Chính phủ Mỹ khởi kiện chống độc quyền nhắm vào Google

21/10/2020 17:01 GMT+7

Chính phủ Mỹ đã đệ đơn kiện với cáo buộc Google duy trì "độc quyền bất hợp pháp" về tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến.

Trong buổi họp báo ngày 22.10, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Jeffrey Rosen cho biết đơn kiện của chính phủ liên bang cùng với đơn kiện của các tổng chưởng lý thuộc đảng Cộng hòa từ 11 bang nhắm vào sự thống trị của Google (thuộc tập đoàn Alphabet) trong hệ sinh thái trực tuyến, theo AFP.
Đơn kiện của chính phủ liên bang cáo buộc Google có hành vi bất hợp pháp nhằm duy trì vị thế trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo tìm kiếm trên internet. "Google duy trì sự độc quyền thông qua nhiều hoạt động có hại cho môi trường cạnh tranh", ông Rosen nói.
Chẳng hạn, các thỏa thuận dài hạn buộc phải tải trước công cụ tìm kiếm của Google trên các thiết bị di động và một số ứng dụng của Google không thể xóa được.

Lo nguy cơ với thị trường ảo, 50 tiểu bang Mỹ điều tra Google về độc quyền

Chính phủ Mỹ cho rằng Google chi hàng tỉ USD cho các nhà sản xuất điện thoại di động cùng những bên khác để duy trì và củng cố vị thế độc quyền của mình.
“Kết quả cuối cùng là không ai có thể thách thức sự thống trị của Google trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo tìm kiếm”, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr nói trong buổi họp báo.
Đơn kiện được đệ trình tại thủ đô Washington D.C vào ngày 20.10 cho rằng hành động của Google khiến các đối thủ cạnh tranh bị loại trừ và đề nghị tòa án xem xét một loạt biện pháp xử lý bao gồm: yêu cầu tòa án buộc Google phải từ bỏ hành vi độc quyền và cân nhắc thay đổi "cấu trúc" công ty.
Phó chủ tịch cấp cao phụ trách các vấn đề toàn cầu, cố vấn pháp lý Google, ông Kent Walker kịch liệt phản đối đơn kiện. "Mọi người sử dụng Google vì đó là sự lựa chọn của họ, không phải vì họ bị buộc phải làm vậy hoặc không thể tìm thấy lựa chọn thay thế", ông Walker viết trong một bài đăng trên blog.
"Vụ kiện này sẽ không giúp ích gì cho người tiêu dùng. Ngược lại, nó vô tình ủng hộ dịch vụ tìm kiếm chất lượng kém chất lượng khác, làm tăng giá điện thoại và khiến mọi người khó tiếp cận được dịch vụ tìm kiếm mà họ muốn sử dụng", cũng theo bài viết của ông Walker.

Phó chủ tịch cấp cao phụ trách các vấn đề toàn cầu, cố vấn pháp lý Google Kent Walker phát biểu trong phiên điều trần tại quốc hội Mỹ hồi năm 2017

Reuters

Động thái này diễn ra sau cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng của các cơ quan thực thi chống độc quyền liên bang và cấp bang ở Mỹ nhằm đánh giá hoạt động của Google cùng với những gã khổng lồ công nghệ khác như Amazon, Facebook và Apple.
Theo Reuters, vụ kiện cho thấy đây là lần đầu tiên chính phủ Mỹ gây sức ép với công ty công nghệ lớn kể từ khi Washington kiện tập đoàn Microsoft độc quyền vào năm 1998. Tuy nhiên, sau các thỏa thuận dàn xếp, Microsoft vẫn còn nguyên vẹn và không bị thay đổi cấu trúc. Trong vụ kiện chống độc quyền năm 1974 của chính phủ Mỹ, công ty cung cấp dịch vụ điện thoại lớn nhất nước Mỹ lúc bấy giờ là Bell System đã phải thay đổi cấu trúc, chia nhỏ thành 7 công ty.
Là đơn vị chính của tập đoàn Alphabet, Google vận hành công cụ tìm kiếm thống lĩnh khắp thế giới cùng một loạt dịch vụ liên quan như bản đồ, email, quảng cáo và mua sắm. Google cũng vận hành hệ điều hành di động Android được sử dụng cho phần lớn điện thoại thông minh khắp thế giới.
Trước đây, Liên minh Châu Âu (EU) từng phạt nặng Google vì hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, Google luôn phủ nhận các cáo buộc về lạm dụng vị trí độc quyền.
Các vụ kiện chống độc quyền thường kéo dài nhiều năm liền. Để thắng kiện, chính phủ Mỹ phải chứng minh được người tiêu dùng chịu tổn thất vì hành vi độc quyền của Google.
Google và những người ủng hộ công ty này lập luận rằng người tiêu dùng được hưởng lợi từ các dịch vụ miễn phí dù một số đối thủ cạnh tranh chịu thiệt thòi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.