Tổng cộng 175 nước đã ký vào hiệp định chống biến đổi khí hậu vào ngày 22.4 tại trụ sở đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, Mỹ.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon phát biểu tại buổi lễ ngày 22.4 - Ảnh: Reuters |
Tổng thống Pháp Francois Hollande là người đầu tiên đặt bút ký vào bản hiệp định, tiếp theo đó là lãnh đạo của các nước bị biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề nhất, theo AFP ngày 22.3.
Đây là buổi ký kết lịch sử cho một thoả thuận tầm quốc tế. Thoả thuận khung được các nước cam kết tại Paris (Pháp) hồi 4 tháng trước, là bước đầu tiên để ràng buộc các nước phải cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói rằng đây là thời khắc lịch sử: “Hôm nay, các bạn đang ký kết một hiệp định mới cho tương lai”.
|
Hiệp định Paris sẽ có hiệu lực khi 55 nước thải ra 55% lượng khí thải toàn cầu phê chuẩn. Theo AFP, tổng lượng khí thải mà các nước tham gia ký hiệp định Paris ngày 22.4 là 93%.
Tổng thống Hollande cho biết quốc hội Pháp sẽ thông qua trong vài tháng tới và kêu gọi 28 nước EU làm gương, phê chuẩn thoả thuận chống biến đổi khí hậu này trước cuối năm 2016.
Trung Quốc và Mỹ cũng tuyên bố sẽ phê chuẩn trong năm nay để thoả thuận có thể có hiệu lực vào cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017.
|
Phát biểu tại buổi lễ, tài tử đồng thời là một nhà hoạt động vì môi trường Leonardo DiCaprio kêu gọi các lãnh đạo hành động: “Cả thế giới đang dõi theo. Các bạn sẽ được các thế hệ tương lai ca ngợi, hoặc sẽ bị họ phỉ báng”.
Thoả thuận Paris được 195 nước đồng ý đặt mục tiêu hạn chế việc làm ấm lên toàn cầu ở dưới mức 2 độ C và gia tăng sử dụng năng lượng sạch.
Tháng 3 vừa qua được đánh giá là tháng 3 nóng nhất trong lịch sử, và năm 2016 được dự đoán là năm mà nhiệt độ toàn cầu tăng kỷ lục. Hiện tượng El Nino đang gây ra sức tàn phá nặng nề với nạn hạn hán, lũ lụt và bão mạnh.
Buổi lễ ký kết này được xem là thành tựu của ông Ban Ki-moon, người đã thúc đẩy thoả thuận này trong suốt nhiệm kỳ làm Tổng thư ký LHQ.
Bình luận (0)