Trào lưu 'câu like' đến mất trí: Gia đình mặc kệ, nhà trường 'bó tay'
'Gia đình này ai cũng có khả năng chịu được sức ép của dư luận, miễn là đừng có chạm vô da thịt, còn ai nói gì kệ họ. Nó làm gì nó làm ngoài đường, miễn nó quay về nhà là được rồi!', người nhà của Nguyễn Tiến nói.
Tự động phát
Gõ cụm từ “câu like” vào công cụ tìm kiếm Google, chưa đầy 1 giây, bạn sẽ có hơn 23 triệu kết quả. Ngoài việc bịa chuyện để ‘câu’ lượt follow (theo dõi) trên Facebook, bạn trẻ còn nghĩ ra đủ trò khác để câu like, như “nói là làm”, "tắm tiền" hay nhận vơ những món đồ sang chảnh của người khác là của mình. |
‘Miễn nó quay về nhà là được!’
Nguyễn Tiến, người tẩm xăng tự thiêu để câu like, không có một gia đình hay mái nhà đúng nghĩa. Cậu thường ngủ lại nhà trọ của bạn bè chơi chung hội. Thỉnh thoảng, Tiến tạt ngang nhà ngoại, nơi có 3 hộ gia đình đang sinh sống, để tìm kiếm chút cảm giác được quây quần.
T. (28 tuổi, anh họ của Tiến), vui khi thấy Nguyễn Tiến dẫn bạn về nhà chơi. Từ lâu, mỗi khi muốn gặp Tiến, họ phải gọi điện thoại hẹn trước hoặc ra thẳng chỗ trọ của cậu đang sống để tìm. Những người trong gia đình bao gồm anh họ, mợ, các cháu nhỏ coi “Nguyễn Tiến - nói là làm” như một "thần tượng", nhân vật nổi tiếng.
|
|
Ngày Tiến lên Facebook tuyên bố nếu đủ 40.000 like sẽ tẩm xăng tự thiêu, cả nhà hoang mang nhưng không ai ngăn được đứa em, đứa cháu ngỗ ngược.
“Anh đọc mà không dám tin. Trước khi làm chuyện đó, nó cắt đứt liên lạc với gia đình, bạn bè trong vòng mấy ngày. Mẹ nó cũng không tìm ra nó. Cả nhà ai cũng lo lắng nhưng không dám nghĩ đến kết cục xấu. Cũng may, nó không sao”, T. hú vía.
|
T. vô tư thuật lại cảnh em mình tưới xăng vào người. Mấy người mợ, chị dâu ngồi quanh cũng nhao nhao bàn luận theo. Việc Tiến an toàn trở về sau lần tẩm xăng tự thiêu như một “chiến tích”. Anh T. buông thõng câu nói: “Nó làm gì nó làm chứ sao giờ, nó lớn rồi!”
|
Nhà trường "chịu thua"
Ông Phạm Đình Lâm, Hiệu trưởng trường THCS Phạm Ngũ Lão (thị xã Ninh An, tỉnh Khánh Hòa) bày tỏ sự quan ngại khi nói về những ảnh hưởng của trào lưu xấu trên mạng xã hội tới nhận thức, hành vi của các học sinh.
Vị hiệu trưởng của ngôi trường “bỗng dưng nổi tiếng” vì trò "đủ 1.000 like là đốt trường" vào đầu tháng 10 nhấn mạnh: “Chúng tôi đang cố gắng lồng ghép những kỹ năng cần thiết để sử dụng Facebook đúng cách vào các môn tin học, giáo dục công dân. Trong các buổi nói chuyện dưới cờ, thầy cô luôn nhắc nhở học sinh nâng cao ý thức khi sử dụng và đăng tải nội dung lên mạng xã hội”.
|
Tuy nhiên, nỗ lực của nhà trường cũng chỉ là một đóng góp nhỏ trong hành trình định hướng nhân cách của mỗi con người. Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy (Trung tâm đào tạo và chăm sóc tinh thần Ý tưởng Việt) chia sẻ: “Khi trẻ hư, chúng ta có thể trách các em, trách xã hội, trách giáo viên nhưng người phải nhận sự trách móc đầu tiên phải là các bậc phụ huynh”.
“Với những ca này, nhà trường cực kỳ khó thuyết phục các em quay trở lại trường. Mỗi năm, chúng tôi đành chấp nhận có 1 hoặc 2 em nghỉ học vì lý do: bị cha mẹ bỏ mặc. Chính gia đình, mẹ cha cũng không quan tâm đến các em thì người ngoài như thầy cô giáo chẳng thể làm gì hơn. Tiếng nói và nỗ lực của chúng tôi không thể sánh bằng sự quan tâm của những bậc phụ huynh. Đây là những trường hợp mà nhà trường đành phải chịu thua!”, ông Lâm nói.
Cũng trên khía cạnh gia đình, thạc sĩ tâm lý Nguyễn Ngọc Duy nhận định, đa số bạn trẻ thích thể hiện trên mạng xã hội thường là người sống thiếu tình cảm gia đình và thường ít được quan tâm, chia sẻ.
“Ai cũng có nhu cầu được chia sẻ. Khi không được thỏa mãn những nhu cầu đó, bạn trẻ sẽ có xu hướng lên mạng xã hội để bày trò cuốn hút người khác. Việc làm này giúp họ bù đắp lại những thiếu hụt về mặt cảm xúc trong các mối quan hệ gia đình. Khi gia đình tan vỡ, cha mẹ không chỉ có trách nhiệm đảm bảo cho con có cuộc sống đầy đủ về kinh tế, giáo dục và sự quan tâm mà còn phải đặt tiêu chí bồi đắp tình thương lên đầu, phải yêu thương nhiều hơn nữa”.
"Nếu thật sự họ muốn góp ý để em tốt lên, họ nên nói sao có lý có tình để em hiểu và thay đổi. Hầu hết mọi người đều hùa theo số đông để chửi rủa mà đâu biết cảm giác của người nghe thế nào. Thậm chí, có người còn lợi dụng việc chửi giỏi, chửi hay trên Facebook để nổi tiếng, bất luận việc làm đó là đúng hay sai. Lời lẽ buông ra càng độc ác, càng đanh đá thì càng có nhiều người ‘follow’ (theo dõi)”, V.T.N.N, một cô gái từng bị "ném đá" hội đồng trên mạng, tâm sự. Mời bạn đọc đón xem bài tiếp theo trong #CÂU LIKE |
Bình luận (0)