Trên Twitter, Ngoại trưởng Hunt cho biết trong phiên họp quốc hội ngày mai (22.7), ông sẽ đưa ra những biện pháp đáp trả vụ Iran bắt giữ tàu dầu Stena Impero treo cờ Anh ở eo biển Hormuz vào ngày 19.7.
Một trong số những biện pháp này là áp đặt lệnh cấm vận, đóng băng những tài sản ở nước ngoài liên quan đến chính quyền Iran, theo tờ The Telegraph.
Bên cạnh đó, London sẽ tìm cách kêu gọi Liên Hiệp Quốc (LHQ) và Liên minh châu Âu (EU) tái áp đặt những biện pháp trừng phạt Iran.
LHQ và EU gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt vào năm 2016 sau khi nhóm P5+1 (Anh, Đức, Mỹ, Nga, Pháp và Trung Quốc) hồi 2015 ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt giúp hàng tỉ USD tài sản của Iran thoát khỏi tình trạng bị đóng băng và cho phép Tehran xuất khẩu dầu khắp thế giới. Riêng Mỹ rút khỏi thỏa thuận hồi năm 2018 và tái đặt lệnh cấm vận Iran. Tehran mới đây đáp trả bằng cách nâng mức làm giàu uranium vượt giới hạn thỏa thuận 2015, bất chấp cảnh báo từ các nước phương Tây.
|
Vào ngày 20.7, Ngoại trưởng Hunt đã có cuộc họp với Ủy ban khẩn cấp COBRA thuộc chính phủ Anh để thảo luận biện pháp đáp trả Iran.
Ông cáo buộc Iran bắt giữ tàu dầu "trong vùng biển của Oman" là hành động "trái phép và không thể chấp nhận được".
Bộ Ngoại giao Anh và NATO yêu cầu Iran phải trả tự do cho tàu Stena Impero để tránh làm leo thang căng thẳng.
Tuy nhiên, phía Iran khẳng định tàu Stena Impero bị bắt ở eo biển Hormuz vì phớt lờ tín hiệu kêu cứu từ tàu cá nước này sau một vụ va chạm.
Quan chức Allahmorad Afifipour thuộc chính quyền tỉnh Hormozgan (Iran) cho hay tàu dầu này đã bị lai dắt về cảng Bandar Abbas và tất cả 23 thành viên thủy thủ đoàn sẽ phải ở trên tàu cho đến khi cuộc điều tra kết thúc.
Căng thẳng giữa London và Tehran trở nên tăng nhiệt từ khi thủy quân lục chiến Anh bắt giữ tàu dầu Grace 1 của Iran trong vùng biển Gibraltar hôm 10.7 với lý do vi phạm lệnh cấm vận của Liên minh Châu Âu.
Bình luận (0)