Bài toán vũ khí hạt nhân của Mỹ

21/10/2015 11:16 GMT+7

70 năm sau vụ nổ hạt nhân đầu tiên, Mỹ vẫn loay hoay với kho vũ khí hủy diệt già cỗi của mình.

70 năm sau vụ nổ hạt nhân đầu tiên, Mỹ vẫn loay hoay với kho vũ khí hủy diệt già cỗi của mình.

Một vụ thử hạt nhân của Mỹ tại Nevada năm 1953 - Ảnh: Free RepublicMột vụ thử hạt nhân của Mỹ tại Nevada năm 1953 - Ảnh: Free Republic
Theo lệ thường, ông Pat Sena cầu nguyện cùng vợ, đọc sách và lái chiếc xe bán tải Chevy đời 1997 ngang qua khu vực ngoại ô có nền đất thấp của thành phố Albuquerque, thuộc bang New Mexico, để đến nơi làm việc. Tại đó, cho đến khi trở về nhà, ông và nhóm của mình chịu trách nhiệm đảm bảo rằng Mỹ, vào bất kỳ thời điểm nào, vẫn có thể làm nổ tung thế giới.
Theo báo U.S. News & World Report, ông Pat là kỹ sư trưởng của Trung tâm các hệ thống dự trữ tại Tổ hợp phòng thí nghiệm quốc gia Sandia, nằm trong một căn cứ không quân khổng lồ ở sa mạc. Trong 7 thập niên kể từ khi các nhà khoa học của Phòng Thí nghiệm quốc gia Los Abamos xới tung sa mạc New Mexico bằng vụ nổ hạt nhân đầu tiên của thế giới vào sáng 16.7.1945, có 3 phòng thí nghiệm chịu trách nhiệm bảo trì, nghiên cứu và thậm chí thử nghiệm kho dự trữ hạt nhân quốc gia của Mỹ. Đó là Los Abamos, Sandia và Lawrence Livermore ở bang California.
Những thách thức mới
Giải quyết hậu quả vụ bom rơi ở Tây Ban Nha
Theo AFP, Mỹ và Tây Ban Nha vừa ký thỏa thuận làm sạch khu vực làng Palomares bị nhiễm phóng xạ do tai nạn máy bay khiến 4 quả bom hạt nhân rơi nhưng không phát nổ hồi năm 1966.
Trong thông báo đưa ra ngày 19.10, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo cho biết hai bên “dự định thương thảo một thỏa thuận mang tính ràng buộc nhằm đền bù bổ sung cho Palomares và thu xếp để xử lý phần đất bị nhiễm độc tại một địa điểm phù hợp ở Mỹ”.
Vào ngày 17.1.1966, oanh tạc cơ chiến lược B.52 của Mỹ mang theo 4 quả bom đã va chạm một máy bay chở nhiên liệu trên vùng trời Palomares, khiến 7 trong số 11 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng và làm rơi 4 quả bom. Không có quả bom nào phát nổ, nhưng ngòi nổ của 2 quả bom bị gãy, làm rò rỉ 3 kg plutonium trên một khu vực rộng 200 ha gần Palomares.
Mỹ hiện sở hữu kho vũ khí hạt nhân bề thế bậc nhất thế giới. Trang National Interest dẫn thống kê của Liên đoàn Các nhà khoa học nguyên tử (FAS) cho thấy tính đến tháng 4 năm nay, Mỹ có trong tay trên 7.200 quả bom hạt nhân. Trong số này, hơn 2.000 quả đã được triển khai.
Ngoài ra, Washington cũng xây dựng một tổ hợp khí tài quân sự hiện đại có khả năng triển khai vũ khí hạt nhân, gồm 94 máy bay ném bom B2 và B52, hơn 400 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Minuteman III cùng 12 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo lớp Ohio. Các tàu này được lắp đặt tên lửa Trident II, với những tính năng được cải thiện mạnh mẽ hơn nhiều so với các đối thủ cùng loại trên đất liền.
Theo U.S. News & World Report, trong 1/4 thế kỷ kể từ khi kết thúc Chiến tranh lạnh, nguy cơ xung đột trên chiến trường giữa các cường quốc đã giảm đi rất nhiều. Nga và Mỹ không còn ở trong “cuộc đua sống còn” để giành ảnh hưởng toàn cầu. Trung Quốc mở rộng không đáng kể kho vũ khí hạt nhân ít ỏi của mình và nước này cho đến nay chưa dám thách thức Mỹ về sự thống lĩnh trên phạm vi toàn cầu.
Thực tế, phần lớn công việc của các phòng thí nghiệm của Mỹ chỉ tập trung vào việc làm thế nào để thẩm định liệu những nước như Iran có đang cố gắng chế tạo vũ khí hạt nhân hay không.
Tuy nhiên, chỉ trong 1 năm rưỡi qua, Nga đã sáp nhập bán đảo Crimea, tuyên bố chủ quyền đối với một khu vực rộng lớn của Bắc cực và bị nghi cho tàu ngầm đảo quanh khu vực ngoài khơi Phần Lan cũng như điều oanh tạc cơ áp sát nước Anh. Ở châu Á, CHDCND Triều Tiên nã pháo vào Hàn Quốc, trong khi Pakistan và Ấn Độ không đạt tiến bộ trong tranh chấp Kashmir. Vào tháng 8, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama thăm bang Alaska, Trung Quốc phái một đội tàu hải quân “du hành” xa bờ trong một đợt biểu dương lực lượng.
Chuyên gia Mỹ Alan Neuhauser nhận định trên tờ U.S. News & World Report rằng đó là 2 bối cảnh thực tế đối nghịch nhau gắn liền với chính sách hạt nhân của Mỹ. Theo thỏa thuận START được quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2010, số đầu đạn hạt nhân của Mỹ sẽ được giảm từ 1.900 xuống còn 1.550 đơn vị. Tuy nhiên, cùng lúc chính quyền Obama tìm cách tăng ngân sách hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, từ 20 tỉ USD lên 34,8 tỉ USD mỗi năm trong thập niên tới.
Ý kiến trái chiều
Những thực tế trên đặt ra các câu hỏi về việc Mỹ nên duy trì bao nhiêu vũ khí hạt nhân cũng như nên chi bao nhiêu cho việc này. Nhưng vấn đề quan trọng hơn cả có lẽ là liệu sự răn đe hạt nhân có thực sự hiệu quả?
Giới chức và các chuyên gia thừa nhận vũ khí hạt nhân vẫn là công cụ tốt để trấn an đồng minh, gây sức ép lên đối thủ và khiến các nhà quân sự tư duy chừng mực hơn khi xử lý một tình huống khẩn cấp. Chuyên gia Elbridge Colby thuộc Trung tâm nghiên cứu an ninh Mỹ mới, nhận định: “Lá chắn hạt nhân là một lực lượng bình ổn trong chính trị thế giới”.
Tuy nhiên, nhiều người khác tỏ ra hoài nghi. “Tôi không chắc vũ khí hạt nhân đã góp phần giành chiến thắng trong Chiến tranh lạnh hoặc giữ châu Âu yên bình trong thời kỳ đó. Mọi việc phức tạp hơn thế”, chuyên gia Sharon Squassoni thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS) nhận xét.
Những người khác cho rằng triển vọng chiến tranh mạng hiện đại, những tên lửa hành trình có thể tiêu diệt một nhà máy điện cách đó hàng trăm cây số và những hệ thống vũ khí có thể nhắm đến các vệ tinh trong không gian có tác dụng răn đe hiệu quả không thua gì vũ khí hạt nhân. Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia ủng hộ một học thuyết mang tên “sự răn đe tối thiểu”, tức duy trì một kho vũ khí hạt nhân với quy mô chỉ vài trăm, thậm chí vài chục. Theo chuyên gia Toby Dalton, Trung Quốc và Ấn Độ đã thực hiện thành công học thuyết này và nó giúp tiết kiệm chi phí trong bối cảnh Washington đánh vật với bài toán ngân sách.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.