Một trong những chủ đề được nhiều người quan tâm trên mạng xã hội Trung Quốc Weibo ngày 12.3 là đoạn video dài 1 phút về phiên điều trần của quốc hội Mỹ trong tuần này, thảo luận về biện pháp ứng phó dịch COVID-19, theo tờ The Guardian.
Trong video do tờ Nhân dân Nhật báo công bố trên Weibo, hạ nghị sĩ Mỹ Harley Rouda hỏi ông Robert Redfield, giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC), liệu ở Mỹ đã có trường hợp cho là tử vong vì cúm nhưng thật ra lại là do COVID-19 hay không. Ông Redfield trả lời: "Cho đến nay, tại Mỹ đã có một số trường hợp thực sự được chẩn đoán theo cách đó".
|
Câu trả lời mơ hồ của ông Redfield trở thành dẫn chứng mới cho giả thuyết thu hút sự quan tâm của nhiều người dùng Weibo ở Trung Quốc trong 2 tuần qua. Theo thuyết này, virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) không có nguồn gốc từ Trung Quốc mà có thể xuất phát từ Mỹ.
“Mỹ cuối cùng đã thừa nhận rằng trong số những người đã chết vì cúm trước đây có những trường hợp nhiễm COVID-19. Nguồn gốc thực sự của SARS-CoV-2 là từ Mỹ!" Một người bình luận trên Weibo. "Mỹ nợ thế giới, nhất là Trung Quốc, một lời xin lỗi", một người dùng Weibo khác bình luận. "Virus Mỹ", một người dùng Weibo viết.
Trong khi đó, chính phủ Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa nhiều lần gọi là SARS-CoV-2 là “virus Vũ Hán” hay “virus Trung Quốc”. Cách gọi tên này đã bị phản đối bởi chính ông Redfield và Thượng nghị sĩ Grace Meng, phó chủ tịch nhóm phụ trách vấn đề người Mỹ gốc châu Á-Thái Binh Dương ở quốc hội. Bà Meng nói dùng từ như vậy chỉ "củng cố cách nghĩ miệt thị, tiêu cực về người Mỹ gốc Á".
Virus không bắt nguồn từ Trung Quốc?
"Thuyết âm mưu" về “virus Mỹ” trở nên thú hút hơn sau khi ông Chung Nam Sơn, chuyên gia hàng đầu về bệnh đường hô hấp của Trung Quốc, hôm 27.2 nói dù dịch COVID-19 bùng phát từ thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) nhưng SARS-CoV-2 gây dịch này có thể không bắt nguồn từ Trung Quốc.
Sau đó, ông Chung tiếp tục làm rõ tuyên bố của mình khi phát biểu rằng nơi đầu tiên phát hiện ra một căn bệnh không đồng nghĩa nơi đó là nguồn gốc. “Tuy nhiên, chúng tôi cũng không thể kết luận rằng SARS-CoV-2 đến từ nước ngoài. Chỉ thông qua điều tra và truy vết, chúng tôi mới có thể trả lời câu hỏi đó”, ông Chung nói thêm.
Tuần rồi, Tân Hoa Xã đăng tải bài xã luận lặp lại lời ông Chung rằng: "Dịch bệnh được ghi nhận đầu tiên ở Trung Quốc nhưng điều đó không có nghĩa là nó bắt nguồn từ Trung Quốc ... Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã nói nhiều lần nhấn mạnh COVID-19 là một hiện tượng toàn cầu với nguồn gốc vẫn chưa được xác định".
Chưa dừng ở đó, trên Twitter ngày 12.3, ông Triệu Lập Kiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng Mỹ thiếu minh bạch trong công tác ứng phó dịch COVID-19, chứ không phải Trung Quốc. "Bệnh nhân số 0 ở Mỹ là ai? Có bao nhiêu người bị nhiễm SARS-CoV-2? Tên của các bệnh viện là gì? Biết đâu chính quân đội Mỹ đã mang dịch COVID-19 đến Vũ Hán. Hãy minh bạch! Mỹ hãy công khai dữ liệu! Mỹ nợ chúng tôi một lời giải thích!", ông Triệu viết.
Ông Triệu không đưa ra bất kỳ bằng chứng nào để chứng minh quân đội Mỹ mang SARS-CoV-2 đến Trung Quốc. Tuy nhiên, trước đó ở Trung Quốc đã lan truyền tin đồn rằng các thành viên trong đội tuyển Mỹ tham gia Giải thế thao Quân đội Thế giới tổ chức tại Vũ Hán năm 2019 đã có thể vô tình hay cố ý mang mầm bệnh vào Trung Quốc. Chưa có bằng chứng nào cho thấy tin đồn này là đúng.
Cùng ngày 12.3, ông Cảnh Sảng, một người phát ngôn khác của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đề nghị các quan chức Mỹ nên tập trung dập dịch COVID-19 và tránh đổ lỗi cho Bắc Kinh.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi ông Robert O'Brien, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, cáo buộc Trung Quốc không minh bạch, xử lý không tốt trong giai đoạn đầu khi dịch COVID-19 mới bùng phát cuối năm ngoái, và vì vậy có thể đã khiến thế giới bỏ lỡ mất 2 tháng chuẩn bị.
Báo The Guardian của Anh cho rằng nỗ lực thông tin của Trung Quốc có thể nhằm chống lại việc một số nước, như Mỹ, tìm cách chính trị hóa đại dịch COVID-19, tiếp tục dùng những cách nói "virus Trung Quốc" hay "virus Vũ Hán". Nhưng báo này cũng dẫn lời một số nhà bình luận cho rằng động thái của Trung Quốc nhằm phòng thủ trước những chỉ trích về sự chậm trễ chống dịch trong giai đoạn đầu, làm virus có cơ hội lan truyền ra toàn cầu.
WHO hôm 11.3 đã tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu do số ca nhiễm và tử vong bên ngoài Trung Quốc đại lục tăng vọt. Tính đến nay, dịch COVID-19 lan ra hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 128.340 người và làm chết 4.720 người. Trong khi đó, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc ngày 12.3 tuyên bố đỉnh dịch COVID-19 đã qua đối với nước này do số ca nhiễm mới giảm mạnh xuống đến mức chỉ còn 8 ca trong cùng ngày.
Hiện vẫn chưa rõ bệnh nhân số 0 của Trung Quốc là ai và chính phủ nước này cũng chưa công bố bất kỳ thông tin nào, ngoài trừ dịch COVID-19 bùng phát ở Vũ Hán cuối tháng 12.2019. Tuy nhiên, tờ South China Morning Post ngày 13.3 dẫn lại dữ liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy trường hợp được cho là ca nhiễm COVID-19 đầu tiên là một bệnh nhân 55 tuổi ở tỉnh Hồ Bắc được ghi nhận vào ngày 17.11.
Bình luận (0)