quãng đường gần 100 cây số từ Tiền Giang lên bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5, TP.HCM) làm thủ tục nhập viện, chuẩn bị cho đợt vô thuốc liều cao sắp tới.

Nga ngồi co ro trên giường bệnh trong bộ quần áo bệnh nhân màu xanh. Gương mặt còn nguyên sự mệt mỏi. Nga được mẹ mua cho băng-ca để nằm riêng nhưng cô bé vẫn vật vã vì say xe.

Hơi thở đều đều và những tiếng cựa mình đầy khó nhọc của bệnh nhân trong căn phòng số 7 khiến những người mới đến cảm thấy bối rối xen lẫn ái ngại. Ngăn cách giữa những đớn đau của họ và thế giới hối hả bên ngoài là một khung cửa sổ lớn, ngập nắng.

Nga ngồi xếp bằng trên giường. Tay chân em chi chít những vết tiêm. Em nói thật nhỏ nhưng cũng đủ xé tan bầu không khí nặng trĩu: “Bệnh tật khiến em tiều tụy đi nhiều. Một bên tai bị ù không nghe được. Ngày mới phát bệnh em sụt đến hơn 10 ký, không đi đứng được, da vàng vọt, giờ thì đỡ hơn rồi. Bạn bè cũ lâu ngày gặp lại chắc không còn nhận ra nữa…”.

Sau hơn 1 năm điều trị bệnh ung thư, tay chân tay Nga chi chít những vết tiêm Ảnh Lê Ái

Trước khi bị căn bệnh ung thư hành hạ, Nga là cô gái nổi bật cả về ngoại hình lẫn thành tích học tập. Em đạt danh hiệu học sinh khá giỏi suốt 12 năm liền và được thầy cô tin tưởng giao cho vị trí lớp trưởng. 9X hăng hái tham gia các hoạt động ngoại khóa của đoàn và là gương mặt sáng được lựa chọn xuất hiện trong các sự kiện lớn, nhỏ do nhà trường tổ chức.

Thấy Nga vượt khó ham học, chị Ngọc thầm đặt vào đứa con gái xinh đẹp những kỳ vọng nhỏ bé của đời mình. Nga mơ ước sau khi tốt nghiệp cấp 3 có thể theo học ngành giáo viên mầm non.

tin liên quan

Rơi lệ trước chuyện tình 7 năm của cô gái ung thư máu
'Có anh ở đây cùng chiến đấu với em, em không được bỏ cuộc, không bao giờ tuyệt vọng. Hãy sống thật can trường vì gia đình và cả vì anh nữa...', câu nói của người yêu vực Hằng dậy giữa bi kịch lớn nhất đời mình.

Trong một tích tắc ngắn ngủi, cô gái 19 tuổi chợt quên đi mọi đau đớn bệnh tật. Nga vui vẻ nói: “Hồi học xong cấp 3, em và đứa bạn thân rủ nhau học ngành cô giáo mầm non vì chúng em rất thích con nít. Trong những giấc mơ trên giường bệnh, thỉnh thoảng em thấy mình một lần nữa khoác lên người chiếc áo dài trắng, tung tăng với bạn bè như ngày xưa”.

'Em mong sao mình có cuộc sống bình thường bên mẹ và em gái', Nga nói Ảnh Lê Ái 

“Tuần nào được xuất viện về nhà, em thường nhờ các bạn hoặc thầy chủ nhiệm chở đến thăm trường cũ. Ngồi trong khuôn viên nhiều cây xanh, ngắm lớp học và được nói chuyện với các thầy cô, em thấy mình khỏe hơn rất nhiều”, Nga tiếp lời.

Những đợt hóa trị kéo dài hàng tuần liền với chi phí tốn kém khiến kinh tế gia đình Nga khánh kiệt. Bệnh tật cột chặt cô gái trẻ vào giường bệnh và những mũi tiêm đau đớn ngăn bước chân em tiến vào giảng đường. Mơ ước được bay nhảy trong khung trời tuổi trẻ của Nga giờ thu bé lại bằng hai chữ  bình yên.

“Em chỉ mong sao mình có cuộc sống bình thường bên mẹ và em gái, nghèo cũng được miễn là không còn bệnh tật”, giọng Nga thỏ thẻ, mắt cố không chớp để ngăn những giọt lệ.

Kiên cường vì cuộc sống tươi đẹp đang chờ

Với những người mắc bệnh ung thư như Nga, ngoài đau đớn và mệt mỏi, họ còn phải học cách chung sống với nỗi sợ. Nga sợ những lần vô thuốc cả tuần liền không ăn uống được gì, sợ cơn nôn ói làm trời đất đảo lộn, cơ thể như bị hút cạn sinh lực, sợ mùi thức ăn từ những hộp cơm nấu vội mẹ mua trước cổng bệnh viện.

Nhưng điều khiến Nga sợ nhất là khi thấy giọt nước mắt của mẹ trong những đêm dài thao thức nơi phòng bệnh; là lúc trong nhà không còn thứ gì đáng giá để bán, mẹ phải ngửa tay vay mượn khắp nơi; là nỗi tủi thân của mẹ khi nhắc về người đàn ông bỏ mặc con gái bệnh tật xây đắp hạnh phúc mới.

tin liên quan

Công bố với thế giới cách điều trị ung thư mới
Suốt 10 năm qua, tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ (34 tuổi, cựu sinh viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM) đã dành nhiều tâm huyết nghiên cứu hướng điều trị ung thư mới: sử dụng vi khuẩn thay cho hóa trị, xạ trị.

“Lúc mới phát bệnh, mẹ nói em chỉ bị thiếu máu. Đêm đến, em phát hiện mẹ cứ ngồi nhìn mình khóc hoài thì em biết mình bị bệnh nặng. Để lo cho em, mẹ nghỉ việc ở xưởng may, ngày đêm túc trực ở bệnh viện. Từ hổm rày, em sống và điều trị bệnh nhờ tiền của các nhà hảo tâm, bà con chòm xóm gửi cho. Không có số tiền đó em cũng không biết mình sống sao nữa”, Nga nói mà như mếu.

Chị Ngọc nghỉ việc ở quê, ngày đêm túc trực bên giường bệnh con  Ảnh Lê Ái
Hồi trước, em và những người bạn cùng điều trị hứa với nhau ráng cố gắng vượt qua bệnh tật. Nhưng đến giờ, các chị từ từ đi hết, chỉ còn một mình em nên nhiều lúc em cũng sợ và buồn. Sau tất cả, em chỉ còn biết cố gắng cười nói thật nhiều cho mẹ đỡ lo và để bệnh tật không có cơ hội ăn hiếp mình
Nữ sinh Huỳnh Nga
Trong căn phòng bệnh này, Nga chứng kiến sự ra đi của nhiều người bạn, người chị. Họ cũng là bệnh nhân ung thư, đến đây để điều trị và tìm kiếm một cơ hội sống dù là mong manh.
Nga bộc bạch: “Hồi trước, em và những người bạn cùng điều trị hứa với nhau ráng cố gắng vượt qua bệnh tật. Nhưng đến giờ, các chị từ từ đi hết, chỉ còn một mình em nên nhiều lúc em cũng sợ và buồn. Sau tất cả, em chỉ còn biết cố gắng cười nói thật nhiều cho mẹ đỡ lo và để bệnh tật không có cơ hội ăn hiếp mình”.

Không chỉ dặn lòng phải kiên cường để “bệnh tật không ăn hiếp” mình, từ tận cùng của khó khăn, Nga nhận ra: “Phải cố gắng, không được bỏ cuộc, dù cho còn một ngày cũng phải cố gắng. Cuộc sống còn nhiều điều tươi đẹp mà mình chưa được biết lắm!”.

Tâm sự về bệnh tình của con, chị Lê Thị Ngọc nhiều lần bật khóc. Với chị, những đêm nằm ngủ dưới sàn gạch lạnh của bệnh viện hay khi cố nuốt vội chén cơm đi xin của bệnh viện không xá gì so với những đau đớn con trẻ đang gánh chịu.

Ước mơ lớn nhất của người mẹ nghèo là con chóng khỏi bệnh, thực hiện được ước mơ làm cô giáo Ảnh Lê Ái

Chị Ngọc nói: “Lúc nào nó đau là mình đau, lúc nào nó khỏe là mình khỏe. Thấy con mình bị vậy mình chịu không nổi mà cũng không biết làm sao. Có lắm lúc cũng mệt mỏi cũng muốn buông xuôi nhưng mà không ai gánh vác phụ mình nên mình phải ráng. Khi Nga đổ bệnh, tôi cũng theo động viên con dữ lắm, bởi xung quanh nó đâu còn ai. Bác sĩ nói Nga có khả năng ghép tủy, nghe thì cũng mừng nhưng rồi cũng buồn vì tôi biết lấy đâu ra tiền để lo. Ước mơ lớn nhất của tôi là có tiền chữa bệnh cho con, con khỏe lại và thực hiện được ước mơ của nó là tôi mừng lắm rồi!”.

Chỉ một lần đứng trên bục giảng, một lần được nhìn thấy các học sinh bé thơ nô đùa. Đó là tất cả những hình ảnh mà cô nữ sinh học giỏi này hay nghĩ đến trong quá trình chống chọi với bệnh tật.
Liệu giấc mơ của Nga có thành hiện thực? Thanh Niên sẽ cùng đồng hành với cô học trò nhiều nghị lực này và một điều bất ngờ sẽ đến vào ngày mai 21.12.2016 dành cho Nga và bạn đọc của Báo Thanh Niên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.