Chẳng có gì vĩnh viễn

27/12/2017 16:24 GMT+7

Trong nghiên cứu vừa được công bố, Viện Nghiên cứu kinh tế Anh CEBR dự báo ngay trong năm 2018, Ấn Độ sẽ vượt Pháp và Anh trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.

Cũng trong báo cáo ấy, Trung Quốc được dự báo sẽ vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào năm 2032, sớm hơn những dự đoán trước đó một năm.
Dự báo của CEBR có thể khác với dự báo của các viện nghiên cứu lớn khác trên thế giới về thời điểm nhưng đều giống nhau về xu hướng: Trung Quốc và Ấn Độ bứt phá mạnh mẽ, không chỉ đuổi kịp mà còn vượt mặt những nền kinh tế phát triển của phương Tây.
Các nền kinh tế này chắc chắn sẽ làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn Trung Quốc và Ấn Độ bởi sức mạnh về kinh tế quyết định vị thế quốc tế và uy quyền trên nhiều lĩnh vực khác. Nhưng điều họ không còn có thể làm là duy trì trật tự quyền lực kinh tế được xác lập trong nhiều thập niên qua. Thời gian trôi qua và thời thế thay đổi khiến chẳng còn điều gì có thể tồn tại vĩnh viễn trên thế giới này.
Sự thay đổi ấy là thách thức lớn đối với nước này và cơ hội tốt cho nước khác. Nó buộc các nền kinh tế công nghiệp phát triển kia phải thay đổi chính sách đối với Trung Quốc và Ấn Độ đồng thời cũng phải điều chỉnh chính sách đối với các đối tác khác của họ.
Chỉ cần tỉnh táo và khôn khéo, thực tế và quyết đoán, các đối tác nhỏ có thể tăng được vị thế và tầm quan trọng của mình trong chính sách của các đối tác lớn. Và ở thời chẳng có gì vĩnh viễn cả thì đối với nước nào cũng vậy, gây dựng được thế và lực đã rất khó, giữ được lại càng khó hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.