Tờ Khmer Times ngày 27.2 đưa tin cơ quan y tế Campuchia trước đó 1 ngày đã phát hiện có thêm 44 ca nhiễm Covid-19. Trong số đó, 31 ca nhiễm là công dân Trung Quốc. Các ca nhiễm này liên quan đến ổ dịch bị phát hiện vào ngày 20.2 vừa qua tại Campuchia, vốn bị cho là bắt nguồn từ một nhóm cộng đồng người Trung Quốc.
Nghi án hối lộ
Diễn biến trên được cho là nguyên nhân khiến cho cộng đồng người Trung Quốc tại Campuchia đang bị cư dân địa phương quy kết trách nhiệm. Cụ thể, tờ Hoàn Cầu thời báo, thuộc tờ Nhân dân nhật báo - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 26.2 dẫn một số nguồn tin cho biết dân chúng Campuchia đã phân biệt đối xử, thậm chí xua đuổi công dân Trung Quốc tại một số khu vực công cộng.
Liên quan vụ việc trên, chuyên san The Diplomat ngày 27.2 đưa tin một video clip từ camera an ninh cho thấy 4 công dân Trung Quốc đã hối lộ cho nhân viên an ninh phụ trách kiểm soát quy trình cách ly ở một khách sạn hạng sang tại Phnom Penh, rồi trốn khỏi khu vực cách ly.
Trong đó, dữ liệu từ camera an ninh cho thấy một cô gái, nằm trong số 4 công dân vừa nêu, cùng với một nhân viên bảo vệ rời khỏi phòng, rồi dùng lối thoát hiểm để rời khỏi khách sạn - nơi đang thực hiện cách ly. Sau khi trốn khỏi khu cách ly, ít nhất 2 người trên đã đến hộp đêm và tham gia các buổi tiệc tùng.
Sau khi bị bắt giữ trở lại, 2 trong số 4 người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và bị cho là nguyên nhân khiến bệnh dịch bùng phát trở lại tại Campuchia - vốn đang có kết quả phòng chống dịch Covid-19 được đánh giá cao.
Sau khi đoạn video clip lan truyền ở Campuchia, người dân sở tại đã vô cùng phẫn nộ, và bắt đầu gây nên làn sóng phân biệt đối xử nhằm vào công dân Trung Quốc ở Campuchia.
|
Phương Tây “đạo diễn” hay người Trung Quốc được ưu ái?
Xung quanh các diễn biến trên, bài viết ngày 26.2 của tờ Hoàn Cầu thời báo cho rằng đó là “sản phẩm” do phương Tây kích động người dân Campuchia nhằm đả kích người Trung Quốc.
Tờ báo cho rằng thực tế có đến 3 cụm lây nhiễm riêng biệt liên quan đợt bùng nổ dịch Covid-19 hiện nay ở Campuchia, chứ không phải chỉ bắt nguồn từ 2 công dân Trung Quốc trốn khỏi điểm cách ly. Và 3 cụm lây nhiễm xảy ra vào các thời điểm khác nhau nhưng lại “trùng hợp” được báo cáo cùng một ngày.
Tờ báo cũng dẫn thông tin từ các công ty Trung Quốc đóng ở Campuchia khẳng định tuân thủ quy trình phòng chống dịch và đóng góp nhiều cho nỗ lực chống dịch của chính quyền sở tại.
Hoàn Cầu thời báo khẳng định quan hệ Trung Quốc - Campuchia rất bền chặt và sẽ bẻ gãy các luận điệu “xuyên tạc” xung quanh các vụ việc trên. Vừa qua. Campuchia đã công bố được Trung Quốc viện trợ 1 triệu liều vắc xin phòng ngừa Covid-19.
Thế nhưng, theo chuyên san The Diplomat thì người dân Campuchia luôn “theo dõi chặt chẽ” công dân Trung Quốc giữa đại dịch Covid-19.
Điển hình, hồi tháng 8.2020, 6 công dân Trung Quốc đến Campuchia có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2, nhưng sau khi có ý kiến từ cơ quan ngoại giao Trung Quốc thì kết quả xét nghiệm lần tiếp theo là âm tính. Vụ việc đã gây nên nhiều bàn tán ở Campuchia.
Đến tháng 10.2020, một đoạn video cho thấy có tình trạng xe buýt ở sân bay đã giúp một số người từ nước ngoài vừa nhập cảnh trốn tránh kiểm dịch tại sân bay ở Phnom Penh. Vụ việc khiến cho người dân sở tại đặt câu hỏi rằng người Trung Quốc có thể sẽ “lách kiểm dịch” khi nhập cảnh vào Campuchia.
Bình luận (0)