Biểu tình tiếp diễn trong ôn hòa ở Mỹ

05/06/2020 06:00 GMT+7

Người biểu tình tiếp tục tuần hành khắp nước Mỹ, kể cả khi các cảnh sát đã bị truy tố vì cái chết của người đàn ông da màu George Floyd.

Các công tố viên bang Minnesota (Mỹ) hôm qua 5.6 truy tố tội giết người cấp độ 2 đối với viên sĩ quan cảnh sát da trắng Derek Chauvin (44 tuổi), người đã dùng đầu gối đè lên cổ ông Floyd gần 9 phút dẫn đến tử vong hôm 25.5 tại TP.Minneapolis (bang Minnesota), theo AFP.
Tội giết người cấp độ 2 có thể lãnh mức án cao nhất là 40 năm tù. Ba cảnh sát Tou Thao (34 tuổi), J.Alexander Kueng (26 tuổi) và Thomas Lane (37 tuổi) bị truy tố tội hỗ trợ và tiếp tay giết người.
Tuy yêu cầu của những người biểu tình được đáp ứng nhưng họ tiếp tục tổ chức các cuộc tuần hành lớn, đa phần diễn ra trong ôn hòa, ở khắp các thành phố của Mỹ. Tính đến hôm qua, các cuộc biểu tình phản đối sự tàn bạo của cảnh sát và tình trạng phân biệt chủng tộc đã kéo dài 9 ngày liên tiếp, trong đó một số dẫn đến bạo động, cướp bóc và hôi của.

4 cảnh sát Mỹ bị truy tố vì cái chết của người da màu làm rúng động nước Mỹ

Một số thành phố hôm 3.6 hủy bỏ lệnh giới nghiêm sau khi tình trạng cướp bóc và bạo lực lắng xuống. Cảnh sát cũng đã bắt giữ một số người biểu tình vi phạm lệnh giới nghiêm tại TP.New York (bang New York) và thủ đô Washington D.C.
Dù lên án vụ cảnh sát làm tử vong ông Floyd nhưng Tổng thống Mỹ Donald Trump lại có lập trường cứng rắn đối với người biểu tình. Ông cho rằng đám đông biểu tình bao gồm “nhiều người xấu” và yêu cầu các thống đốc bang “phải thống trị đường phố”. “Chúng ta cần luật pháp và trật tự”, ông Trump nhấn mạnh trong buổi họp báo tại Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ còn cảnh báo khả năng viện dẫn Đạo luật chống nổi dậy để điều động quân đội dập tắt tình trạng bất ổn.
Dù vậy, sau khi ra lệnh triển khai 1.600 binh sĩ đến thủ đô Washington D.C để hỗ trợ cảnh sát ứng phó biểu tình, Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper tuyên bố rút lại quyết định và nói các quân nhân này sẽ trở về căn cứ. Ông Esper khẳng định không ủng hộ việc viện dẫn Đạo luật chống nổi dậy để điều quân ứng phó bất ổn dân sự, theo tờ Time.

Cựu bộ trưởng Mỹ: Tổng thống Trump "không hề cố gắng đoàn kết người dân"

Tuy nhiên, nữ phát ngôn Nhà Trắng Kayleigh McEnany nhấn mạnh đạo luật này vẫn là “công cụ có sẵn” dành cho Tổng thống Trump để “bảo vệ đường phố của nước Mỹ”. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis lần đầu tiên cáo buộc ông Trump cố gây chia rẽ nước Mỹ.
Cuộc biểu tình phản đối phân biệt chủng tộc đã lan sang các nước khác trên thế giới, như Anh, Thụy Điển và Hy Lạp trong ngày 3.6, bất chấp lệnh phong tỏa và quy định hạn chế tụ tập đông người nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19, theo Reuters. Tại Hy Lạp, những người biểu tình đã ném bom xăng về phía Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Athens.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.