Từ đe dọa
Cụ thể, tờ South China Morning Post đã đăng bài TS Valencia có tựa đề “With its support for US strategy, France is playing with fire in the South China Sea” (tạm dịch: Hỗ trợ cho chiến lược của Mỹ, Pháp đang “đùa với lửa” ở Biển Đông), sử dụng hình minh họa có bản đồ “đường lưỡi bò” phi pháp mà Trung Quốc dùng để tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.
Bài viết lên án việc Pháp liên tục điều động tàu chiến đến hoạt động ở Biển Đông. Tác giả cho rằng đó là động thái “núp bóng” hoạt động tự do hàng hải, ủng hộ cho chiến lược của Mỹ ở vùng biển này. Qua đó, vị chuyên gia này cảnh báo Paris “đang đùa với lửa” và có thể bị Bắc Kinh trả đũa. Cụ thể hơn, TS.Valencia còn cho rằng các doanh nghiệp Pháp đang có quan hệ kinh doanh với Trung Quốc sắp phải gánh chịu sự trừng phạt của Bắc Kinh.
Bài viết này không phải là lần đầu tiên chuyên gia này đe dọa nước khác về vấn đề Biển Đông. Vào tháng 3.2020, tờ South China Morning Post đăng bài viết “Why the US-Vietnam strategic alliance in the South China Sea is unlikely to last” (tạm dịch: Liên minh chiến lược Việt - Mỹ khó lâu bền) để đánh giá sự kiện tàu sân bay Mỹ USS Theodore Roosevelt thăm Việt Nam nhằm kỷ niệm 25 năm quan hệ Việt - Mỹ.
Tựu trung bài viết, TS Valencia đưa ra cảnh báo “nếu Việt Nam chọn vị trí chống Trung Quốc và ủng hộ Mỹ thì đó là phù du”. Trong khi đó, chuyến thăm của tàu USS Theodore Roosevelt là một hoạt động ngoại giao bình thường giữa các nước. Thêm vào đó, Trung Quốc đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ vì những hành vi gây rối trên Biển Đông. Chính vì thế, tác giả đã lập luận vô căn cứ khi cho rằng Việt Nam đang theo Mỹ để chống Trung Quốc hay gây rối ở Biển Đông.
Đến ngụy biện, đổ vấy trách nhiệm
TS Valencia là một chuyên gia không hề xa lạ trong vấn đề Biển Đông, nhưng cũng là người thể hiện rõ quan điểm lập trường “thân Trung Quốc”. Tại nhiều hội thảo quốc tế, TS Valencia và TS Ngô Sĩ Tồn, người đứng đầu cơ quan mà ông Valencia đang làm việc, thường xuyên đưa ra những lý lẽ ủng hộ quan điểm của Trung Quốc ở Biển Đông.
Vào tháng 11.2020, tờ Asia Times đăng bài bình luận cũng của tác giả Valencia với nhan đề: “What really drives the South China Sea conflict” (tạm dịch: Nguyên nhân nào dẫn đến nguy cơ xung đột ở Biển Đông). Đại ý, bài viết cho rằng nguyên nhân thật sự gây căng thẳng, ẩn chứa nguy cơ xung đột ở Biển Đông là do các hoạt động quân sự của Mỹ ở vùng biển này. Ngược lại, tác giả Valencia khẳng định: “Động cơ của Trung Quốc chủ yếu là để tự vệ và điều mà nước này xem là khôi phục phạm vi ảnh hưởng”.
|
Thực tế, bài viết trên của tác giả là một sự đánh tráo khái niệm. Đó là vì cả thế giới đều biết Biển Đông là nơi đang xảy ra cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc cạnh tranh Mỹ - Trung là gốc rễ của tình trạng căng thẳng ở Biển Đông.
Cách viết của tác giả đã “đặt sự đã rồi” về chủ quyền của Bắc Kinh đối với Biển Đông khi cho rằng “động cơ của Trung Quốc chủ yếu là để tự vệ”. Trong khi đó, chủ quyền mà Bắc Kinh đưa ra đối với Biển Đông đã bị Tòa trọng tài quốc tế bác bỏ.
Hay mới đây, ông Valencia có các bài viết “US and its allies must be wary of provoking South China Sea conflict over freedom of navigation” (tạm dịch: Mỹ và đồng minh cần thận trọng việc kích động xung đột trên Biển Đông về tự do hàng hải) đăng trên tờ South China Morning Post vào ngày 1.1.2021, và bài “Biden, China and South China Sea: a different perspective” (tạm dịch: Biden, Trung Quốc và Biển Đông - một góc nhìn khác) trên tờ Asia Times ngày 29.12.2020.
Qua 2 bài viết vừa nêu, TS. Valencia ngụy biện rằng Trung Quốc không hề quân sự hóa các đảo, bãi đá ở Biển Đông. Không những vậy, ông ta đổ vấy trách nhiệm rằng “Việt Nam và Mỹ đã không ngừng quân sự hóa” ở vùng biển này, nên khiến Trung Quốc phải đáp trả.
Cụ thể, bài của TS Valencia viết trên tờ Asia Times có đoạn: “Trung Quốc không có ý định “quân sự hóa” các thực thể (trên Biển Đông - NV). Nhưng khi Việt Nam và Mỹ leo thang “quân sự hóa” ở Biển Đông, Trung Quốc cảm thấy cần đáp trả những gì mà Bắc Kinh xem là mối đe dọa cho lực lượng quân sự và hạ tầng của Trung Quốc tại đây”.
Phân tích này hoàn toàn sai về thực tế, khi chính Bắc Kinh đã không ngừng leo thang bằng cách xây dựng hạ tầng phi pháp, triển khai vũ khí hạng nặng trên các thực thể ở 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Dù thường xuyên bị cộng đồng nghiên cứu quốc tế lên án mạnh mẽ, nhưng TS Valencia và một số chuyên gia “thân Trung Quốc” dường như chưa dừng lại việc sử dụng chiêu trò đánh tráo khái niệm, lên tiếng dọa dẫm các bên nhằm phục vụ cho ý đồ của Bắc Kinh trong việc độc chiếm Biển Đông.
Bình luận (0)