Các nhà lãnh đạo phát biểu gì tại COP-21 ở Paris?

01/12/2015 12:03 GMT+7

Các nhà lãnh đạo đang tham dự hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu ở Paris (COP-21) đã khẳng định sự cần thiết phải hành động trước thách thức toàn cầu này.

Các nhà lãnh đạo đang tham dự hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu ở Paris (COP-21) đã khẳng định sự cần thiết phải hành động trước thách thức toàn cầu này.

Tổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định: "Mối đe dọa ngày càng tăng từ biến đổi khí hậu có thể định hình những chuyển động của thế kỷ này nhiều hơn bất kỳ thách thức nào khác" - Ảnh: ReutersTổng thống Mỹ Barack Obama khẳng định: "Mối đe dọa ngày càng tăng từ biến đổi khí hậu có thể định hình những chuyển động của thế kỷ này nhiều hơn bất kỳ thách thức nào khác" - Ảnh: Reuters
Khoảng 150 nhà lãnh đạo và 40.000 đại biểu từ 195 nước trên thế giới đã tham dự Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) ở thủ đô Paris của Pháp kéo dài suốt 12 ngày. Tại ngày hội nghị đầu tiên 30.11, nhiều nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh sự cần thiết phải chung tay hành động để ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ Trái đất và sự sống.
Dưới đây là tổng hợp một số phát biểu của các nhà lãnh đạo thế giới tại ngày khai mạc COP21:
Tổng thống Mỹ Barack Obama: "Mối đe dọa ngày càng tăng từ biến đổi khí hậu có thể định hình những chuyển động của thế kỷ này nhiều hơn bất kỳ thách thức nào khác. Như một trong những thống đốc của nước Mỹ từng nói chúng ta là thế hệ đầu tiên cảm nhận tác động của biến đổi khí hậu và là thế hệ cuối cùng có thể hành động để ngăn chặn điều đó. Cá nhân tôi tới đây, là lãnh đạo nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng là nước phát thải nhiều thứ hai thế giới, tôi khẳng định rằng Mỹ không chỉ thừa nhận chúng tôi đã gây ra vấn đề mà còn cam kết có trách nhiệm hành động để giải quyết vấn đề". 
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon: "Tương lai của loài người trên thế giới, tương lai của hành tinh này nằm trong tay các bạn. Chúng ta không thể do dự, biện pháp nửa vời hay những cách tiếp cận đơn thuần từng tí một, mục tiêu của chúng ta phải là một sự thay đổi".
Tổng thống Nga Vladimir Putin: "Biến đổi khí hậu đã trở thành một trong những thách thức nghiêm trọng nhất mà nhân loại đang phải đối mặt. Bão lũ, hạn hán và các sự cố bất thường chính là hệ lụy của sự nóng lên toàn cầu. Không chỉ phá hủy môi trường sống, biến đối khí hậu còn tàn phá nền kinh tế toàn cầu. Chính vì thế, việc chúng ta giải quyết vấn đề khí hậu như thế nào sẽ quyết định đến chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người trên hành tinh này cũng như tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững trên toàn thế giới trong tương lai".
Tổng thống Nga Putin phát biểu tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP21) ở thủ đô Paris của Pháp ngày 30.11 - Ảnh: Reuters

Tổng thống Pháp Francois Hollande: "Cuộc chiến chống khủng bố và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là hai thách thức toàn cầu chủ yếu mà chúng ta đang phải đối mặt".
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình: "Nếu muốn giải quyết biến đổi khí hậu, chúng ta không nên chối bỏ những nhu cầu hợp pháp của các nước đang phát triển trong nỗ lực giảm nghèo và cải thiện tiêu chuẩn sống"
Thái tử Charles của Vương quốc Anh: "Nếu hành tinh này là một bệnh nhân, chúng ta phải điều trị cho bệnh nhân này từ lâu rồi. Tất cả mọi người đều có thể mang lại sự sống cho bệnh nhân ấy và phải chắc chắn bắt đầu bằng những hành động khẩn cấp, không thể trì hoãn thêm nữa... Loài người đang đối mặt với nhiều mối nguy nhưng không điều gì lớn hơn biến đổi khí hậu... Tôi hối thúc các bạn suy nghĩ về nhu cầu của thế hệ nhỏ nhất, bởi không ai trong chúng ta có quyền vì mình hôm nay mà khiến họ phải từ bỏ cuộc sống của họ trong tương lai".
Giáo hoàng Francis: "Bây giờ hoặc không bao giờ... Mỗi năm qua đi vấn đề (biến đổi khí hậu) lại càng thêm trầm trọng, Chúng ta đã đến giới hạn. Nếu tôi có thể dùng một từ mạnh để nói thì tôi xin nói rằng chúng ta đang ở giới hạn của việc tự sát".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan: "Cộng đồng quốc tế đang trên bờ vực của một kỷ nguyên mới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Trách nhiệm của chúng ta là phải ký kết một thỏa thuân công bằng, toàn diện và có tính ràng buộc về mặt pháp lý".

Các nhà lãnh đạo và đại diện các nước sẽ thảo luận với nhau về vấn đề biến đổi khí hậu trong vòng 12 ngày nhằm tìm kiếm một thỏa thuận quốc tế cụ thể nhằm đối phó với thách thức biến đổi khí hậu hiện nay, trong đó có cam kết cắt giảm khí thải.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.