Bộ ba chủ chốt của hạt nhân Triều Tiên

27/05/2017 08:10 GMT+7

Giới quan sát phương Tây đang tập trung chú ý vào 3 quan chức được cho là đóng vai trò chủ chốt trong chương trình hạt nhân và tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Theo bài điều tra đặc biệt của Reuters đăng ngày 26.5, trong những hình ảnh chính thức do Triều Tiên công bố thời gian qua, có 3 nhân vật luôn xuất hiện cùng nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Họ cùng ông Kim quan sát các cuộc phóng thử tên lửa gần đây và nhà lãnh đạo trẻ dành cử chỉ thân thiết như ôm, nắm chặt tay, cười nói với 3 quan chức này, thể hiện sự tín nhiệm hơn hẳn đối với những người khác.
Bộ ba hạt nhân
Theo Reuters, Phó lãnh đạo Ủy ban Vũ trang của đảng Lao động Triều Tiên Ri Pyong-chol, 69 tuổi, hiện được xem là cố vấn tin cậy nhất của lãnh đạo Kim. Ông Ri được đào tạo ở Nga và bắt đầu giữ những vị trí quan trọng vào cuối thập niên 2000. Quan chức này từng có thời gian luôn xuất hiện cạnh cố lãnh đạo Kim Jong-il và thường dẫn đầu phái đoàn Triều Tiên thăm Nga, Trung Quốc và Cuba. Nguồn tin từ Hàn Quốc và Mỹ cho biết ông Ri hiện chịu trách nhiệm về chính sách và phương hướng phát triển tên lửa đạn đạo của Triều Tiên. Cá nhân ông nằm trong danh sách trừng phạt của Hàn Quốc vì vai trò trong chương trình hạt nhân. Reuters dẫn lời chuyên gia Kim Jin-moo ở Seoul nhận xét: “Ông Ri hiện đóng vai trò trung tâm trong chương trình tên lửa và hạt nhân của miền Bắc”.
Nhân vật thứ hai trong tầm ngắm của Hàn Quốc và Mỹ là nhà khoa học tên lửa Kim Jong-sik. Xuất thân là kỹ thuật viên hàng không dân dụng nhưng hiện ông Kim thường hiện diện tại các sự kiện công khai trong bộ quân phục và giữ vai trò phụ trách chuyên môn trong Ủy ban Vũ trang. Theo chuyên gia về giới lãnh đạo Triều Tiên Michael Madden (Mỹ), ông Kim Jong-sik bắt đầu được lãnh đạo Kim Jong-un cất nhắc sau một đợt thử tên lửa thành công năm 2012. Hồi năm ngoái, một đoạn tin tức trên truyền hình Triều Tiên cho thấy ông này cùng lãnh đạo Kim ngồi chuyên cơ đến bãi thử tên lửa rồi tháp tùng nhà lãnh đạo đi trên thảm đỏ và nhận hoa từ nhiều quan chức cấp cao.
Người cuối cùng trong bộ ba hạt nhân cũng là nhân vật ít được biết đến nhất: Jang Chang-ha. Ông Jang hiện là Giám đốc Học viện Khoa học quốc phòng, cơ quan phụ trách nghiên cứu phát triển vũ khí tiên tiến của Triều Tiên. Thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ hồi 2010 cáo buộc cơ sở này “thu thập công nghệ, thiết bị và thông tin từ nước ngoài để dùng cho chương trình vũ khí”. Truyền thông Hàn Quốc dẫn các nguồn tin giấu tên khẳng định dưới sự lãnh đạo của ông Jang, học viện có khoảng 15.000 nhân viên, bao gồm 3.000 kỹ sư tên lửa.
Đích thân chọn nhân tài
Theo Reuters, vào đầu thập niên 2000, chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên do 3 quan chức khác phụ trách gồm Phó chủ tịch Ủy ban Quốc phòng O Kuk-ryol, tướng Jon Pyong-ho và nhà khoa học So Sang-guk. Tướng Jon là người trực tiếp chỉ đạo vụ thử hạt nhân đầu tiên của Triều Tiên hồi năm 2006. Tuy nhiên, đến nay, người thì đã qua đời, người thì quá cao tuổi nên bộ ba nói trên đã thay thế họ. “Đây là những người đang đưa chương trình tên lửa của Triều Tiên tiến vào tương lai”, chuyên gia Madden đánh giá về các ông Ri, Kim và Jang, còn một quan chức miền Bắc đào tẩu tiết lộ: “Ông Kim Jong-un luôn giữ họ bên cạnh để có thể trao đổi trực tiếp và thúc giục họ đẩy nhanh công việc”.
Đáng chú ý, bộ ba này đều được đích thân ông Kim Jong-un lựa chọn cất nhắc. Theo các nguồn tin từ Bình Nhưỡng, dù 2 ông Kim Jong-sik và Jang Chang-ha không xuất thân từ các gia đình có truyền thống cách mạng như nhiều nhân vật cấp cao khác trong chính quyền Triều Tiên nhưng họ cùng ông Ri vẫn được nhà lãnh đạo trọng dụng: “Ông Kim Jong-un đang xây dựng một thế hệ mới quan chức mới, tách biệt với những công thần từ thời trước”, Reuters dẫn lời một quan chức Hàn Quốc giấu tên cho biết.
Mỹ ra chính sách 4 điểm về Triều Tiên
Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hôm qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận định chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên là “vấn đề lớn nhưng sẽ được giải quyết”. Theo Yonhap, nhà lãnh đạo Mỹ cũng đã thông qua chính sách 4 điểm về Triều Tiên bao gồm: không công nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân, tăng cường trừng phạt và gây sức ép nhưng không tìm cách thay đổi chính quyền và cuối cùng là giải quyết vấn đề bằng đối thoại. Động thái mới này cho thấy Washington có thể đã loại trừ khả năng sử dụng biện pháp quân sự để đối phó Bình Nhưỡng.
Cùng ngày, quyền Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Susan Thornton phát biểu tại Bắc Kinh rằng Trung Quốc hiểu rõ không còn nhiều thời gian để “kiềm chế tham vọng hạt nhân của Triều Tiên” nên cần phải có những biện pháp khẩn cấp. Trong khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh các bên liên quan cần có các bước đi linh hoạt và sớm trở lại bàn đàm phán.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.