Ấn Độ - Nepal căng thẳng vì lũ lụt

17/07/2019 14:00 GMT+7

Căng thẳng tại khu vực biên giới Ấn Độ - Nepal dâng cao sau khi gần 100 người thiệt mạng do đợt mưa lớn bất thường gây ra lũ lụt nghiêm trọng.

Các nước ở khu vực Nam Á đang hứng chịu đợt lũ lụt, lở đất nghiêm trọng chưa từng thấy trong nhiều năm qua, trong đó Nepal chịu thiệt hại nặng nề nhất. Tờ The New York Times ngày 16.7 dẫn thông báo từ Bộ Nội vụ Nepal cho hay đã có ít nhất 69 người thiệt mạng, 31 người mất tích và khoảng 2 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp, đa số ở khu vực biên giới với Ấn Độ. “Chúng tôi đang nỗ lực cung cấp nhu yếu phẩm cho các nạn nhân. Tuy nhiên, công tác viện trợ, cứu hộ gặp nhiều khó khăn do thời tiết xấu, đường sá hư hại và nhiều ngôi làng bị ngập sâu”, ông Ajay Gupta, Thị trưởng TP.Gaur nằm giáp với Ấn Độ cho biết. Ở bang Bihar của nước láng giềng, có ít nhất 24 người thiệt mạng, theo tờ Times of India và giới chức cảnh báo số thương vong có thể tiếp tục gia tăng. Tình hình thương vong do lũ lụt cũng được ghi nhận tại Bangladesh và Pakistan.

[VIDEO] Lũ lụt làm thiệt mạng hơn 100 người, 4 triệu người phải sơ tán ở Nam Á

Ngoài thiệt hại nặng nề, tình hình hiện nay càng khiến căng thẳng an ninh - chính trị giữa Ấn Độ và Nepal dâng cao khi 2 nước láng giềng này thường xuyên chỉ trích lẫn nhau có nhiều “hành động nguy hiểm” ở khu vực biên giới. Cụ thể, Nepal kịch liệt lên án việc Ấn Độ xây dựng ít nhất 10 công trình được cho là đê ngăn lũ bảo vệ những ngôi làng dọc biên giới. Những công trình này bị cáo buộc ngăn chặn dòng chảy, gây ngập lụt nghiêm trọng hàng ngàn héc ta đất ở phía Nepal vào mùa mưa từ tháng 6 - 9 hằng năm, theo BBC. Tuy nhiên, phía Ấn Độ khẳng định “chỉ xây dựng và nâng cấp đường sá”. Trong thời gian qua đã nổ ra một số cuộc đụng độ giữa người dân địa phương hai bên liên quan đến tranh cãi này.
Về phần mình, New Delhi cáo buộc láng giềng xả đập thủy điện “vô tội vạ và không báo trước”, gây ngập lụt nghiêm trọng ở những khu vực hạ nguồn sông Hằng. Hai bên có đường biên giới dài 1.800 km với hơn 6.000 con sông và lạch chảy từ Nepal sang miền bắc Ấn Độ, đóng góp 70% lượng nước cho sông Hằng trong mùa khô, theo BBC. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu và hoạt động của con người khiến lũ lụt trong mùa mưa ngày càng nghiêm trọng, tàn phá những vùng đồng bằng rộng lớn. Trong đó, ngoài các cáo buộc lẫn nhau nói trên, giới chuyên gia còn chỉ ra nguyên nhân nằm ở nạn phá rừng, khai thác mỏ ồ ạt, phá núi lấy đá, hút cát dưới sông trái phép ở cả hai quốc gia.
Trong thời gian qua, New Delhi và Kathmandu tiến hành hàng loạt cuộc đàm phán nhưng vẫn chưa thể giải quyết bất đồng. Trong cuộc họp hồi tháng 5, giới chức phụ trách ứng phó lũ lụt hai bên thừa nhận “hoạt động xây dựng đường sá và công trình khác đang diễn ra dọc biên giới”, nhưng nhấn mạnh vấn đề này chỉ nên được thảo luận “thông qua các kênh ngoại giao”. Trước mắt, nhiều khu vực rộng lớn ở Nepal lẫn Ấn Độ vẫn đang chìm trong biển nước và chính quyền lo ngại nguy cơ lại xảy ra đụng độ vì những người đang lâm vào cảnh màn trời chiếu đất ở cả hai nước tìm cách “xả bức xúc” nhằm vào nhau. “Dường như phía Ấn Độ cũng nhận ra nguy cơ bùng nổ xung đột nên họ vừa lẳng lặng cho xả 2 con đê, phần nào giảm nhẹ tình hình của chúng tôi”, BBC dẫn lời đại diện Cảnh sát quốc gia Nepal, ông Krishna Dhakal cho hay. Tuy nhiên, Ấn Độ từ chối xác nhận thông tin này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.