Nhiều người, trong đó có giáo viên, đã tuần hành trên khắp các con phố ở Mandalay, kêu gọi Liên Hiệp Quốc can thiệp vào cuộc khủng hoảng hiện nay ở Myanmar.
Một nguồn tin tiết lộ với AFP đã có 8 người biểu tình tử vong và khoảng 50 người bị thương khi lực lượng an ninh ứng phó các cuộc biểu tình ở Mandalay ngày 21.3. Ngoài ra có một người thiệt mạng trong cuộc đối đầu với lực lượng an ninh ở Monywa, thuộc miền trung Myanmar, vào trưa 21.3.
Đã có ít nhất 250 người thiệt mạng và trên 2.600 người bị thương trong các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự Myanmar lên nắm quyền kể từ cuộc chính biến ngày 1.2. Chính quyền quân sự Myanmar chưa có phản ứng về số thương vong mới, nhưng trước đó khẳng định lực lượng an ninh sử dụng vũ lực chỉ khi cần thiết.
Sự lên án của cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, liên minh châu Âu (EU) và Liên Hiệp Quốc, đã không ngăn chặn được các cuộc trấn áp người biểu tình đẫm máu ở Myanmar. Trong nỗ lực mới nhằm gây thêm áp lực ngoại giao lên các vị tướng ở Myanmar, các ngoại trưởng EU được cho là sẽ phê chuẩn lệnh cấm vận đối với 11 quan chức thuộc chính quyền quân sự nước này.
Chính quyền quân sự Myanmar bảo vệ cuộc chính biến ngày 1.2, lập luận cuộc bầu cử ngày 8.11.2020 với chiến thắng cuộc về đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi có gian lận và ủy ban bầu cử đã phớt lờ cáo buộc này. Chính quyền quân sự Myanmar hứa tổ chức một cuộc tổng tuyển cử nhưng chưa ấn định ngày.
Bình luận (0)