Hãng Bloomberg ngày 9.3 đưa tin giá dầu thô rơi tự do khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, với giá dầu thô Brent giảm hơn 31% xuống 31,02 USD/thùng chỉ trong vài giây - mức giảm mạnh nhất trong ngày kể từ Chiến tranh vùng Vịnh vào năm 1991.
Tương tự, giá dầu thô WTI giảm 33% xuống 27,34 USD/thùng. Giới quan sát cho rằng Ả Rập Xê Út, quốc gia xuất khẩu dầu số 1 thế giới, đang khởi động “cuộc chiến toàn diện” về dầu mỏ sau khi OPEC+ (gồm OPEC và các nước khác trong đó có Nga) không đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng. Tại cuộc họp vào tuần trước, nhiều nước đồng ý tiếp tục cắt giảm sản lượng nhằm đối phó với nguy cơ giá dầu giảm do tác động của dịch COVID-19, nhưng Nga từ chối.
“Vũ khí” dầu thô
Giới phân tích cho rằng việc Nga từ chối cắt giảm sản lượng khiến áp lực gia tăng lên các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ vốn cần giá dầu cao để tồn tại. “Nga hàm ý rằng mục tiêu chính là những nhà sản xuất dầu đá phiến Mỹ. Tuy nhiên, sự công kích như thế sẽ thất bại nếu như giá dầu không duy trì ở mức thấp trong thời gian dài”, Đài CNN dẫn phân tích của Công ty tư vấn năng lượng FGE (Anh).
Trong động thái đáp trả Nga, Ả Rập Xê Út bất ngờ cắt giảm giá dầu giao tháng 4, với mức giảm từ 4 - 6 USD/thùng cho khu vực châu Á, 7 USD/thùng cho Mỹ. Bên cạnh đó, Tập đoàn xăng dầu quốc gia Aramco của Ả Rập Xê Út còn bán dầu thô Arab Light cho châu Âu với giá thấp hơn 10,25 USD/thùng so với dầu thô Brent - mức chênh lệch chưa từng có từ trước đến nay.
Chưa hết, quốc gia này còn đang chuẩn bị tăng sản lượng trên mức 10 triệu thùng/ngày, theo Reuters. Cụ thể, Ả Rập Xê Út hiện đang bơm 9,7 triệu thùng/ngày nhưng có khả năng tăng sản lượng lên đến 12,5 triệu thùng/ngày. “Các tín hiệu này cho thấy Ả Rập Xê Út đang muốn tăng mạnh sản lượng và giành giật thị phần. Quốc gia này đang xắn tay áo chuẩn bị cho cuộc chiến về giá dầu”, chuyên gia Matt Smith tại Công ty nghiên cứu thị trường ClipperData (Mỹ) nhận định. Theo Bloomberg, Ả Rập Xê Út có lợi thế lớn về giá dầu nhờ chi phí khai thác rẻ nhất thế giới ở mức 2,8 USD/thùng, so với mức 16 USD/thùng của Tập đoàn ExxonMobil (Mỹ) và 20 USD/thùng của Tập đoàn Rosneft (Nga).
|
Tương lai đầy biến động
Trước các diễn biến trên, Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs có trụ sở tại Mỹ đã cắt giảm dự báo giá dầu Brent quý 2/2020 xuống còn 30 USD/thùng và cho rằng giá có thể giảm xuống mức 20 USD/thùng. Theo CNBC, các chiến lược của Ả Rập Xê Út và Nga cho thấy xu hướng chuyển dịch sang ưu tiên thị phần thay vì bình ổn thị trường và giá dầu. Sản lượng dầu của Trung Đông và Bắc Phi hiện thấp hơn 2 triệu thùng/ngày so với mức cao nhất từ năm 2018, đồng nghĩa với việc các nhà sản xuất hoàn toàn có khả năng tăng mạnh sản lượng.
Chuyên gia Edward Bell tại Ngân hàng Emirates NBD (UAE) dự báo động thái của Nga và Ả Rập Xê Út sẽ kéo theo làn sóng gia tăng sản lượng nhằm giành giật thị phần. “Nếu các nước OPEC+ chọn nâng sản lượng từ quý 2, một sản lượng lớn dầu thô sẽ ồ ạt đổ vào thị trường. Chúng tôi dự báo Ả Rập Xê Út, UAE và các nước OPEC khác sẽ tăng sản lượng trong năm nay vì họ quay lại chiến lược thị phần hơn là giữ giá”, ông nhận định. Cũng theo chuyên gia này, Nga đang sản xuất dưới mức đỉnh trước đó khoảng 130.000 thùng/ngày và nước này rõ ràng đang theo chiến lược giành giật thị phần. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) hôm qua dự báo nhu cầu dầu của thế giới sẽ giảm khoảng 90.000 thùng/ngày trong năm nay và là lần giảm đầu tiên kể từ năm 2009.
Tác động kép
Theo AFP, cuộc chiến giá dầu đang gây tác động kép đến thị trường toàn cầu vốn đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch COVID-19. Thị trường chứng khoán nhiều nước giảm mạnh, trong khi thị trường tiền tệ bắt đầu có nhiều xáo trộn lớn với đồng krone của Na Uy giảm mức kỷ lục so với đồng USD trong nhiều thập niên, trong khi đồng peso của Mexico giảm 8%, mức lớn nhất kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức với chủ trương xây tường biên giới. Đồng rúp của Nga giảm 9% với tỷ giá cách biệt nhất kể từ năm 2016 là 75 rúp/USD. Tác động giá dầu cũng khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm 0,44%, lần đầu tiên dưới mức 0,5%. Trong khi đó, giá vàng tăng 0,2% lên mức 1.678 USD/ounce.
Theo Bloomberg, giá dầu giảm trong thời gian dài sẽ còn gây xáo trộn về chính trị, ngân sách của các nước và gia tăng áp lực lên hệ thống tài chính, ngân hàng vốn đang cố gắng đối phó với nguy cơ suy thoái.
|
Bình luận (0)