Cảnh báo khủng hoảng viện trợ nhân đạo toàn cầu

Khánh An
Khánh An
02/12/2020 08:00 GMT+7

Liên Hiệp Quốc cảnh báo số người cần viện trợ nhân đạo trên toàn cầu sẽ tăng 40% trong năm tới do tác động của đại dịch Covid-19 .

Liên Hiệp Quốc (LHQ) hôm qua cho biết thế giới sẽ cần viện trợ đến 35 tỉ USD trong năm 2021, do đại dịch Covid-19 khiến hàng chục triệu người rơi vào nguy cơ bị nạn đói đe dọa. Báo cáo của LHQ ước tính khoảng 235 triệu người trên thế giới sẽ cần viện trợ khẩn cấp vào năm tới, tăng đến 40% so với năm 2020. Theo điều phối viên viện trợ khẩn cấp của LHQ Mark Lowcock, tỷ lệ gia tăng này hoàn toàn do đại dịch Covid-19. “Nếu tất cả những người cần viện trợ nhân đạo trong năm tới sống trong một nước thì đây sẽ là quốc gia đông dân thứ 5 trên thế giới”, ông Lowcock so sánh.

Hồi chuông báo động

Trước đây, lời kêu gọi của LHQ và các tổ chức thường tập trung vào nhu cầu viện trợ nhân đạo do xung đột, thiên tai và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, năm nay LHQ nhấn mạnh rằng đại dịch Covid-19 đã khiến hơn 1,45 triệu người chết và ảnh hưởng nặng nề tại những nơi “người dân vốn đang sống trước mũi dao”. Số tiền 35 tỉ USD mà LHQ kêu gọi mới chỉ đủ viện trợ khoảng 160 triệu người bị ảnh hưởng nhiều nhất tại 56 nước.

Lễ Tạ ơn khó khăn cho hàng triệu người Mỹ thất nghiệp vì đại dịch Covid-19

Theo ông Lowcock, lần đầu tiên kể từ thập niên 1990, tình trạng nghèo cùng cực dự báo sẽ tăng vọt, tuổi thọ giảm và số người tử vong vì HIV, lao và sốt rét có thể tăng gấp đôi. Trong thế kỷ 21, nhân loại chỉ mới chứng kiến nạn đói cách đây gần một thập niên tại Somalia và tưởng chừng như điều đó sẽ không quay trở lại, tuy nhiên giờ đây “đèn đỏ báo động đang chớp sáng và hồi chuông báo động đang kêu vang”, ông Lowcock cảnh báo.
Dự báo đến cuối năm nay, số người bị ảnh hưởng bởi tình trạng mất an ninh lương thực trầm trọng có thể tăng lên 270 triệu, thêm 82% so với thời điểm trước đại dịch. Thực trạng tại Yemen, Burkina Faso, Nam Sudan và khu vực đông bắc Nigeria cho thấy nhiều nơi đang đứng trước bờ vực nạn đói, trong khi nhiều nơi khác như Afghanistan và vùng Sahel cũng rất dễ bị ảnh hưởng.

Thời khắc khó khăn

Giới chuyên môn nhận định việc gây quỹ đủ con số kỷ lục 35 tỉ USD trong thời gian xảy ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu là một nhiệm vụ hết sức khó khăn. Con số này cao hơn gấp đôi so với 17 tỉ USD quyên góp được trong năm nay. “Khủng hoảng còn lâu mới hết. Ngân sách viện trợ nhân đạo đang thiếu hụt trầm trọng do tác động ngày càng nặng nề của đại dịch. Chúng ta phải cùng nhau vận động nguồn lực và đoàn kết trong những giờ phút đen tối nhất”, theo Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres.
Dù thừa nhận số tiền quá lớn, ông Lowcock chỉ ra rằng con số này chỉ chiếm một phần nhỏ nếu so với số tiền các nước giàu đang bỏ ra để phục hồi kinh tế. “Vấn đề ở đây là mạng sống của vô số người dễ bị thương tổn, và chi phí để bảo vệ họ thực ra rất nhỏ nếu so với tất cả các thách thức khác mà chúng ta đương đầu”, ông phân tích.

Thiếu thốn lại thêm dịch Covid-19, người nghèo Venezuela ăn huyết bò để có chất đạm

“Đại dịch” trở thành từ của năm
Lần đầu tiên, 2 công ty từ điển lớn của Mỹ là Merriam-Webster và Dictionary.com cùng công bố từ của năm giống nhau, đó là “pandemic” (đại dịch). Biên tập viên cấp cao John Kelly của Dictionary.com cho hay số lượt tìm kiếm từ “pandemic” tăng hơn 13.500% vào ngày 11.3, ngày Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố tình trạng khẩn cấp y tế về Covid-19, và tiếp tục duy trì số lượt tìm kiếm cao trong suốt thời gian qua. Còn trên trang Merriam-Webster.com, lượt tìm kiếm từ “pandemic” vào ngày 11.3 tăng 115.806% so với cùng thời điểm trong năm ngoái.
Người Mỹ có thể chủng ngừa Covid-19 trước Giáng sinh
Hãng Reuters hôm qua đưa tin một bộ phận người dân Mỹ có thể bắt đầu được tiêm vắc xin Covid-19 trước Giáng sinh. Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar dự báo vắc xin Covid-19 của Hãng Pfizer có thể được cấp phép và vận chuyển sau ngày 10.12, còn vắc xin của Moderna có thể được cấp phép sau đó 1 tuần. Chính quyền liên bang sẽ chịu trách nhiệm vận chuyển vắc xin và các thống đốc tiểu bang sẽ quyết định cách thức phân phối. Thông tin được công bố vào thời điểm Mỹ ghi nhận thêm hơn 1 triệu ca Covid-19 mỗi tuần. Tại Mexico, WHO cảnh báo xu hướng dịch bệnh đang “rất đáng lo ngại”, khi số ca mắc và tử vong gia tăng. Mexico hiện ghi nhận hơn 105.000 ca tử vong, cao thứ 4 thế giới, với hơn 1,1 triệu ca mắc. Theo WHO, Mexico từng ghi nhận số ca tử vong khoảng 2.000 ca/tuần trong tháng 10, nhưng đã tăng lên khoảng 4.000 ca/tuần trong tháng 11.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.