Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng các biện pháp đối phó với biến đổi khí hậu không nên làm ảnh hưởng tới sự phát triển của kinh tế các nước, theo The Guardian.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho rằng phải phân bổ hợp lý trách nhiệm giảm hiệu ứng nhà kính để phù hợp với tình hình kinh tế các nước - Ảnh: AFP |
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu toàn cầu tại Paris hôm 30.11, Chủ tịch Tập Cận Bình nêu cao vấn đề phân biệt giữa trách nhiệm và mục tiêu phát triển đất nước. Theo đó, ông cho rằng đây là cuộc đám phán quan trọng về khí hậu, giải quyết “sự khác biệt về kinh tế giữa các nước và cho phép từng nước có giải pháp riêng trong việc đối phó trái đất nóng lên”, theo Reuters.
Tại hội nghị lần này, các vấn đề về khí hậu và phân bổ trách nhiệm giảm thiểu khí thải sẽ được bàn thảo. Theo ông Tập Cận Bình, việc giải quyết biến đổi khí hậu “không nên làm giảm khả năng phát triển đất nước”.
Trung Quốc là nước có tình trạng ô nhiễm môi trường vào loại nặng nề nhất. Tại Hội nghị trung ương 5 khóa XVIII của đảng Cộng sản Trung Quốc hôm 26.10 vừa qua, vấn đề ứng phó với môi trường, khí thải cũng đặc biệt được nêu cao trong kế hoạch 5 năm lần thứ 13.
Cuộc họp thượng đỉnh tại Paris lần này quy tụ hơn 700.000 người, với lãnh đạo của hơn 150 quốc gia họp trong 12 ngày, theo AFP.
Nguyên thủ của các nước lớn như Pháp, Mỹ, Nga, Đức, Anh... đều đã có những bài phát biểu đầu tiên. Họ đều nhắc tới vụ khủng bố tại Paris vào ngày 13.11 qua cũng như đề cao tầm quan trọng của các giải pháp biến đổi khí hậu.
Tổng thống Pháp Francois Hollande khẳng định hội nghị lần này “quyết định đến tương lai của hành tinh”, và ông xem việc biến đổi khí hậu cũng quan trọng như cuộc chiến chống khủng bố.
Tổng thống Pháp Francois Hollande (trái) và Tổng thống Mỹ Barack Obama tại cuộc họp thuộc Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu (COP21) ở Paris ngày 30.11 - Ảnh: AFP
|
Cùng quan điểm về điều này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng: “Biến đổi khí hậu là một trong những thách thức lớn nhất nhân loại phải đối mặt... Nó đang gây ra những thiệt hại hữu hình hơn về kinh tế”.
Thủ tướng Đức Angela Merkel trong khi đó nhắc lại sự cam kết của các nước về việc viện trợ 100 tỉ USD mỗi năm cho các nước nghèo để chống lại biến đổi khí hậu vào năm 2020. Bà cũng nhận định rằng “hàng tỉ người đang trông đợi vào những gì chúng ta đang làm tại Paris”.
Về phần Tổng thống Mỹ Barack Obama, sau lời chia buồn cùng nước Pháp về vụ khủng bố vừa qua, đã khẳng định cuộc họp tại Paris lần này phải đặt mục tiêu thay đổi những quan niệm cũ, coi thường biến đổi khí hậu: “Chúng tôi biết sự thật rằng nhiều quốc gia không đóng góp nhiều trong việc ứng phó biến đổi khí hậu, nhưng sẽ là những người đầu tiên cảm nhận được những hậu quả tiêu cực nhất. Đối với một số quốc đảo, biến đổi khí hậu là mối đe dọa cho sự tồn tại của họ”.
Bình luận (0)