APEC cam kết chống chủ nghĩa bảo hộ

22/11/2016 07:14 GMT+7

APEC sẽ duy trì vai trò tiên phong trong tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Chiều 20.11, giờ địa phương (sáng 21.11, giờ Việt Nam), tiếp tục các hoạt động tại Hội nghị Cấp cao APEC lần thứ 24 tại Lima (Peru), Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng các nhà lãnh đạo APEC đã tham dự Phiên họp toàn thể thứ hai với chủ đề “An ninh lương thực, thích ứng với biến đổi khí hậu và tiếp cận nguồn nước” và “Liên kết châu Á - Thái Bình Dương: Hướng tới kết nối hiệu quả và thiết thực”. Đây là những nội dung hợp tác then chốt của APEC trong năm 2016.
Chống biến đổi khí hậu
Tại phiên họp, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh vai trò của an ninh lương thực và nguồn nước đối với tăng trưởng chất lượng, đặc biệt trong bối cảnh châu Á - Thái Bình Dương là khu vực chịu nhiều tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu. Các nhà lãnh đạo hoan nghênh việc thông qua “Khuôn khổ chương trình nhiều năm của APEC về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu”, “Khuôn khổ chiến lược APEC về phát triển nông thôn - thành thị nhằm tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng” trong năm 2016.
Tối 20.11, giờ địa phương (sáng 21.11, giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao VN rời thủ đô Lima (Peru), kết thúc tốt đẹp chuyến tham dự Tuần lễ Cấp cao lần thứ 24 của APEC từ ngày 17 - 20.11.
Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Ý Sergio Mattarella, Giáo hoàng Francis, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân đi thăm cấp nhà nước tới Cộng hòa Ý từ ngày 21 - 24.11, thăm Tòa thánh Vatican ngày 23.11.

Các nhà lãnh đạo khẳng định tăng cường kết nối là nhu cầu tất yếu giữa các thành viên APEC trong thế kỷ 21 trước xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và các chuỗi giá trị toàn cầu. Các nhà lãnh đạo cam kết tăng cường phối hợp trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, đồng thời thúc đẩy kết nối hạ tầng, kết nối số, kết nối thể chế và con người nhằm tạo thuận lợi cho trao đổi thương mại và đầu tư, cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng biến đổi khí hậu cùng với thiên tai và sự khan hiếm nguồn nước không chỉ tác động tiêu cực đến đời sống của người dân, phát triển bền vững mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh lương thực trong khu vực. Trong đó, Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, một trong những vựa lúa quan trọng của thế giới, đang chịu tác động của nạn hạn hán và xâm ngập mặn nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến cuộc sống và sản xuất của hàng chục triệu người dân.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc gắn kết các chương trình kết nối khu vực, trong đó có kết nối của ASEAN và các chương trình kết nối tiểu vùng Mê Kông...
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tham dự hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương tại Peru Reuters
Lời chào mừng của Việt Nam
Tại phiên bế mạc hội nghị, với tư cách lãnh đạo nền kinh tế chủ nhà APEC năm tiếp theo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang được mời phát biểu về Năm APEC 2017 tại Việt Nam. Chủ tịch nước khẳng định đăng cai Năm APEC 2017 là trọng tâm đối ngoại của Việt Nam đến năm 2020, thể hiện mong muốn đóng góp tích cực vào tiến trình APEC, góp phần đưa châu Á - Thái Bình Dương ngày càng phát triển, thịnh vượng. Chủ tịch nước chào mừng các nhà lãnh đạo và đại biểu các nền kinh tế thành viên đến tham dự các hoạt động của Năm APEC 2017 tại Việt Nam với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”.
Hội nghị đã thành công tốt đẹp, thông qua Tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC với hai văn kiện kèm theo gồm “Tuyên bố Lima về khu vực thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương” và “Lộ trình về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực dịch vụ”. Tuyên bố của các nhà lãnh đạo tái khẳng định cam kết duy trì vai trò tiên phong của APEC trong tự do hóa thương mại và đầu tư, tăng trưởng kinh tế bền vững và thịnh vượng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tuyên bố chung cam kết sẽ “chống lại mọi hình thức của chủ nghĩa bảo hộ”. Bản tuyên bố khẳng định: “Giới lãnh đạo của các quốc gia thành viên đã đồng thuận về việc giữ sự cởi mở của thị trường, không làm giảm giá tiền tệ để tăng tính cạnh tranh và tiếp tục hoạt động tích cực để xây dựng một khu vực tự do trao đổi hàng hóa mang tính dài hạn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Khối APEC đánh giá sự trở lại của chủ nghĩa bảo hộ sẽ làm giảm trao đổi thương mại và làm chậm đà phát triển của kinh tế thế giới. Để tránh tình trạng này, bản tuyên bố chung nhấn mạnh cần phải “chia sẻ một cách công bằng hơn các lợi nhuận của nền sản xuất toàn cầu hóa cho mọi tầng lớp xã hội”.
Hội nghị APEC diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia thành viên đang tỏ ra lo ngại vì khả năng Mỹ sẽ thay đổi chính sách về kinh tế sau khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chính thức nhậm chức vào ngày 20.1.2017. Trong suốt chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng, ông Trump nhiều lần khẳng định nếu giành chiến thắng, sẽ tăng cường các biện pháp bảo hộ để giảm áp lực cạnh tranh và tăng cơ hội việc làm cho công dân nước này.
Chủ tịch nước hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản
Ngày 20.11, giờ địa phương (ngày 21.11, giờ Việt Nam), Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định Việt Nam luôn coi Nhật Bản là đối tác hàng đầu và lâu dài, mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản. Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã chính thức chuyển thư mời nhà vua và hoàng hậu Nhật Bản thăm Việt Nam vào đầu năm 2017.
Thủ tướng Abe khẳng định, Nhật Bản mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Thủ tướng Abe thông báo, Nhật Bản đã quyết định viện trợ cho Việt Nam một số phương tiện phòng chữa cháy và xe cứu hộ, tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực cho các lực lượng chấp pháp trên biển. Đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa hai nước tại các diễn đàn đa phương, Thủ tướng Abe khẳng định Nhật Bản ủng hộ và sẽ hỗ trợ tích cực để Việt Nam tổ chức thành công Năm APEC 2017.
Nhân dịp này, hai nhà lãnh đạo cũng trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông. Hai bên chia sẻ quan điểm về giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển năm 1982, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.