Bộ sậu đối ngoại của ông Joe Biden là 'bồ câu' hay 'diều hâu'?

24/11/2020 17:46 GMT+7

Song hành cùng kế hoạch trở thành Tổng tống Mỹ, ông Joe Biden cũng đã giới thiệu “bộ khung” ngoại trưởng, cố vấn an ninh quốc gia – vốn là 2 vị trí then chốt định hình chính sách đối ngoại của Washington.

Theo truyền thông Mỹ, ông Biden tiến cử ông Antony Blinken làm Ngoại trưởng và ông Jake Sullivan làm Cố vấn An ninh quốc gia.

Nhân vật cứng rắn

Trong đó, ông Antony không hề là cái tên xa lạ của mảng chính sách đối ngoại tại Mỹ. Sinh trưởng trong một gia đình Do Thái, ông Antony còn là “dân ngoại giao nhà nòi” khi có bố là Donald M. Blinken (Đại sứ Mỹ tại Hungary từ năm 1994-1997) và chú là Alan Blinken (Đại sứ Mỹ tại Bỉ từ năm 1993-1997). Chính vì thế, ông có sự quan tâm lớn đến châu Âu.
Từ năm 2002-2008, ông là phụ tá cho ông Biden ở thượng viện. Theo tờ The New York Times, vào cuối năm 2002, nghị sĩ dân chủ Biden là người đã ủng hộ ông George Bush, khi đó đang là Tổng thống Mỹ, tiến hành chiến tranh nhằm vào Iraq. Với quan hệ tốt ở cả lưỡng đảng, ông Biden đã tạo ra các thỏa hiệp để chính quyền Bush có thể tấn công Iraq, đồng thời hạn chế bớt quyền hạn tiến hành cuộc chiến mà ông Bush mong muốn lúc đó. Quá trình vận động này, ông Blinken đóng vai trò không nhỏ.

- Ông Blinken trên thăm TP.HCM vào năm 2015 khi giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ

ĐSQ MỸ

Theo tờ Politico, ông Blinken có quan điểm rằng ngoại giao cần được hỗ trợ bằng các biện pháp răn đe, và “vũ lực có thể là phương tiện hỗ trợ cần thiết cho ngoại giao hiệu quả”. Dưới thời Tổng thống Barack Obama, ông Blinken ban đầu làm cố vấn an ninh quốc gia cho Phó tổng thống Biden. Tuy nhiên, sau một thời gian thì ông chuyển sang vị trí Phó Cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Obama nhằm hỗ trợ chính quyền Washington tiến hành cuộc can thiệp quân sự nhằm vào Libya. Sau đó, ông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc Mỹ can thiệp quân sự vào Syria.
Tờ Politico dẫn lời ông từng chia sẻ rằng: “Ở Syria, chúng tôi đã tìm cách tránh rơi vào tình cảnh như Iraq nên chúng tôi đã không hành động quá nhiều, nhưng chúng tôi cũng đã hành động quá ít”. Trong cuộc khủng hoảng ở Crimea vào năm 2014, ông Blinken khi đó đã theo đuổi chính sách trừng phạt mạnh mẽ nhằm vào Nga, lên án Tổng thống Nga Vladimir Putin là “một tên tội phạm quốc tế” cần bị trừng phạt. Ông đã đưa ra nhận xét trên khi phát biểu tại Viện Brooking (Mỹ) vào năm 2014. Từ năm 2015, ông trở thành Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ. Cùng năm 2015, Thứ trưởng Blinken từng có chuyến công du Việt Nam. Khi đó, ông đã đặt vấn đề lo ngại các hành vi của Trung Quốc ở Biển Đông, cụ thể là nguy cơ Bắc Kinh quân sự hóa các thực thể ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Chính vì thế, nếu chính thức trở thành Ngoại trưởng Mỹ, ông Blinken nhiều khả năng sẽ là một “tay chơi cứng rắn”. Thêm vào đó, ông lại có khả năng tốt trong việc kết nối đa phương, tìm cách ủng hộ của lưỡng đảng chính trị Mỹ lẫn các đối tác quốc tế, nên sẽ là một nhân vật có thể khiến cho những quốc gia đối trọng của Mỹ phải lo ngại.

Nhà hoạch định

Còn ông Jake Sullivan thì có thể xem là một cố vấn đối ngoại thành danh khá sớm. Đến nay, ông đang 44 tuổi. Tốt nghiệp ngành khoa học chính trị ở Đại học Yale (Mỹ) danh tiếng, ông theo học về ngành luật ở Đại học Oxford (Anh) rồi quay lại học tiếp ngành luật tại Yale. Ở tuổi 32, ông bắt đầu phụ tá cho bà Hillary Clinton ở chiến dịch bầu chọn nội bộ đảng Dân chủ để ứng cử Tổng thống, rồi phụ tá cho ông Barack Obama trong chiến dịch tranh cử Tổng thống. Năm 2009, khi bà Clinton trở thành Ngoại trưởng dưới thời ông Obama, ông Sullivan đã trở thành một trợ lý thân cận cho bà Clinton và từng tháp tùng bà công du hơn 110 quốc gia, theo tờ The New York Times. Trong giai đoạn này, ông từng giữ chức Giám đốc Văn phòng Hoạch định chính sách cho Bộ Ngoại giao Mỹ.

Ông Sullivan (trái) từng là trợ tá thân cận của bà Clinton dưới thời Tổng thống Obama

Nhà Trắng

Đến năm 2013, bà Clinton thôi vị trí Ngoại trưởng, còn ông Blinken thì rời vị trí Cố vấn An ninh quốc gia cho Phó tổng thống Biden, nên ông Sullivan đã trở thành người kế vị cho ông Blinken. Không những vậy, ông Sullivan cũng được cho là người có cùng quan điểm cứng rắn như người tiền nhiệm Blinken, và cũng có nhiều ảnh hưởng trong chính sách của Mỹ can thiệp quân sự vào Libya và Syria. Đồng thời, Sullivan cũng có nhiều thành tích trong việc đàm phán, hợp tác đa phương, từng là thành viên trong đoàn đàm phán mật với phía Iran về vấn đề hạt nhân.
Từ những yếu tố trên, Blinken - Sullivan có thể là cặp đôi xây dựng chính sách đối ngoại đa phương nhưng cũng đầy cứng rắn cho Washington.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.