Bí ẩn vụ cướp Đại sứ quán Triều Tiên tại Tây Ban Nha

04/03/2019 08:18 GMT+7

Cảnh sát Tây Ban Nha đang điều tra vụ cướp táo bạo nhằm vào Đại sứ quán Triều Tiên và không loại trừ giả thuyết “tình báo chính trị”.

Vụ việc xảy ra hồi tuần trước nhưng đến nay mới được công bố chi tiết. Tờ El Confidencial dẫn lời nhân chứng cho hay tổng cộng 10 người đàn ông bất thần xông vào Đại sứ quán CHDCND Triều Tiên hôm 22.2, tay lăm lăm súng ngắn, sau đó được xác định là đồ giả, để khống chế các nhân viên, trói họ lại và nhét giẻ vào miệng. Sau đó, nhóm này bắt đầu đi khắp các phòng thu thập hồ sơ, máy tính và điện thoại di động trước khi tẩu thoát bằng 2 xe hơi mang biển số ngoại giao của đại sứ quán. Sau đó, cảnh sát đã tìm thấy 2 chiếc xe bị bỏ lại bên đường tại một khu vực cách xa hiện trường.
Theo nhà chức trách, chỉ có một phụ nữ Triều Tiên bị thương nhẹ trong vụ việc. Bà bị xây xát khi cố gắng chạy thoát ra ngoài và hét to cầu cứu, đánh động người dân xung quanh gọi điện báo cảnh sát. Nguồn tin cảnh sát tiết lộ một nhân viên công lực đến nơi kiểm tra nhưng chỉ gặp một người đàn ông ra mở cổng. Người này nói mọi chuyện “vẫn bình thường” nhưng không lâu sau, “cổng chính mở bung và 2 ô tô hạng sang lao vút ra ngoài với tốc độ chóng mặt rồi nhanh chóng mất hút”. Một trong hai chiếc chở theo người đàn ông đã mở cổng. Trong khi đó, Sở Cảnh sát quốc gia Tây Ban Nha chỉ xác nhận đã hỗ trợ một phụ nữ Triều Tiên bị chấn thương nhưng không cho biết thêm thông tin.
Hiện tấm màn bí ẩn vẫn đang bao phủ lên vụ cướp. Cảnh sát Tây Ban Nha được cho là gặp nhiều khó khăn trong quá trình điều tra do tính chất nhạy cảm về ngoại giao. Tờ The Independent dẫn thông tin từ Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho biết chưa có ai nộp đơn trình báo về vụ việc và chưa có hình ảnh trích xuất từ máy quay an ninh nào được công bố. Nhiều câu hỏi đã được đặt ra như làm cách nào bọn cướp vượt qua được vòng bảo vệ bên ngoài hay tại sao chỉ lấy đi hồ sơ và máy tính thuộc các bộ phận khác nhau của sứ quán. Theo tờ El Paischo, giới điều tra đang cố gắng xác định nội dung thông tin lưu giữ trong số máy tính nói trên và không loại trừ khả năng liên quan tới “tình báo chính trị”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nếu đây thật sự là một hành động của gián điệp thì lại quá liều lĩnh và lộ liễu.
Đến nay, phía Triều Tiên chưa đưa ra tuyên bố nào. Còn ông Alejandro Cao de Benos, Chủ tịch Hiệp hội Hữu nghị Triều Tiên (KFA) và được cho là một “phát ngôn viên không chính thức” của Bình Nhưỡng ở nước ngoài, thì nói ngắn gọn: “Theo tôi được biết, đây là một vụ trộm cắp”, theo AFP.
Hôm qua, một quan chức giấu tên thuộc Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha cho hay cơ quan này sẽ không bình luận về vụ việc vì đây là “vấn đề của cảnh sát”. Tuy nhiên, ông tiết lộ chính quyền sở tại đang làm việc với Tham tán So Yun-sok, nhà ngoại giao cấp cao nhất tại Đại sứ quán Triều Tiên hiện nay. Trước đó, Đại sứ Kim Hyok-chol và một số quan chức khác bị Tây Ban Nha trục xuất vào tháng 9.2017 để phản ứng các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Kể từ khi về nước, ông Kim được bổ nhiệm làm đặc phái viên chuyên trách về Mỹ và đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuẩn bị cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều vừa qua tại Hà Nội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.