Ở thời điểm hiện tại, ứng viên Hillary Clinton của đảng Dân chủ có nhiều triển vọng đắc cử nhất trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11. Và để lấy lòng giới công đoàn, bà lên tiếng chống hiệp định TPP.
Bà Clinton tại Đại học Stanford, bang California ngày 23.3.2016 - Ảnh: Reuters |
Một trong những quan điểm tranh cử của bà được dư luận trong lẫn ngoài nước quan tâm nhiều nhất là phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây được Tổng thống Mỹ Barack Obama coi là một trong những dự án trọng điểm hàng đầu của cả 2 nhiệm kỳ cầm quyền và là biện pháp chiến lược để thực hiện chủ trương chuyển hướng sang châu Á - Thái Bình Dương.
Hiện TPP chưa được quốc hội Mỹ phê chuẩn do vấp phải sự phản đối quyết liệt của đảng Cộng hòa. Khi còn giữ chức ngoại trưởng, bà Clinton thuộc diện đồng tác giả và cổ súy mạnh mẽ nhất cho cả sự điều chỉnh chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương lẫn TPP. Bây giờ thì bà đang cài số lùi.
Nhưng thực chất đó chỉ là bước lùi nhất thời mang tính sách lược. Hơn ai hết, bà Clinton thừa hiểu cả chính sách “xoay trục” nói chung và TPP nói riêng quan trọng như thế nào đối với mọi lợi ích chiến lược cơ bản và lâu dài của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, vấn đề và lợi ích thiết thực hiện tại đặt ra cho bà Clinton là vận động tranh cử và bà cần sự hậu thuẫn của các tổ chức công đoàn và bộ phận cử tri thiên tả. Để có được lá phiếu của họ, không có khẩu hiệu tranh cử nào đắc dụng hơn là tạo việc làm mới và bảo vệ việc làm cũ. Vì thế, TPP không thích hợp. Sau khi đắc cử thì lại ủng hộ. Thủ thuật kiểu này rất thông dụng ở Mỹ và đã được vận dụng nhiều lần.
Bình luận (0)