Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris là quan chức cấp cao nhất của chính quyền đến Đông Nam Á từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức hồi tháng 1. Chuyến công du tập trung vào vấn đề an ninh khu vực, ứng phó với đại dịch, quan hệ thương mại, chuỗi cung ứng, biến đổi khí hậu. Các nhà phân tích nhận định chuyến thăm của Phó tổng thống Harris thể hiện tầm quan trọng của Đông Nam Á trong chính sách của Nhà Trắng, theo đài Channel News Asia.
Phó tổng thống Harris cũng đã nhấn mạnh cam kết này trong bài phát biểu ngày 24.8. “Các nước Đông Nam Á đại diện cho thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của chúng tôi. Đây là một thị trường năng động và sôi nổi, sẽ sớm nằm trong những thị trường lớn nhất thế giới. Mối quan hệ thương mại của chúng tôi tại Đông Nam Á hỗ trợ cho hơn 600.000 việc làm của Mỹ”, bà Harris nói.
Trong bài phát biểu, Phó tổng thống Harris lên án những hành động cưỡng ép, hăm dọa gây tổn hại trật tự dựa trên quy tắc tại Biển Đông. Đồng thời, bà Harris tuyên bố Mỹ sẽ ủng hộ các đồng minh và đối tác trước các mối đe dọa, đồng thời theo đuổi một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở.
Bài phát biểu của Phó tổng thống Harris lặp lại những chủ đề từng được các quan chức khác trong chính quyền từng đưa ra trong nỗ lực chung nhằm tiếp xúc nhiều hơn với đồng minh và đối tác từ khi Tổng thống Biden nhậm chức. Bà Harris nói rằng các mối quan hệ đối tác của Mỹ sẽ dựa trên sự thành thật, cởi mở, bao hàm, lợi ích chung và các bên cùng có lợi. Bên cạnh đó, Phó tổng thống Mỹ nhấn mạnh những tiếp xúc của Mỹ tại Đông Nam Á và Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương không nhằm chống lại bất cứ nước nào, hay nhằm buộc bất cứ ai phải chọn phe.
|
Trước khi có bài phát biểu, Phó tổng thống Harris ngày 23.8 có cuộc gặp với Thủ tướng Lý Hiển Long. Sau đó, Nhà Trắng công bố đạt được nhiều sáng kiến với Singapore về việc giải quyết vấn đề trong chuỗi cung ứng, thương mại, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19, quốc phòng.
Nhà khoa học chính trị Chong Ja Ian tại Đại học Quốc gia Singapore nhận định các thỏa thuận giữa hai nước thể hiện sự phát triển dần trong mối quan hệ hợp tác. Ông đánh giá các cam kết mang ý nghĩa tích cực nhưng điều quan trọng là hành động và kết quả cụ thể.
Ông Chong cho rằng thành công của chuyến công du Đông Nam Á lần này của Phó tổng thống Harris phụ thuộc vào năng lực chứng minh rằng Mỹ có ý chí chính trị và nguồn lực để cụ thể hóa những cam kết. “Các đồng minh, đối tác và kể cả đối thủ tại khu vực cần phải được thuyết phục rằng Mỹ có thể dành thời gian, năng lượng, nguồn lực và sự chú ý tới châu Á, ngay cả khi Mỹ đang cố duy trì trật tự trong nước”, ông Chong nói với The Washington Post.
Tờ Politico dẫn lời cựu quan chức Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ Wendy Cutler nhận xét ngay cả khi Phó tổng thống Harris không đưa ra những cam kết lớn về thương mại, chuyến công du lần này của bà cũng tạo nền tảng cho Tổng thống Joe Biden đưa ra những cam kết đó tại hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa các nước APEC và ASEAN trong năm nay.
“Chính quyền từng rất thành công trong việc tái kết nối và xây dựng mối quan hệ nhưng tôi cho là các đối tác thương mại châu Á đang thật sự chờ đợi những hành động vào lúc này”, bà Cutler, hiện là Phó chủ tịch Viện Chính sách xã hội châu Á (Mỹ), nói thêm.
Bình luận (0)