Bạo lực leo thang tại Myanmar

Bảo Vinh
Bảo Vinh
12/04/2021 06:55 GMT+7

Xung đột ngày càng mở rộng giữa quân chính phủ Myanmar và các nhóm phản đối, trong khi cộng đồng quốc tế chưa có biện pháp mạnh mẽ hơn để giải quyết tình hình.

Biểu tình tiếp diễn

Hôm qua 11.4, bạo lực tiếp diễn tại Myanmar khiến số thương vong tiếp tục gia tăng. Theo AFP, một vụ nổ xảy ra bên ngoài chi nhánh Ngân hàng Myawaddy do quân đội sở hữu tại thành phố Mandalay làm một nhân viên bảo vệ bị thương.
Sau khi vụ việc xảy ra, lực lượng an ninh được triển khai dày đặc tại hiện trường. Myawaddy là một trong số nhiều ngân hàng do quân đội sở hữu bị tẩy chay từ khi chính biến xảy ra, với việc nhiều khách hàng yêu cầu được rút lại tiền gửi.
Cùng ngày, nhiều sinh viên và giảng viên đại học tuần hành tại các con phố ở thành phố Mandalay và Meiktila. Tại các thành phố như Yangon và Monywa, người biểu tình cũng tiếp tục xuống đường tuyên bố sẽ giành chiến thắng và kêu gọi LHQ can thiệp để ngăn chặn đổ máu.
Bất chấp nguy cơ bị bắt vì tội tuyên truyền trái phép, một số nhóm thanh niên ở Yangon, Mandalay in tờ tin và chuyền tay nhau để đọc trong bối cảnh internet bị cắt liên tục nhiều ngày. Trên khắp cả nước, nhiều nhóm vận động tham gia cuộc biểu tình với đuốc sáng vào tối 11.4.

It nhất 82 người chết do lực lượng an ninh Myanmar bắn súng phóng lựu?

Vũ khí chết chóc

Trước đó, các tổ chức quan sát ngày 10.4 cho hay lực lượng an ninh đã nổ súng làm 82 người biểu tình thiệt mạng trong ngày 9.4 tại TP.Bago. Những đoạn phim đã được xác minh là quay tại hiện trường cho thấy người biểu tình núp sau những bao cát và có mang theo súng trường tự chế.
Theo AP, lực lượng an ninh bị cáo buộc sử dụng những vũ khí mạnh, thậm chí là súng phóng lựu và súng cối, nhưng thông tin này chưa được xác minh.
Trong khi đó, một bộ phận người biểu tình quá khích cũng “tự vệ” bằng vũ khí tự chế như bom xăng, súng săn. Tại thị trấn Tamu gần biên giới Ấn Độ, một số người dân sử dụng súng săn phục kích đoàn xe quân sự vào ngày 10.4 làm 3 binh sĩ thiệt mạng.
Các tổ chức quan sát thống kê đến hôm qua có hơn 700 dân thường thiệt mạng và hơn 3.000 người bị bắt từ khi chính biến nổ ra. Trong khi đó, phía chính quyền quân sự hôm 9.4 nói chỉ có 248 dân thường và 16 cảnh sát thiệt mạng.
Bạo lực leo thang tại Myanmar1

Khói đen bốc lên từ một cuộc đụng độ tại thị trấn Taze

ẢNH: REUTERS

Văn phòng LHQ tại Myanmar cuối ngày 10.4 thông báo đang theo dõi diễn biến bạo lực tại Bago, đồng thời kêu gọi lực lượng an ninh Myanmar cho phép đội ngũ y tế điều trị nạn nhân sau những báo cáo về việc lực lượng cứu thương bị cản trở, hăm dọa, thậm chí bị tấn công và bắt giữ. Theo tờ The Guardian, một số nhân viên y tế bị trừng phạt vì chữa trị cho người biểu tình hoặc tham gia đình công.

Quốc tế tìm giải pháp

AFP hôm qua trích lời Đại sứ Mỹ tại LHQ Linda Thomas-Greenfield nói trong cuộc họp HĐBA LHQ mới đây rằng quân đội Myanmar “cần hiểu được cái giá cho những hành động khủng khiếp” của họ.
Bà Greenfield hối thúc HĐBA hành động nhanh chóng để bảo vệ sự ổn định và thịnh vượng của khu vực, thay vì chỉ đưa ra tuyên bố. Đại sứ Estonia Sven Jurgenson cho rằng HĐBA là cơ quan duy nhất có thẩm quyền bảo vệ các nước đang chịu nguy cơ và phải xem xét mọi công cụ để chấm dứt tình hình hiện nay tại Myanmar.
Trong diễn biến liên quan, Đặc phái viên Tổng thư ký LHQ về Myanmar Christine Schraner Burgener đang phải cách ly bắt buộc tại Thái Lan trong chuyến công du nhiều nước trong khu vực nhằm thảo luận và tìm giải pháp cho tình hình Myanmar.
Hãng thông tấn Bernama dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết bà Burgener sẽ gặp gỡ các quan chức cấp cao chính phủ và các cơ quan LHQ. Thái Lan tuyên bố nước này cam kết hợp tác với cộng đồng quốc tế thông qua LHQ và ASEAN nhằm tìm giải pháp hòa bình cho người dân Myanmar và hy vọng chuyến thăm của bà Burgener sẽ đóng góp cho quá trình này. Bà Burgener muốn đến Myanmar để gặp trực tiếp giới chỉ huy quân đội nhưng bị từ chối.
Tuần trước, nước chủ tịch luân phiên của ASEAN là Brunei ra thông cáo chung với Malaysia, ủng hộ việc tổ chức một cuộc họp giữa lãnh đạo các nước thành viên ASEAN nhằm thảo luận vấn đề Myanmar.
Trước đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức hồi đầu tháng 3, các quan chức bày tỏ lo ngại về tình hình Myanmar và kêu gọi các bên kềm chế, đối thoại để tìm giải pháp hòa bình. Các quan chức khẳng định ASEAN sẵn sàng hỗ trợ Myanmar theo cách tích cực, ôn hòa và xây dựng.
Nguy cơ nội chiến tăng cao
Không chỉ có người dân, nhiều tổ chức vũ trang thiểu số tại Myanmar cũng đã tham gia phong trào phản đối chính quyền quân sự.
Những cuộc đụng độ xảy ra tại bang Shan vào rạng sáng 10.4 khi nhóm Quân giải phóng dân tộc Ta’ang (TNLA) cùng Quân Arakan và Quân liên minh dân chủ dân tộc Myanmar hợp lực tấn công một đồn cảnh sát, khiến quân đội chính phủ không kích đáp trả.
Cả 3 nhóm vũ trang nói trên hồi cuối tháng 3 ra tuyên bố chung nói sẽ hợp tác với người biểu tình để tự vệ nếu việc sát hại dân thường tiếp tục xảy ra. Truyền thông đối lập đưa tin ít nhất 10 - 14 cảnh sát thiệt mạng trong cuộc tấn công ngày 10.4, trong khi truyền hình nhà nước thông báo lực lượng đối lập đã tấn công bằng vũ khí hạng nặng và đốt đồn cảnh sát.
Giáo sư nghiên cứu về Đông Nam Á David Camroux tại Viện Nghiên cứu chính trị Paris (Sciences Po) ước tính các nhóm vũ trang thiểu số của Myanmar tại biên giới Thái Lan và Ấn Độ có khoảng 100.000 tay súng, kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.