Sự phát triển của khoa học kỹ thuật đã làm thay đổi bộ mặt các cuộc chiến tranh và khái niệm về sức mạnh quân đội. Nếu như ngày trước, sức mạnh của một quân đội thường được đánh giá theo số lượng quân nhân, thì trong kỷ nguyên hiện đại, các phương tiện chiến tranh công nghệ cao được coi là thước đo “cơ bắp”.
Ngân sách quốc phòng của các nước, vì thế, chủ yếu được dùng vào việc chế tạo và mua sắm vũ khí. Theo thông tin của hãng tư vấn an ninh Datamonitor có trụ sở tại Anh, hiện nay chi phí cho nhân sự chỉ chiếm 40% trên tổng chi tiêu quốc phòng toàn cầu, và tỷ lệ này có xu hướng ngày càng nhỏ lại, đồng nghĩa với số tiền chi cho việc mua sắm vũ khí ngày càng lớn hơn.
Không ngừng tăng
Các số liệu thống kê do Datamonitor công bố cho thấy chi tiêu quốc phòng đang có xu hướng tăng mạnh trong thời gian gần đây và sẽ tiếp tục tăng trong vài năm tới, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu với hàng loạt cường quốc rơi vào suy thoái. Cụ thể, chỉ tính riêng năm 2007, chi tiêu quốc phòng của toàn thế giới là 1.140,5 tỉ USD, tăng 8,4% so với năm trước đó. Con số này sẽ tiếp tục tăng, đạt 1.527,6 tỉ USD vào năm 2012.
Một báo cáo của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh cũng cho thấy những biến chuyển ngoạn mục trong chi tiêu quốc phòng toàn cầu. Theo IISS, trong năm 2008, Mỹ vẫn đứng đầu thế giới với ngân sách quốc phòng là 374 tỉ USD, nhưng phần còn lại của thế giới thì đã có nhiều thay đổi, trong đó đáng chú ý là châu Á đã qua mặt các thành viên NATO ở châu u về chi tiêu quốc phòng. Cụ thể, chi tiêu quốc phòng của châu Á vào năm ngoái là 173 tỉ USD, còn các thành viên NATO ở châu u là 144 tỉ USD. Năm nay, dự kiến con số này sẽ còn tiếp tục tăng nữa, sau khi hàng loạt quốc gia đã tuyên bố các kế hoạch đầy tham vọng trong việc tăng cường sức mạnh quân đội.
Thống kê của các hãng tư vấn quốc tế trùng khớp với thông tin từ các tập đoàn sản xuất vũ khí lớn. Tuần qua, trong phát biểu tại một hội nghị an ninh châu Á - Thái Bình Dương ở Singapore, ông James Albaugh, chủ tịch của Boeing Integrated Defense Systems – công ty con chuyên về sản xuất thiết bị không gian và quân sự của Tập đoàn Boeing, đã nhận định rằng các nước trên thế giới sẽ tiếp tục tăng cường mua vũ khí. AFP dẫn lời ông Albaugh: “Châu Á và khu vực Trung Đông sẽ chứng kiến sự gia tăng mạnh nhất trong chi tiêu quốc phòng”. Điều này xuất phát từ những chuyển động căng thẳng ở các khu vực trên.
Hiện đại hóa hải quân là một ưu tiên của Úc - Ảnh: RAN |
Chi tiêu của các đại gia
Trong xu hướng tăng trưởng không ngừng của chi tiêu quốc phòng toàn cầu, Mỹ vẫn giữ vị trí số 1. Theo IISS, ngân sách quốc phòng của Mỹ vào năm 2008 là 374 tỉ USD; còn năm 2009 sẽ là 515,4 tỉ USD. Có thể nói chi tiêu quốc phòng của Mỹ gần bằng tổng ngân sách quốc phòng của cả thế giới cộng lại. Điều đáng nói là con số trên không bao gồm ngân sách cho nhiều lĩnh vực liên quan đến quân sự, như vũ khí hạt nhân, chi phí cho vấn đề cựu chiến binh, lãi suất của các khoản nợ từ các cuộc chiến tranh trong quá khứ cũng như hai cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan mà Mỹ đang tham gia. Ở Mỹ, ngân sách cho vũ khí hạt nhân do Bộ Năng lượng quản lý còn các vấn đề cựu chiến binh thì do Bộ Cựu chiến binh phụ trách. Bộ An ninh nội địa cũng quản lý một ngân sách khổng lồ cho nhiều vấn đề liên quan đến quốc phòng.
Chính quyền của Tổng thống Barack Obama hiện đã có những thay đổi mang tính chiến lược trong lĩnh vực quân sự so với chính phủ tiền nhiệm. Theo đó, Mỹ tập trung vào các lĩnh vực như chống khủng bố, cướp biển, chống lực lượng du kích nổi loạn, hơn là chỉ chống lại quân đội của các quốc gia đối địch. Các chương trình phát triển vũ khí, sự phân bổ ngân sách quốc phòng cho các hạng mục cụ thể... theo đó cũng có nhiều thay đổi.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc luôn là vấn đề khiến dư luận quan tâm. Hãng tin Bloomberg vào ngày 4.3 cho hay Trung Quốc đã công bố ngân sách quốc phòng cho năm 2009 tương đương với 70,3 tỉ USD, tăng 14,9% so với năm trước đó. Điều này có nghĩa là Trung Quốc chỉ đứng sau Mỹ trong vấn đề chi tiêu quốc phòng.
Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng trung bình 16,2% mỗi năm từ năm 1999 đến 2008, theo số liệu từ Sách trắng Trung Quốc 2008 được công bố hồi tháng 1 năm nay. Trong đó, năm 2006 có sự tăng trưởng cao nhất, tăng 20,4% so với năm trước đó. Điều đáng chú ý là các đánh giá từ phương Tây thường hoài nghi vào con số mà chính quyền Bắc Kinh công bố. IISS nhận định chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc trên thực tế có thể cao hơn 70% so với con số được công bố chính thức. Trong khi Phát ngôn viên Quốc hội Lý Triệu Tinh, tại một cuộc họp báo hồi tháng 3, nói rằng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc trong năm 2009 chiếm khoảng 1,4% GDP, thì số liệu của CIA lại cho rằng con số này phải là 4,3% GDP. Hiện chi tiêu quốc phòng của Mỹ tương đương 4,1% GDP.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang tăng cường sức mạnh quân sự một cách ráo riết, nhiều nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương cũng đã có những bước đi của riêng mình. Hồi tháng trước, Chính phủ Úc đã công bố Sách trắng, trong đó cho biết sẽ chi hơn 72 tỉ USD để hiện đại hóa quân đội trong vòng 10 năm tới. Nhật Bản cũng luôn giữ mức chi tiêu quốc phòng khoảng từ 40 đến gần 50 tỉ USD mỗi năm trong thời gian 5 năm trở lại đây, theo báo cáo của CIA. Sau khi Nhật Bản chính thức có bộ quốc phòng vào đầu năm 2007 cùng với những diễn biến phức tạp ở vùng Đông Á, giới phân tích dự báo rằng ngân sách quốc phòng của xứ hoa anh đào sẽ tăng đáng kể trong những năm tới. Ngân sách quốc phòng của Nga trong năm 2009 là 39,5 tỉ USD, con số này tuy không lớn bằng các nước đã được đề cập ở trên, nhưng vẫn là một khoản khổng lồ.
Lĩnh vực ưu tiên
Hải quân là một trong những lĩnh vực được ưu tiên nhất trong các kế hoạch hiện đại hóa quân đội của nhiều nước. Chẳng hạn Sách trắng 2009 của Úc cho hay, với khoản chi hơn 72 tỉ USD cho 10 năm tới, xứ sở kangaroo sẽ mua thêm 3 tàu khu trục trang bị tên lửa phòng không tầm xa SM-6, 8 tàu khu trục nhỏ với hệ thống phát hiện tàu ngầm tầm xa, 12 tàu ngầm mới để thay thế cho 6 tàu ngầm hiện tại, ít nhất 24 trực thăng chiến đấu chuyên dụng cho hải quân, nhiều tàu đổ bộ, tàu chiến cao tốc...
Ngân sách quốc phòng khổng lồ của Trung Quốc cũng dành một phần rất lớn để phát triển hải quân, trong đó có việc phát triển các thế hệ tàu ngầm có trang bị tên lửa đạn đạo, các loại tàu khu trục, tàu tuần dương và máy bay phục vụ cho chiến đấu trên biển. Hồi đầu năm nay, Tân Hoa xã dẫn lời một quan chức Trung Quốc cho biết nước này đang cân nhắc việc xây dựng tàu sân bay.
Phát triển hải quân cũng được ưu tiên tại hàng loạt nước khác, như Ấn Độ, Nga, Nhật Bản, và tất nhiên là cả Mỹ nữa. Điều này cho thấy tranh chấp trên biển, bảo vệ an ninh cho hoạt động hàng hải, đánh cá, việc khai thác tài nguyên biển... sẽ là chủ đề an ninh quốc tế chủ đạo trong thời gian tới. Khi biên giới trên bộ đã gần như đi vào ổn định, đại dương trở thành khu vực thu hút sự quan tâm của thế giới, vì ở đó có quá nhiều tranh chấp chưa được giải quyết, có quá nhiều nơi chưa được khám phá.
Bên cạnh hải quân, không quân và các phương tiện công nghệ cao để phục vụ cho chiến tranh điều khiển cũng là những hạng mục được các nước quan tâm đặc biệt.
Đỗ Hùng
Bình luận (0)