Thế giới vừa ghi nhận tháng 6 nóng nhất lịch sử

07/07/2023 08:21 GMT+7

Tháng trước là tháng 6 nóng nhất từng được ghi nhận trên toàn cầu, với nhiệt độ cao bất thường cả ở đất liền và biển, theo các nhà khoa học châu Âu.

Thế giới vừa ghi nhận tháng 6 nóng nhất lịch sử - Ảnh 1.

Một người đi dưới trời nắng ở Bắc Kinh (Trung Quốc) hôm 29.6

REUTERS

Bộ phận giám sát khí hậu thuộc Copernicus, chương trình quan trắc Trái đất của Liên minh Châu Âu (EU), ngày 6.7 cho biết tháng 6.2023 đã phá vỡ kỷ lục trước đó về nhiệt độ tháng 6 - được ghi nhận vào năm 2019 - với sự chênh lệch đáng kể, theo Reuters.

Trong một tuyên bố, Copernicus cho hay nhiệt độ trong tháng 6 vừa qua cao hơn 0,53 độ C so với mức trung bình nhiệt độ tháng 6 trong giai đoạn 1991-2020, trên phạm vi toàn cầu. Nhiệt độ tháng 6 trong 30 năm đó trung bình là 16,51 độ C, theo tính toán của nhà khoa học Julien Nicolas của Copernicus.

"Tháng 6.2023 (nhiệt độ) cao hơn nhiều so với những tháng khác. Đây là sự bất thường mà chúng ta không quen thuộc", AFP dẫn lời ông Nicolas.

Ngày nóng nhất thế giới ảnh hưởng cả ngôi làng lạnh nhất thế giới

Nắng nóng bao trùm nhiều khu vực trên thế giới giữa lúc tình trạng biến đổi khí hậu tạo ra các kỷ lục mới về nhiệt độ toàn cầu và các hình thái thời tiết ngắn hạn cũng thúc đẩy sự thay đổi nhiệt độ.

Nhiệt độ trên mức trung bình đã được ghi nhận ở một loạt quốc gia bao gồm Ấn Độ, Iran, Canada, trong khi nắng nóng cực đoan ở Mexico vào tháng trước khiến hơn 100 người thiệt mạng và Bắc Kinh (Trung Quốc) ghi nhận ngày nóng nhất trong tháng 6 từ khi có thống kê.

Các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu kết hợp với sự xuất hiện của El Nino - hiện tượng khiến lớp nước bề mặt ở phía đông và trung tâm Thái Bình Dương ấm lên đột ngột - đã dẫn đến những kỷ lục về nhiệt độ gần đây.

Joeri Rogelj, giáo sư về khoa học khí hậu tại Viện Grantham thuộc Đại học Hoàng gia London, cho biết: "Kỷ lục này không có gì đáng ngạc nhiên và là minh chứng cho thấy biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ đáng lo ngại".

"Khi hiện tượng El Nino tăng tiến hơn nữa trong những tháng tới, không có gì ngạc nhiên khi nhiều kỷ lục nhiệt độ toàn cầu bị phá vỡ", ông nói.

Hôm 4.7, thế giới đã ghi nhận ngày nóng nhất trong lịch sử, vượt qua kỷ lục được thiết lập chỉ một ngày trước đó hôm 3.7, theo dữ liệu của Copernicus. Bắc Phi, Trung Quốc và các khu vực khác oằn mình dưới cái nắng như thiêu đốt.

Các nước giàu thông qua 100 tỉ USD giúp nước nghèo đối phó biến đổi khí hậu

Copernicus cho biết nhiệt độ nước biển toàn cầu cũng tăng lên mức kỷ lục mới trong tháng 6, với những đợt nắng nóng cực đoan trên biển được ghi nhận xung quanh Ireland, Anh và biển Baltic. Phân tích của cơ quan này dựa trên hàng tỉ phép đo từ vệ tinh, tàu thuyền, máy bay và trạm quan trắc thời tiết.

Copernicus cũng tiết lộ băng trên biển ở Nam Cực trong tháng 6 vừa qua đã giảm xuống mức thấp nhất đối với tháng này theo dữ liệu vệ tinh, dưới mức trung bình 17%.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.